30/12/2010 16:10 GMT+7

Kinh tế học hệ tư tưởng thời đại

JOE  STUDWELL
JOE  STUDWELL

TTO - Liên quan đến chính sách lớn, một ảnh hưởng trí tuệ toàn cầu đang hiện hành trong khu vực ở kỷ nguyên độc lập là những nhà kinh tế học thường nghiêng về lập kế hoạch và kiểm soát nhiều hơn.

rHG0WwYR.jpgPhóng to

Đây chỉ là một đề nghị đối với những cấu trúc doanh nghiệp ở địa phương của các bố già. Mỗi kỷ nguyên có hệ tư tưởng thời đại về kinh tế của nó, đó là “tinh thần” của nó.

Đầu kỷ nguyên hiện đại ở châu Âu, từ năm 1500 đến 1800, tính hám lợi là nhân tố kinh tế căn bản không cần tranh cãi. Vào thế kỷ 19 có sự trỗi dậy của các học thuyết tự do thương mại. Khoảng năm 1930, do hậu quả của sự đình đốn kinh tế toàn cầu, Chiến tranh thế giới thứ nhất và tư tưởng chủ nghĩa xã hội, việc lập kế hoạch và kiểm soát chiếm ưu thế lớn. Thời kỳ của các nhà kinh tế học theo chủ nghĩa can thiệp bắt đầu dưới sự quản lý của thực dân và tiếp tục đi qua thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập, với mục tiêu là chuyển từ sự thiên vị đế quốc sang sự phát triển trong nước khi những chính phủ do người địa phương cầm quyền.

Vào giữa thế kỷ 20, mỗi nền kinh tế Đông Nam Á mà chúng ta đang bàn đến đều cố gắng thực hiện cái gọi là công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI). Công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu là sự đối phó hợp lý với sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân. Những người tán thành quan điểm này đã chỉ ra rằng chính quyền thuộc địa đã cấu trúc những nền kinh tế mà họ kiểm soát để cung cấp hàng hóa bán thành phẩm và mua về các hàng hóa sản xuất công nghiệp - rõ ràng nhất là chính sách thuế quan - và điều này làm những nhà sản xuất châu Á thất vọng.

Kết quả là có sự phụ thuộc kinh tế, trong đó các nước Đông Nam Á bị mắc kẹt vào các hoạt động có giá trị gia tăng thấp trong nông nghiệp và khai mỏ, bị ép buộc phải xuất khẩu bán thành phẩm và nguyên liệu thô sang những nước công nghiệp tiên tiến để nhập khẩu các hàng hóa sản xuất công nghiệp tương đối đắt của họ. Cách duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn, như đã được tranh luận, là tăng thuế nhập khẩu, trợ giá tín dụng công nghiệp và quản lý vi mô đối với sự cung cấp ngoại tệ nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước phát triển.

Lý thuyết này rất có sức thuyết phục do nó có sự ủng hộ đáng kể của các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên trong thực tế, công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu đã sai lầm ở bước tiếp theo - ít nhất nếu được đánh giá dựa trên ý định tạo ra một nền công nghiệp nội địa có tính cạnh tranh toàn cầu. Lý do là chính sách này bị xói mòn bởi mối quan hệ truyền thống ngự trị giữa những nhóm tinh hoa chính trị và kinh tế. Một số kinh nghiệm đã được nói tới trong phần trước, vì nó liên quan rất nhiều với tiến trình sau độc lập của nền chính trị dân tộc chủ nghĩa và sự giật lùi so với lịch sử người Trung Quốc thống trị trong những lĩnh vực kinh tế. (Tất nhiên, quan niệm sau là một điều hoang tưởng vì sự thật các công ty lớn châu Âu và Mỹ thống trị trong thời thuộc địa.)

Ở Thái Lan, quốc hữu hóa bắt đầu vào cuối những năm 1930, nhưng công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu có liên quan chủ yếu với chế độ Field Marshal Sarit Thanarat, người lên nắm quyền bằng cuộc đảo chính năm 1957. Tại mỗi bước ngoặt, tiến trình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu ở Thái Lan được xây dựng quanh những quý tộc trở thành nhà tư bản và một nhóm nhỏ các đối tác là những đại gia người gốc Hoa. Những đại gia này xuất thân từ bối cảnh thương mại, và điều này đã xác định cách tiếp cận của họ với sản xuất.

Họ tìm kiếm những điều kiện có lợi từ những chính khách và sĩ quan quân đội, sau đó đến lượt những doanh nghiệp nước ngoài - thường là doanh nghiệp Nhật - để cung ứng cho họ công nghệ và quy trình sản xuất. Những nhà sản xuất hiện hữu ở Thái Lan thường không thể tăng giá lên quá mức vì những dự án thay thế nhập khẩu của chính phủ trong các ngành mới, nơi những yêu cầu đầu tư tối thiểu hoặc năng lực sản xuất tối thiểu vượt quá khả năng của họ. Thay vì các nhà sản xuất hiện thời được hỗ trợ bởi chính sách của chính phủ để lớn mạnh và cạnh tranh trên quy mô lớn, những nhà buôn có quan hệ tốt với những người có thế lực đã độc quyền các thương vụ sản xuất được bảo hộ.

Tiêu chuẩn này dành cho một nhà nhập khẩu sản phẩm để trở thành nhà lắp ráp ở địa phương theo sự dàn xếp với nhà cung cấp nước ngoài. Một ví dụ là mặt hàng ôtô và xe máy, bảo hộ thuế quan được tăng cường cho những liên doanh sản xuất với Nissan, Toyota, Mitsubishi, Hino, Daihatsu, Isuzu và Honda, nhưng không hề có sản xuất nội địa hóa đích thực. Sự thay thế nhập khẩu sinh ra những công ty lớn, nhưng không đạt được mục tiêu là làm những doanh nghiệp Thái sản xuất ra các mặt hàng công nghiệp có sức cạnh tranh toàn cầu.

Những năm 1970, nền công nghiệp Thái Lan là một loạt tập đoàn lớn phụ thuộc những đối tác nước ngoài, thành lập ở những thời điểm khác nhau, bởi các đại gia thương mại hưởng ứng chính sách thay thế nhập khẩu mới trong lắp ráp ôtô, đồ điện, sản xuất thép, kính, hóa chất và chế biến thực phẩm. Suehiro Akira, tác giả của bài phê bình về Đông Nam Á viết bằng tiếng Nhật, đã nhận xét: “Ở Nhật Bản và các nước công nghiệp hóa khác, những chuyên gia kỹ thuật và chủ nhà máy thường là những người có đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền công nghiệp trong nước… Ở Thái Lan, không hề có sự phát triển như vậy”.

Một hình mẫu về tầng lớp tinh hoa kinh tế chụp giật những thành quả của chính sách ISI thậm chí còn rõ ràng hơn ở Philippines. Sự khác biệt của nhóm tinh hoa người địa phương đã bén rễ không chỉ trong kinh doanh mà họ còn là di sản của thực dân về đất nông nghiệp. Điều này tạo ra những mâu thuẫn sâu sắc. Các chủ đất có mối quan hệ với những người có thế lực tham gia lĩnh vực sản xuất trong những năm 1950 và 1960 - tiêu biểu là lắp ráp hoàn thiện các sản phẩm của Mỹ - vì phân bổ ngoại tệ, những khoản vay của nhà nước, miễn thuế và bảo hộ thuế quan có nghĩa là những lợi nhuận trời cho.

Nhưng những đại gia có ruộng đất, cũng là những nhà xuất khẩu các mặt hàng nông sản và khai khoáng, bị ép buộc từ bỏ lợi nhuận xuất khẩu của họ để hỗ trợ chương trình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Do đó họ đã sớm quay sang các ngành có lợi nhuận cao - khi sự tăng trưởng sản xuất ở vào khoảng 10% một năm trong những năm 1950 - và sau đó quay sang chống lại nó vào đầu những năm 1960.

Trong năm 1962, việc kiểm soát ngoại tệ được nâng lên và đồng peso mất giá khoảng 50%. Hậu quả là các đại gia có lợi ích trong nông nghiệp, khai mỏ, sản xuất và ngân hàng không có cam kết đặc biệt với bất kỳ chiến lược phát triển quốc gia nào - họ chỉ tìm kiếm những điều kiện có lợi. Các gia đình có đất đai tham gia sản xuất dưới chương trình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu gồm có Aboitizs, Aranetas, Ayala-Zobels và Cojuangcos; Gokongweis và Palancas có điểm xuất phát từ khai mỏ.

Nhà kinh tế học Philippines Temario Rivera viết về một cấu trúc xã hội “được thống trị bởi những gia đình có đất đai theo đuổi những lợi ích tự mâu thuẫn, làm yếu đi tính pháp lý của một chiến lược tăng trưởng và phát triển công nghiệp nhất quán”. Nói cách khác, công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu đã bị những kẻ “khả nghi bình thường” cướp đoạt.

Indonesia, như đã bàn luận ở trên, theo đuổi chương trình Benteng dân tộc chủ nghĩa những năm 1950 chia phần ngoại tệ cho những thương gia bản xứ. Sử gia kinh tế Richard Robison nhận xét rằng nó tạo ra “không phải một giai cấp tư sản thương mại bản xứ mà là một nhóm những người môi giới giấy phép và đút lót giới chính trị”. Sự thật này tái diễn vào những năm 1970, khi bỗng nhiên nguồn tiền bán dầu khí dồi dào giữa lúc giá cả quốc tế tăng cao, chính phủ thử nghiệm công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu trong lĩnh vực sản xuất.

Nhưng giấy phép và sự hỗ trợ không đến được với các nhà sản xuất cỡ vừa, mà đến với những pribumi có quan hệ với những người có thế lực và các đại gia gốc Trung Quốc. Các nhà máy sắt thép, ximăng, ôtô, hóa chất và sản xuất phân bón được xây dựng trên cơ sở các thương gia đưa các công ty đa quốc gia vào để cung cấp công nghệ trong khi họ tập trung vào những thỏa thuận mang tính chính trị.

Adam Schwartz, một chuyên gia ở Indonesia khá lâu, tác giả và nhà báo, viết về cái mê cung quan liêu đó: “Trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân có hậu thuẫn chính trị mạnh mẽ ra đời trong thời kỳ này, những doanh nghiệp nhỏ hơn bị vùi dập dưới đống sạt lở của cái trần nhà tín dụng và các quy định bao trùm cả sản xuất, đầu tư và phân phối, và phải chịu nhiều đau khổ”.

Và điều bất biến của khu vực là: công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu không nuôi dưỡng những nhà sản xuất địa phương nhỏ để họ lớn thành các nhà sản xuất có thể cạnh tranh toàn cầu, mà đơn giản nó chỉ củng cố vị trí của nhóm tinh hoa dựa trên buôn bán của kỷ nguyên thuộc địa. Ở Malaysia, chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu trong sự náo động của thời kỳ trước năm 1969 cho thấy, ví dụ, Robert Quách - xuất thân từ một gia đình buôn bán đã đồng hóa - liên tục tiến vào những khu vực được bảo hộ trong sản xuất đường, bột và vận tải biển thông qua quan hệ đối tác với những nhà cung cấp công nghệ Nhật.

Nhiều công ty của Anh ở Malaysia được hưởng lợi từ sự bảo hộ của công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, trong khi những lợi ích của họ trên thị trường đã được những chính khách ở địa phương đảm bảo để đền ơn người Anh sớm ban cho Malaysia nền độc lập. Các thương gia Trung Quốc trong thời kỳ này có được những giấy phép quan trọng để mở ngân hàng và những hoạt động kinh doanh sòng bạc.

Sau năm 1969, công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu mở đường cho quốc hữu hóa tài sản của người Anh và người nước ngoài khác - sử dụng thu nhập từ dầu khí trời cho - nhiều tài sản sau này lại được tư nhân hóa, rơi vào tay nhóm tinh hoa kinh tế gồm các bố già. Ở khắp nơi trong khu vực, công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu đã thất bại trong việc tạo ra những truyền thống của chủ nghĩa tư bản công nghiệp để bổ sung cho chủ nghĩa tư bản thương nghiệp từng phát đạt trong kỷ nguyên thuộc địa.

Thay vào đó, những nhà tư bản thương nghiệp thành đạt thu được lợi ích từ sản xuất trong các liên doanh hoặc bị ràng buộc về công nghệ với các nhà tư bản công nghiệp phương Tây và Nhật Bản. Hình mẫu này không bao giờ thay đổi.

JOE  STUDWELL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên