27/01/2018 13:43 GMT+7

Phóng viên “chịu” vất vả, chúng tôi sẽ giúp hết mình

ĐỖ QUYÊN - TIẾN TRÌNH
ĐỖ QUYÊN - TIẾN TRÌNH

TTO - Bốn trong năm bạn đọc mà Tuổi Trẻ trân trọng trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 12-2017 có điểm chung là cùng liên quan đến bão Tembin, cơn bão đã gây nhiều lo lắng trong những ngày cuối năm 2017.

Phóng viên “chịu” vất vả, chúng tôi sẽ giúp hết mình - Ảnh 1.

Sóng bão đánh mạnh ở khu vực nhà giàn DK1 - Ảnh: TUẤN ANH

Trong đó, có hai bạn đọc nhiệt tình hỗ trợ Tuổi Trẻ tác nghiệp về bão ở cửa biển Sông Đốc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau) và một chính trị viên nhà giàn DK1/2 đã liên tục cập nhật thông tin về bão ở Trường Sa.

Trưởng thành hơn sau bão

Chị Đại Lâm (tác giả bài "Bão Tembin đi qua, thương sự "hồn nhiên" dân miền Tây", Tuổi Trẻ Online ngày 28-12):

Chống bão chuyên nghiệp hơn

Khi nhìn những hình ảnh trên báo Tuổi Trẻ chụp cảnh bà con miền Tây chống bão bằng những cách đơn giản, hồn nhiên, tôi thực sự rất xúc động, vừa cười vừa rơi nước mắt. Thương bà con miền Tây mình quá mà chẳng biết phải làm sao! Mong ước của tôi là phải làm sao để trong tương lai sẽ không còn cảnh bà con mình chống bão theo kiểu hồn nhiên như vậy nữa mà sẽ chuyên nghiệp hơn, chủ động hơn.

Đó là tâm sự của thiếu tá Phan Tuấn Anh, chính trị viên nhà giàn DK1/2, khi nói về những trải nghiệm của mình lúc cơn bão Tembin (bão số 16) áp sát Trường Sa lúc 0h sáng 25-12-2017. 

Đêm hôm ấy, không quản trời khuya, mưa to, gió lớn, sóng cao, biển động, người lính nhà giàn này và đồng đội đã liên tục cập nhật tình hình bão cho các phóng viên Tuổi Trẻ, kịp thời cung cấp thông tin cho người dân cả nước đang hồi hộp theo dõi, lo lắng cho sự an nguy của các chiến sĩ nhà giàn.

Không chỉ cố gắng giữ liên lạc, thiếu tá Tuấn Anh còn dũng cảm chụp được những khoảnh khắc dữ dội của bão Tembin quét qua nhà giàn. 

Nhờ vậy, Tuổi Trẻ đã có những tin, ảnh rất sống động về cơn bão này, trong đó có bài viết "Nhà giàn giữa tâm bão và cuộc gọi lúc 0 giờ" và "Bão Tembin gây sóng to nhất trong lịch sử nhà giàn" ngày 25-12 mà hầu như toàn bộ thông tin và hình ảnh là từ người lính biển này cung cấp.

Thiếu tá Tuấn Anh nhớ lại: "Để chụp được những tấm hình chân thực nhất, tôi phải ra ngoài trời đang mưa bão. Lúc đó gió rất mạnh, sóng to, nước bắn tung tóe, chỉ một lúc sau người tôi ướt toàn nước biển, mặt tái nhợt vì lạnh, vì gió... Vừa chỉ đạo đơn vị chống bão, vừa chụp lại được những tấm hình đó trong bão là thách thức rất lớn".

Anh Tuấn Anh cũng chia sẻ nhìn những cơn sóng cao đánh vào nhà giàn, trong lòng thấy xót xa như ai đó đang đánh mạnh vào người mình. Trong lòng những chiến sĩ chỉ mong muốn những cơn sóng kia sẽ không làm gì được nhà giàn, nhà giàn sẽ vững vàng, an toàn trước những cơn sóng. 

"Cơn bão đi qua, chúng tôi có cảm giác mình tự tin hơn, trưởng thành hơn, rắn rỏi hơn, tình thương yêu của mọi người dành cho chúng tôi nhiều hơn. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc" - anh Tuấn Anh bày tỏ.

Mấy chú có tấm lòng, không giúp sao được

Trong những ngày cả thị trấn cửa biển Sông Đốc đôn đáo lo ứng phó với cơn bão Tembin, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ về đây tác nghiệp đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của những người dân. Khi nhóm phóng viên Tuổi Trẻ tìm đến căn nhà đã đầy người già, phụ nữ, trẻ em... từ khắp thị trấn kéo đến, ông Trần Khắp, chủ căn nhà, vẫn nói rằng nhà ông còn dư sức để... chứa cả nhà báo.

"Làm báo phải đi đến tận nơi như các cháu mới thấy hết bộ mặt cuộc sống, mới làm báo "thiệt", chứ ngồi một chỗ gọi điện thoại thì làm sao thấy được cảnh sống của dân, làm sao thấy hết cán bộ, chính quyền ở đây vất vả lo cho dân thế nào. Phóng viên mà "chịu" vất vả tìm đến nơi xa xôi, kịp thời đưa những hình ảnh khó khăn của người dân thì tôi sẽ giúp hết mình" - ông Trần Khắp nói.

Cũng trong những ngày ấy, anh Lê Tấn Cui sau khi chằng chống xong ngôi nhà của mình đã bỏ chạy xe ôm để chở phóng viên Tuổi Trẻ đến những ngõ ngách của thị trấn, nơi những ngư dân lo lắng đưa tàu vào ẩn náu trong những con rạch nhỏ. 

Với anh Cui, không chỉ là những cuốc xe miễn phí, không chỉ là người dẫn đường hiệu quả, cũng không chỉ là bạn đọc cung cấp thông tin giá trị... mà như anh nói, người dân Sông Đốc luôn quý những nhà báo hết lòng với bà con ở đây. 

"Mấy chú không có tấm lòng thì đâu có chạy mấy trăm cây số xuống đây. Mấy chú cũng có gia đình, cũng lo bão... vậy thì chúng tôi không thương, không giúp đỡ sao được" - anh Cui bộc bạch.

Từ hỗ trợ của những bạn đọc xứ biển Sông Đốc như vậy, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đã kịp thời đưa những thông tin về chuẩn bị ứng phó bão Tembin ở đây. Khi chúng tôi nói lời cảm ơn, anh Cui khoát tay: "Không cần cảm ơn. Mai mốt các anh chỉ nói là phóng viên báo Tuổi Trẻ là chúng tôi hết mình giúp đỡ. Vì tôi tin các anh, tôi tin báo Tuổi Trẻ".

Từ trăn trở của "nhà Đà Lạt học"

lam bao

Ông Lê Phỉ (trái) nhận món quà kỷ niệm của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: M.VINH

Giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 12-2017" cũng được trân trọng trao đến ông Lê Phỉ, người được gọi là "nhà Đà Lạt học" bởi những hiểu biết có tính hệ thống của ông về Đà Lạt cũng như sự gắn bó và đóng góp cho sự phát triển thành phố.

Ông Lê Phỉ lên Đà Lạt mở trường dạy học từ năm 1954 và gắn bó với mảnh đất này từ đó đến nay. Năm nay đã 91 tuổi nhưng ông vẫn còn minh mẫn, hằng ngày ngoài dành thời gian bốc thuốc chữa bệnh, ông còn viết kiến nghị, đề xuất những phương cách để Đà Lạt phát triển bền vững gửi các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt.

Từ những trăn trở, chia sẻ và những tư liệu của ông, Tuổi Trẻ đã ghi lại những câu chuyện thú vị ở xứ lạnh Đà Lạt trong ký sự dài kỳ "Chuyện Đà Lạt không phải ai cũng biết" (đăng từ ngày 24-12) nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

MAI VINH

ĐỖ QUYÊN - TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên