Một gia đình ở khu vực Rạch Chèo, Năm Căn, Cà Mau dùng dây để cột giữ nhà cố định vào hệ thống kênh rạch bên nhà - Ảnh: HỮU KHOA.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến góp ý này.
Nhìn những bức ảnh trên báo Tuổi Trẻ chụp bà con mình ở Cà Mau chằng nhà chống bão Tembin bằng lưới, dây vải, băng keo, ống nước thậm chí dùng xô, thùng, gạch đè lên mái tôn mà tôi thấy thương Cà Mau quá!
Những mái lá đơn sơ bỗng trở nên mong manh hơn bao giờ hết trước cơn bão lớn. Có nhà còn tháo mái tôn, cất gọn ở đâu đó để gió bão khỏi bay tôn!
Chính quyền các tỉnh Nam bộ đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức sơ tán, đưa người dân đi tránh bão, cho học sinh, sinh viên nghỉ học… nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu các cơ quan chức năng còn hướng dẫn cụ thể cho bà con nên chằng chống nhà cửa như thế nào, đồ đạc, giấy tờ quan trọng nên cất giữ ra sao… "
Trích ý kiến bạn đọc Đại Lâm
Nếu bão Tembin vào đất liền như dự báo ban đầu thì chằng chống nhà cửa cách này chắc chắn không có tác dụng gì, mọi thứ sẽ tiêu tan hết.
Có lẽ những người dân ở miền Bắc và miền Trung - nơi không năm nào không có vài trận bão lớn - sẽ không thể nào hiểu được tại sao bà con Cà Mau lại có thể "sáng tạo" ra cách chống bão ngây thơ, đơn giản như vậy.
Cũng nhiều người nhờ xem những bức ảnh này mà nhận ra rằng: bà con mình còn nghèo khổ và thiếu kiến thức về phòng tránh bão quá! Vai trò hướng dẫn của chính quyền ở đâu mà để bà con chỉ biết gì làm nấy nên mới có cách chống bão lạ lùng này?
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Hơn ba mươi năm cuộc đời mình, tôi và những người dân khác chưa một lần phải chằng chống nhà cửa chống bão hay phải đi sơ tán đến những nơi kiên cố, an toàn để tránh bão.
Nếu giả sử tôi là một người dân Cà Mau trong những ngày qua không biết trong lúc bối rối liệu tôi có làm như bà con ở đây không?
Không ai dám nói trước được điều gì khi mà thời gian gấp rút, người dân còn phải thu xếp đồ đạc để đi sơ tán, tính mạng mới là điều quan trọng nhất còn những thứ khác nếu lỡ mất đi còn có thể làm lại được.
Bão đã tan và không gây ra hậu quả nghiêm trọng gì. Tình người trong cơn bão cũng đã sưởi ấm những con người phải bỏ nhà bỏ cửa đi sơ tán nhưng cái cần thiết phải làm bây giờ là làm sao cung cấp cho nhân dân Cà Mau nói riêng và Nam bộ nói chung những kiến thức cần thiết để có thể chống chọi lại những cơn bão dữ sau này.
Dẫu biết rằng Nam bộ rất ít khi có bão và cơn bão Tembin có lẽ là cơn bão cuối cùng của năm nay rồi nhưng trong tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt và khó lường như hiện nay, không ai có thể nói trước liệu những cơn siêu bão như Linda năm 1997 có lặp lại hay không?
Nếu chẳng may lại có bão đổ bộ vào thì tổn thất sẽ là rất lớn.
Tất cả những công việc này không phải chỉ nói một lần là bà con nhớ được luôn mà cần phải được nhắc nhở nhiều lần. Đặc biệt, cần đưa nội dung này vào chương trình môn học Kỹ năng sống cho học sinh tiểu học và các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh trung học.
Những mô hình nhà tránh lũ vừa tiết kiệm vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Nam bộ cần được nhân rộng phổ biến hơn để giúp giảm bớt thiệt hại cho nhân dân.
Các tổ chức từ thiện thay vì chỉ tập trung cứu trợ bằng mì tôm, quần áo sau mỗi cơn bão có thể quan tâm, nghiên cứu việc giúp người dân có được những ngôi nhà với kinh phí thấp nhưng vẫn có thể sống chung với bão lũ.
Bão Tembin đã qua nhưng những công việc cần phải làm thì vẫn còn ngổn ngang.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Theo bạn, người dân miền Tây nói chung và dân Cà Mau nói riêng cần trang bị những kỹ năng gì để đối phó với bão? Mời bạn chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận