29/10/2020 13:41 GMT+7

Phụ nữ mang thai gắn miếng dán ‘Tôi đang mang thai’ trên nón, túi xách để tránh tai nạn

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Miếng dán ‘Tôi đang mang thai’ là một sáng kiến nhằm khuyến khích phụ nữ mang thai dán trên mũ bảo hiểm khi đi xe máy, trên túi xách, hoặc bất kỳ vật dụng nào đó dễ dàng quan sát để tránh nguy cơ bị tai nạn.

Phụ nữ mang thai gắn miếng dán ‘Tôi đang mang thai’ trên nón, túi xách để tránh tai nạn - Ảnh 1.

Đại diện phía Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trình bày sáng kiến miếng dán "Tôi đang mang thai" - Ảnh: HOÀNG LỘC

Nội dung này được đề cập tại hội thảo tăng cường triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức sáng 29-10 tại TP.HCM.

Theo số liệu thống kê tại hội thảo, Việt Nam là quốc gia có số người chết do tai nạn giao thông đứng thứ 2 Đông Nam Á (26,1/100.000 người). Hằng năm cả nước có khoảng 1,5 triệu phụ nữ mang thai và gần 90% số đó vẫn sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại trước, sau sinh.

Điều này được các chuyên gia khuyến cáo có nguy cơ bị tai nạn giao thông rất cao và trên thực tế không ít các vụ thai phụ bị tai nạn đau lòng xảy ra.

Đại diện JICA cho biết Nhật Bản là quốc gia áp dụng miếng dán cho thai phụ từ lâu và cho thấy phát huy hiệu quả.

Với việc áp dụng miếng dán "Tôi đang mang thai" tại Việt Nam, các đơn vị mong muốn khuyến khích phụ nữ mang thai dán trên mũ bảo hiểm khi đi xe máy, trên túi xách, hoặc bất kỳ vật dụng nào đó dễ dàng quan sát. Miếng dán này sẽ được kèm theo sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

"Hi vọng với hoạt động này chúng ta sẽ giảm thiểu tối đa tình huống rủi ro như vô ý va chạm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của các bà bầu, đồng thời thể hiện sự quan tâm chung của cộng đồng với sức khỏe của bà mẹ và trẻ em", một đại diện chia sẻ.

Ngoài việc đánh giá cao sáng kiến miếng dán "Tôi đang mang thai", ông Trần Đăng Khoa - phó vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) - cho biết từ năm 2008, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai thí điểm đầu tiên tại tỉnh Bến Tre. Đến nay thông qua sự tài trợ, hợp tác của JICA, sổ này "phủ sóng" khắp 54 tỉnh, thành cả nước.

Người sử dụng là phụ nữ có thai, trẻ em đến 6 tuổi tại các cơ sở y tế trong phạm vi toàn quốc, bao gồm cả y tế ngoài công lập; các trường mầm non, mẫu giáo. Điểm đặc biệt là sổ đồng thời có giá trị thay thế các sổ khám bệnh, sổ y bạ, sổ khám thai, phiếu tiêm chủng.

Bộ Y tế đánh giá cuốn sổ này mang "giá trị chuyên môn khoa học và nhân văn", như một "cuốn nhật ký" ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe liên tục từ lúc người mẹ mang bầu, sinh con đến 6 tuổi, từ cơ sở y tế xã, huyện, tỉnh… góp phần giảm tử vong ở mẹ và trẻ.

​Lập sổ theo dõi sức khỏe toàn dân là sự kiện lịch sử ​Lập sổ theo dõi sức khỏe toàn dân là sự kiện lịch sử

TTO - "Nếu hoàn thành việc khám, lập hồ sơ thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe cho toàn dân thì đây sẽ là một sự kiện rất lớn, có ý nghĩa lịch sử" - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên