04/08/2013 11:47 GMT+7

Còn ai chơi với trẻ em

hungthuat
hungthuat

TT - Đó không phải là một câu hỏi. Đó thật sự là một nỗi âu lo khi nhìn vào những sản phẩm văn hóa dành cho trẻ em - những “tương lai của đất nước”, “thế giới của ngày mai” - như cách người lớn quen dùng. Trong thế giới văn hóa thiếu trước hụt sau ấy, trẻ em đang xem - nghe - đọc những gì?

Kỳ 1: Nhạc thiếu nhi: nhìn từ giọng hát nhí

Nhạc cho thiếu nhi đã bị "lơ là" từ lâu nhưng chưa bao giờ chuyện này lại gây nhiều bức xúc lẫn lo lắng trong dư luận như hiện nay, đặc biệt là khi các sân chơi tìm kiếm tài năng ca hát thiếu niên nhi đồng đang "giăng" khắp các kênh truyền hình.

OHyrjFHx.jpgPhóng to
Trẻ em vốn rất hồn nhiên. Trong ảnh: Các thí sinh nhí bên lề cuộc thi The Voice kids 2013 - Ảnh: MaRc Nguyễn

Ðược quan tâm nhất thời gian gần đây là sân chơi Giọng hát Việt nhí (vừa ra mắt tại Việt Nam, lại là phiên bản The Voice kids đang được yêu thích trên thế giới) với rất nhiều màn phô diễn của các em nhỏ ở những ca khúc dành cho người lớn hay ca khúc tiếng Anh.

Ngay từ vòng giấu mặt, cộng đồng mạng đã "dậy sóng" khi thí sinh Vũ Song Vũ (15 tuổi) chọn ca khúc Biển nhớ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để thể hiện, hay khi thí sinh Phương Mỹ Chi (10 tuổi) nức nở đúng kiểu Hương Lan với Quê em mùa nước lũ của Tiến Luân.

Các ca khúc tiếng Anh (hầu hết là các sáng tác có nội dung phù hợp cho tuổi 18 trở lên) cũng chiếm hơn 50% tổng ca khúc ở vòng giấu mặt. Riêng vòng đối đầu, để dư luận bớt xôn xao, ban tổ chức thậm chí còn đổi tên ca khúc Sóng tình thành Sóng tình bạn, những từ nhạy cảm như "người yêu" được hát thành "bạn yêu"...

Qua đến vòng live show, ban tổ chức lẫn các huấn luyện viên càng "đuối" trong phần chọn ca khúc phù hợp lứa tuổi cho các em trình diễn trên sân khấu trực tiếp.

Ngay đêm thi đầu tiên, hàng loạt giọng ca nhí đã bị "giú ép" để thể hiện những Vết chân tròn trên cát (thí sinh Cao Khánh), Giấc mơ trưa (Ngọc Duy)... Ngay cả khi Quang Anh được đánh giá là "bùng nổ" với Chiếc khăn piêu thì khán giả vẫn không khỏi ái ngại khi thấy bạn nhỏ này gồng mình trình diễn như một ca sĩ trưởng thành thực thụ.

Đắp đổi qua ngày

So với trẻ em ngày trước, trẻ em ngày nay có độ cảm âm tốt hơn, gu thưởng thức âm nhạc cũng hình thành sớm và rõ nét hơn rất nhiều. Và mặc dù có thể tìm xem, nghe thỏa thích các chương trình phim, nhạc... trên các phương tiện đại chúng nhưng nhu cầu được đến rạp hát, sân khấu để thưởng thức những tiết mục sống động vẫn rất cao. Tiếc là những sân khấu dành cho thiếu nhi, được đầu tư đúng mức và hợp với thị hiếu nghe/nhìn hiện đại của các em vẫn gần như... không có.

Tất My Loan (đạo diễn chương trình Tuổi thần tiên)

Trước khi The Voice kids diễn ra vài tháng, ban tổ chức đã phát đi thư ngỏ đến nhiều nhạc sĩ mời viết nhạc cho thiếu nhi của chương trình. Thế nhưng mọi thứ hết sức èo uột.

Thực tế là việc một bài sáng tác, chưa cần nói hay mà thật sự phù hợp cho thiếu nhi hiện nay quả là khó.

Có một thực tế đã tồn tại từ lâu là ngày càng ít các sáng tác mới cho thiếu nhi thì tỉ lệ các bé thiếu niên nhi đồng thích hát nhạc ngoại ngày càng tăng.

Ở lứa tuổi mầm non (từ 6 tuổi trở xuống), môi trường mẫu giáo vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến các bé nhờ "cô dạy trò hát" nên những ca khúc thiếu nhi, những ca khúc thời bé Xuân Mai, bé Xuân Nghi từ gần... mười mấy, hai mươi năm về trước vẫn còn thịnh hành!

Ông Huỳnh Tiết - giám đốc Bến Thành Audio Video, đơn vị từng rất thành công với chuỗi chương trình ca nhạc thiếu nhi Cả nhà thương nhau - cho hay: "Sở dĩ album của bé Xuân Mai, Xuân Nghi (nay đã qua tuổi 20) vẫn còn thịnh hành là vì thiếu những album mới ra đời.

Nhạc mới cho thiếu nhi không thiếu, các nhạc sĩ vẫn sáng tác nhạc cho thiếu nhi khá nhiều và các giọng ca nhí mới bây giờ còn hay hơn cả trước đây nhưng cái thiếu là nhà sản xuất chương trình. Bây giờ không hãng nào dám bỏ tiền ra làm đĩa vì nạn băng đĩa lậu và nghe miễn phí trên mạng". Nói thế nhưng các đơn vị như Bến Thành, Saigon Vafaco, Phương Nam... vẫn nỗ lực phát hành một, hai đĩa nhạc thiếu nhi/năm. Nhưng hầu hết đều là album "xào" lại những ca khúc quen thuộc hay những bản ghi âm đã cũ.

Nhạc "chế" vui hơn!

Ở tuổi thiếu niên, từ 9-16 tuổi, các em đã có chính kiến, chọn lựa riêng thì nhạc Việt dành cho lứa tuổi với rất nhiều thay đổi, chuyển biến tâm lý này gần như không đáp ứng được nhu cầu lẫn tâm tư tình cảm của các em.

Và các em đã quay sang "tìm hiểu" và kết môđen với nhạc ngoại, chủ yếu là nhạc Anh - Mỹ (vì các em được phổ cập tiếng Anh từ lớp 6-12 tuổi), nhạc Hàn theo trào lưu thế giới, nhạc Nhật, nhạc Hoa và cả nhạc... chế!

Em Quang Ngọc - 13 tuổi, học sinh lớp 7 Trường THCS Võ Trường Toản, TP Vũng Tàu - kể em thích nghe nhất là nhạc chế trên mạng Internet. Nhạc chế bây giờ phong phú đủ loại, từ chế nhạc Việt đến nhạc... Thái Lan!

Ưu điểm của thể loại này là lời lẽ vui nhộn, đả kích, trào phúng, thậm chí có khi vô nghĩa, nhảm nhí nhưng quan trọng là: "Cả lớp 40 người thì quá nửa ai cũng biết những bài nhạc chế đó. Nó tràn lan trên mạng và tụi em thấy nó vui, giải trí thoải mái".

Thùy Trang, 15 tuổi, còn cho biết: "Với nhạc Hàn, mặc dù không hiểu khi họ hát nhưng sau đó tụi em có thể lên mạng nghe lại những bản có phụ đề Việt ngữ do nhóm fan hâm mộ Việt dịch lại. Chuyện ngôn ngữ coi như xong. Cái chính là tụi em thích vũ đạo điêu luyện của họ, phong cách thời trang quá bắt mắt. Em nghĩ âm nhạc bây giờ không chỉ là nghe mà phải nhìn, phải bắt chước theo được và hình thành một phong cách sống từ nó".

Mà quả thật, âm nhạc của Hàn Quốc tại Việt Nam đã có một đời sống riêng: có những cuộc thi nhảy theo vũ đạo của các ca khúc đang thịnh hành nhất, có những CLB fan hâm mộ nhóm này nhóm kia có thể gặp nhau trao đổi, hát hò thoải mái, có khi còn gây ra những trận "bão dư luận" đến nơi đến chốn để bảo vệ thần tượng của mình.

Dù tốt hay xấu, dù đáng khen hay chê trách vẫn phải thừa nhận rằng các dòng nhạc đang được lớp thiếu nhi Việt ưu ái đều có đời sống sôi động, bắt kịp với mong muốn và đòi hỏi của các em. Nhạc Việt vốn đã ít ỏi nay lại càng lép vế hoàn toàn trong rừng món ăn quá nhiều hương sắc lạ.

Cung chưa "khớp" cầu

Ngọc Quân, học sinh Trường Ðinh Tiên Hoàng (TP.HCM), lý giải lý do em và bạn bè yêu thích nhạc ngoại hơn: "Thật ra những ca khúc Việt Nam có nội dung phù hợp với lứa tuổi tụi em không thiếu nhưng... nghe không "đã" lắm. Nhạc ngoại đa dạng phong cách, có nhiều sáng tạo mới về lối hòa âm và cách thể hiện, lời lẽ và tinh thần hiện đại đúng với những gì cuộc sống đang diễn ra".

Nói thế không có nghĩa là những bạn yêu nhạc tuổi ô mai hoàn toàn thờ ơ với các sản phẩm âm nhạc nước nhà. Các bạn vẫn theo dõi khá kỹ những giọng ca, nhạc sĩ có nhiều sáng tác "hợp gu" mình mà những Hà Anh Tuấn, Văn Mai Hương, Anna Trương, Nguyễn Hải Phong, Hoàng Nhã, Nguyễn Ðức Cường... là ví dụ.

Và các nhạc sĩ cũng hiểu những gì người nghe "nhí" cần. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - người đã gắn bó với nhiều sân chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi như Ðồ rê mí, Giọng hát Việt nhí - chia sẻ: "Tôi nghĩ có nhiều lý do khiến các em ít chọn nhạc Việt, trong đó cái thiếu nhất của nhạc sĩ bây giờ là không có sự cập nhật trong tư duy sáng tác. Không chỉ là những bản phối thời thượng, chuyên nghiệp, bắt kịp với làn sóng quốc tế mà phần ca từ cũng phải là những lời văn chứ không chỉ là những câu cổ động "bạn ơi hãy vui lên, hãy lạc quan lên" nữa. Giới nhạc sĩ nắm được điều này nhưng bản thân họ lại quá bận rộn, họ cũng phải chạy đua với dòng nhạc bề nổi, phổ thông để sống trước. Làm nhạc cho thiếu nhi, nhất là độ tuổi thiếu niên, cần phải có tâm huyết, điều kiện, cần phải có thời gian và khoảng lặng nhất định để chuyên tâm thì may ra mới có những ca khúc hay mà thiếu niên muốn cất lên tiếng hát".

Nhìn từ gốc độ khác, nhạc sĩ Minh Ðức - một trong những nhạc sĩ tâm huyết với nhạc thiếu nhi, từng phát hành album Bé giỏi mẹ thương - cho rằng: "Cốt lõi không phải là chúng ta không có những ca khúc tuổi hồng phù hợp mà chưa có đòn bẩy. Nếu như các sân chơi tìm kiếm ca khúc mới cho người lớn được tổ chức thường xuyên như Bài hát Việt, Bài hát yêu thích... với giải thưởng lên đến cả tỉ đồng, thì nhạc thiếu nhi làm gì có giải thưởng nào kích thích nhạc sĩ như thế".

QUỲNH NGUYỄN - MINH TRANG

Khẩu hiệu một bên và niềm vui một bên

Cũng như những ngày 1-6 hằng năm vẫn hay rầm rộ với nhiều hình thức nhưng nội dung dường như chỉ là để người lớn nhắc nhau về trẻ em, chứ không phải là những dự báo đáng mừng về văn hóa tinh thần mới mẻ và lâu dài cho một thế hệ mới.

Âm nhạc cũng vậy, dựa vào những gì đã cũ mòn, rất nhiều người cho rằng với trẻ con như vậy là đủ tốt, và cũng rất ít người nhận ra thế giới của người lớn và trẻ em Việt Nam hôm nay đã rất khác biệt. Phần ăn đong âm nhạc mà giới phụ huynh hay xã hội cung cấp đã được mỗi đứa trẻ giải quyết nhanh chóng bằng chuyện chuyền tay nhau các CD tải nhạc về mới nhất, hoặc đeo headphone ngồi trước máy thưởng thức từ những ngóc ngách sâu thẳm trên Internet mà chính các phụ huynh cũng bó tay, không thể can dự.

Trẻ em Việt hôm nay đang có tất cả tiềm năng của một thế giới riêng, đang tiếp cận mỗi ngày với thế giới phẳng rộng lớn. Trong khi đó các sân khấu nhà văn hóa, nhà hát vẫn vắng lặng chờ các chương trình được đầu tư tử tế và một lớp khán giả trẻ em đông đảo vẫn mong mỏi được ngồi trong không gian của mình, muốn nhìn thấy thần tượng của đúng lứa tuổi mình... Nhưng ai sẽ là người cùng trẻ em làm nên những điều đó? Những khẩu hiệu vì trẻ em nhiều năm rồi vẫn phấp phới một bên, và thế giới tinh thần nói chung, âm nhạc nói riêng của trẻ em - cái niềm vui thiết thực ấy vẫn chơ vơ buồn tẻ ở một bên.

TUẤN KHANH

___________

Kỳ sau: Khi âm nhạc chưa làm bạn

hungthuat
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên