15/10/2019 12:59 GMT+7

Phương pháp kinh tế học thí nghiệm

PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO (TRƯỞNG KHOA TÀI CHÍNH, ĐẠI HỌC KINH TẾ TP.HCM) - D.KIM THOA GHI
PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO (TRƯỞNG KHOA TÀI CHÍNH, ĐẠI HỌC KINH TẾ TP.HCM) - D.KIM THOA GHI

TTO - Giải Nobel kinh tế năm nay, theo tôi, rất đáng chú ý vì những đóng góp của nó rất có giá trị tham khảo cho chúng ta vì những nét gần gũi với tình hình thực tiễn ở Việt Nam, quốc gia đang nỗ lực giảm đói nghèo.

Phương pháp kinh tế học thí nghiệm - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

Ba nhà khoa học kinh tế đã tiếp cận câu hỏi lớn đó theo cách chia nhỏ vấn đề này thành các lĩnh vực tiếp cận khác nhau như giáo dục, y tế, năng suất lao động, tín dụng vi mô... với những câu hỏi nghiên cứu cụ thể. 

Và họ đã tìm được các câu trả lời có độ tin cậy nhờ dựa vào phương pháp kinh tế học thí nghiệm. Họ muốn xem xét tác động cụ thể của từng lĩnh vực nhỏ này với câu chuyện đói nghèo của mỗi nước, từ đó đề xuất ra các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. 

Với mỗi lĩnh vực nghiên cứu, họ đều tiến hành các thí nghiệm với từng nhóm, mẫu đối tượng khác nhau ở các nước như Kenya và Ấn Độ, từ đó rút ra những kết luận và đề xuất phương án giải quyết.

Chẳng hạn, ở lĩnh vực năng suất lao động, ai cũng biết những nước giàu có năng suất lao động cao và những nước nghèo thì ngược lại. 

Song nhóm tác giả được trao giải Nobel đã nhận thấy ngay cả trong một quốc gia, năng suất lao động giữa các khu vực hoặc các doanh nghiệp cũng không giống nhau, từ đó dẫn tới sự phát triển không đồng đều và kéo giảm năng suất bình quân của quốc gia xuống, khiến cho tăng trưởng kinh tế trở nên không bền vững. 

Dựa trên những phát hiện này, nhóm tác giả đã đưa ra các hàm ý chính sách để chính phủ các nước có thể tham khảo, tạo điều kiện để nâng cao năng suất lao động bình quân, tạo động lực tốt hơn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Rồi như trong vấn đề giáo dục, nhóm nghiên cứu đặt ra câu hỏi liệu các trẻ em nghèo đến trường với cái bụng đói và thiếu thốn sách vở thì kết quả học tập bị ảnh hưởng ra sao. 

Các kết quả thí nghiệm được tiến hành trên các nhóm khác nhau cho thấy việc cải thiện bữa ăn miễn phí ở trường hay hỗ trợ thêm nhiều sách vở cải thiện không đáng kể thành quả học tập của các trẻ em nghèo. 

Trong khi mấu chốt ở vấn đề nội dung chương trình học không đáp ứng nhu cầu người học và các giáo viên ở những vùng khó khăn này chưa được đãi ngộ hoặc tìm thấy động lực cho mục tiêu cải thiện việc dạy học. 

Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp để nâng cao đóng góp của giáo dục cho xóa đói giảm nghèo thông qua việc cải cách nội dung dạy học và các chính sách tạo động lực gắn bó lâu dài cho các giáo viên, đặc biệt là các giáo viên hợp đồng ngắn hạn ở các quốc gia này.

Còn trong lĩnh vực y tế, nhóm nghiên cứu đi tìm câu trả lời cho thắc mắc vì sao những người dân nghèo có vẻ như xem thường vấn đề chăm sóc y tế như vậy. 

Thí nghiệm cho họ thấy hóa ra không phải người nghèo không hiểu được những lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe nhưng yếu tố hành vi đã khiến họ chỉ nhắm vào các mục tiêu ngắn hạn và thờ ơ với các giá trị lâu dài. 

Do vậy, để cải thiện sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia này, chính phủ cần có các giải pháp để tác động làm thay đổi tâm lý và hành vi ngắn hạn vừa nêu thì mới giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Ứng dụng trong thiết kế chính sách

Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel năm nay đã tập trung phát triển phương pháp kinh tế học thí nghiệm giúp đưa ra các giải pháp thực tiễn nhằm xóa nghèo đói, hỗ trợ giáo dục, cải thiện sức khỏe, tín dụng vi mô... của người dân ở những nước thuộc thế giới thứ ba.

Công việc của các nhà khoa học trên đã góp phần rất lớn vào quá trình phân tích và thiết kế chính sách.

Có những chính sách có tầm ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu người, ví dụ như chính sách dạy kèm cho hơn 5 triệu trẻ em Ấn Độ, chính sách hỗ trợ tẩy giun không chỉ cho thấy tẩy giun mang lại lợi ích sức khỏe rõ ràng cho trẻ em đi học mà cả phụ huynh.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo phân phối miễn phí thuốc tẩy cho hơn 800 triệu học sinh sống ở những khu vực mà trong mỗi năm trẻ em có một trẻ bị nhiễm giun ký sinh.

Đồng thời, các nghiên cứu đánh giá chính sách cũng gián tiếp góp phần cung cấp bằng chứng để hạn chế đầu tư vào các dự án hoặc các chương trình không hiệu quả.

le-viet-phu 2(read-only)

Phương pháp kinh tế học thí nghiệm đã được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu đánh giá chính sách ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, việc đánh giá chính sách kinh tế - xã hội dựa trên bằng chứng thí nghiệm còn chưa được đề cao tại Việt Nam.

Một trong các lý do là các chương trình đánh giá thí nghiệm thường khá tốn kém, đồng thời quá trình thực hiện cần được thiết kế và giám sát hết sức khắt khe, yêu cầu có đội ngũ làm khoa học giỏi chuyên môn và sự hợp tác của nhiều cơ quan hành chính, chính quyền, dẫn đến những trở ngại lớn.

Hiện tại, một số chương trình giảng dạy tiên tiến, bao gồm chương trình thạc sĩ chính sách công tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright tại Đại học Fulbright Việt Nam, đã bắt đầu giảng dạy môn học này trong chương trình thạc sĩ phân tích chính sách.

TS Lê Việt Phú

(Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam)

Nobel kinh tế 2017:Vinh danh kinh tế học hành vi Nobel kinh tế 2017:Vinh danh kinh tế học hành vi

TTO - Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển ngày 9-10 công bố giải Nobel kinh tế năm 2017 dành cho giáo sư Richard H. Thaler đến từ Đại học Chicago (Mỹ) vì “những đóng góp cho kinh tế học hành vi”.

PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO (TRƯỞNG KHOA TÀI CHÍNH, ĐẠI HỌC KINH TẾ TP.HCM) - D.KIM THOA GHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên