08/08/2013 07:17 GMT+7

Quá ít tác phẩm cho thiếu nhi, tặc lưỡi in sách nước ngoài

LAM ÐIỀN thực hiện
LAM ÐIỀN thực hiện

TT - “Không còn có mấy người viết cho thiếu nhi!” - ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ, đã kêu lên như vậy khi chúng tôi vừa đặt câu hỏi về nguyên nhân của sự trống vắng các tác phẩm thiếu nhi trong nước.

ii8e2dU3.jpgPhóng to
Phụ huynh và trẻ em huyện Nhà Bè, TP.HCM đi hội sách - Ảnh: L.Điền

Kỳ 1: Nhạc thiếu nhi: nhìn từ giọng hát nhí Kỳ 2: Khi âm nhạc chưa là bạn

Cùng với ông Nguyễn Minh Nhựt, ông Nguyễn Thế Truật (phó giám đốc NXB Trẻ) - những người đang giữ phần tác động không nhỏ vào thị trường sách cho các em thiếu nhi cả nước - đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.

"Thật bi kịch cho một đất nước khi có quá ít người viết cho thiếu nhi của đất nước đó đọc, và chúng ta đang ở bi kịch đó"

Ông Nguyễn Minh Nhựt (giám đốc NXB Trẻ)

Ông Nguyễn Thế Truật chia sẻ: Có một thực tế là chi phí mua tác quyền một tập sách thiếu nhi từ nước ngoài, cộng chi phí chuyển ngữ vẫn thấp hơn kinh phí để có bản thảo tương tự ở trong nước. Chưa kể sách mua tác quyền rất nhanh chóng về thời gian (yếu tố hàng đầu trong cạnh tranh) và rất bắt mắt về mỹ thuật (lợi thế trong tiếp thị)! Nhưng rất nhiều nội dung thuộc về nét riêng văn hóa Việt sách nước ngoài không thể có. Nên cái khó lớn nhất, luôn phải đối diện thường trực của NXB Trẻ khi đầu tư sách cho thiếu nhi trong nước chính là thiếu tác giả chuyên nghiệp, thiếu người chuyên tâm viết sách cho thiếu nhi, nhất là sách về khoa học kỹ thuật, mỹ thuật, các loại hình nghệ thuật đương đại...

Thiếu nguồn vốn đầu tư phi lợi nhuận dài hơi cho các công trình sách thiếu nhi quy mô lớn. Thiếu các chương trình hợp tác quốc tế để hiện đại hóa xuất bản trong nước, nhất là khâu chất lượng xuất bản phẩm. Thiếu môi trường kinh doanh đúng luật, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo hàng hóa tốt được lưu thông và được lựa chọn. Với NXB Trẻ, công trình lớn nhất, quy mô nhất và kiên trì nhất dành cho thiếu nhi là bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh trải qua hơn 15 năm, hoàn thành 51 tập trên 100 tập.

* Ngoài những nỗ lực của tự thân đơn vị, ông có nghĩ rằng Nhà nước cần có những chính sách mới nào để tạo điều kiện tốt hơn cho các NXB trong nỗ lực làm ra các ấn phẩm tốt cho thiếu nhi?

- Ông Nguyễn Thế Truật: Chính sách không thiếu. Cái chúng tôi cần là việc thực hiện chính sách một cách thấu đáo, nhất quán và toàn tâm. Hiện nay đầu tư của Nhà nước cho xuất bản thường có cái nhìn rất ngắn hạn, chúng ta cần cái nhìn trung và dài hạn, biết gắn kết nỗ lực tự thân trong nước với hướng dẫn, giúp đỡ từ nước ngoài.

Thí dụ ngay từ bây giờ hãy đầu tư trong 5-10 năm một bộ Từ điển tiếng Việt bằng hình dành cho thiếu nhi lưu lại tên gọi có minh họa bằng hình, toàn bộ đời sống sinh hoạt, lao động nông, lâm, ngư, thương nghiệp của tổ tiên từ đồng bằng sông Hồng đến tận đồng bằng sông Cửu Long, từ tộc người Việt đến các sắc tộc khác trên toàn cõi Việt Nam. Nếu không sớm thực hiện, sau này chưa chắc còn, kể cả tìm trong bảo tàng. Cái đó là gì? Là văn hóa Việt, phải giữ gìn, phát triển và trao truyền cho thế hệ mai sau.

* Có bao giờ ông hỏi các nhà văn câu hỏi quen thuộc: Tại sao các tác phẩm dành cho thiếu nhi Việt Nam không nhiều và chưa xuất sắc?

Bl0YuvW3.jpg

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Ảnh: L.Điền

- Ông Nguyễn Minh Nhựt: Chúng tôi rất mong được in những tác phẩm của các tác giả Việt Nam. Ðiều này minh chứng thông qua các cuộc thi văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước bên cạnh cuộc thi Văn học tuổi 20 của chúng ta. Và vừa rồi, NXB Trẻ cũng đã cho tái bản, làm mới hàng loạt sách văn học thiếu nhi đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn và giải thưởng của cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần 1, 2, 3. Nhưng mức độ đón nhận của bạn đọc không cao như chúng tôi nghĩ và phần lớn người mua là thiếu nhi của thời trước, nay đã trưởng thành, thậm chí là ông bà và cha mẹ. Thực tiễn này hoàn toàn phù hợp với những tâm sự của các nhà văn khi bày tỏ với chúng tôi về đề tài thiếu nhi. Các nhà văn có cảm giác và cho rằng mình chưa hiểu được các em, chưa hòa nhập được cuộc sống của các em hiện nay nên ngại viết. Ðó là một thực tế.

Dĩ nhiên, có một số ít nhà văn hiện nay làm tốt mảng đề tài thanh thiếu nhi này. Tiêu biểu phải kể đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - người đã đồng hành tốt nhất với độc giả trẻ hiện nay thông qua các tác phẩm của anh. Tôi nghĩ thật bi kịch cho một đất nước khi có quá ít người viết cho thiếu nhi của đất nước đó đọc, và chúng ta đang ở bi kịch đó. NXB Trẻ chúng tôi dẫu có ý thức cỡ nào, dẫu nỗ lực cỡ nào cũng đành “tặc lưỡi” in các tác phẩm nước ngoài với một điều an ủi: mình chọn những tác phẩm tốt và các tác phẩm đó cũng là tinh hoa văn hóa nhân loại cho vơi đi niềm xấu hổ với chức trách, nhiệm vụ của mình. Nhưng không có tác phẩm có chất lượng thì lấy gì chúng tôi in? Tôi nghĩ để trả lời câu hỏi này cần suy nghĩ, lương tâm và tài năng của nhiều người. Những người có chung một câu hỏi: Chúng ta muốn con cháu chúng ta đọc gì?

Ông Cao Xuân Sơn (giám đốc chi nhánh phía Nam NXB Kim Đồng):

Thiếu nhi nông thôn bên lề văn hóa đọc

WQp3pX3a.jpg

Ông Cao Xuân Sơn Ảnh: NVCC

Bức tranh sách truyện cho thiếu nhi hiện nay có thể nói cái thiếu vẫn thiếu và cái thừa vẫn thừa. Chúng ta còn thiếu sách thiếu nhi đậm chất văn hóa Việt Nam. Sách dịch vẫn chiếm tỉ lệ khá lớn.

Ðó là về nội dung, nhưng tình trạng bên lề đáng lo ngại nhất trong việc tiếp nhận văn hóa đọc của các em chính là sự cách biệt vùng miền đang ngày một sâu sắc hơn do khâu phân phối, phát hành còn nhiều bất cập.

Nhìn thoáng qua thì có vẻ sách truyện thiếu nhi hiện đang dư thừa, nhưng điều này chỉ đúng với trẻ em thành phố lớn. Ở nông thôn, nhất là ở các tỉnh vùng sâu vùng xa như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh... hay các tỉnh vùng núi như Sơn La, Hà Giang, Lào Cai... thật không dễ để các em mua được cuốn sách.

"Chưa bao giờ độ chênh về văn hóa đọc của trẻ em nông thôn và thành thị lớn như bây giờ"

Ông Cao Xuân Sơn (giám đốc chi nhánh phía Nam NXB Kim Đồng)

Chưa bao giờ sách thiếu nhi đa dạng, phong phú như bây giờ, nhưng cũng chưa bao giờ độ chênh về văn hóa đọc giữa trẻ em nông thôn và thành thị, sự thiệt thòi, bất bình đẳng về cơ hội được tiếp cận với sách của trẻ em nông thôn và thành thị lớn như bây giờ.

Chúng ta còn thiếu giải pháp, những công cụ hiệu quả, thiết thực trong hệ thống cung ứng, phân phối sách để khắc phục những khuyết tật của thị trường tự do, tự phát. Từng nhiều lần tận mắt chứng kiến tình cảnh đói sách, khát sách của trẻ em vùng cao, vùng xa, tôi nghĩ nếu như có thể kết hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng các điểm đọc sách miễn phí cho trẻ em vùng biên.

Chúng ta cần thêm các chính sách thiết thực, các chương trình, dự án tầm quốc gia để thu hẹp khoảng cách vùng miền trong hưởng thụ văn hóa đọc, đảm bảo đủ có sách hay, sách tốt cho các em ở những nơi mà thị trường không làm vì không có lợi nhuận. Nhà nước phải nhận trách nhiệm lấp đầy khoảng trống do thị trường để lại, như vậy mới bảo đảm công bằng cho người dân, trước hết là cho các em thiếu nhi.

______________

Kỳ cuối: Nỗi buồn về một bức tranh không sáng sủa

LAM ÐIỀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên