28/04/2025 23:22 GMT+7

Phóng viên chiến trường: Chúng tôi có tình cảm rất đặc biệt với đất nước này

Chiều 28-4, đoàn phóng viên tham gia Tuần lễ báo chí nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) đã có buổi gặp mặt lãnh đạo thành phố.

phóng viên chiến trường - Ảnh 1.

Bà Edith Lederer, nữ phóng viên chiến trường đầu tiên được cử đến thường trú tại Việt Nam, và phóng viên ảnh Nick Út cùng các phóng viên nâng ly chúc mừng tại buổi gặp mặt - Ảnh: THANH HIỆP

Trong số các cựu phóng viên chiến trường từng đưa tin về chiến tranh tại Việt Nam, phóng viên từ một số nước trực tiếp hỗ trợ cuộc kháng chiến của Việt Nam, phóng viên kiều bào từ nhiều nước như Mỹ, Nhật, Đức, Campuchia… nhiều người đã có dịp trở lại thăm TP.HCM sau nhiều năm.

Cảm nhận sự đổi thay của TP.HCM

Theo quyền Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM Phạm Dứt Điểm, để thế giới hiểu được cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, không thể không nhắc đến vai trò của các phóng viên quốc tế, đặc biệt những người đã có mặt trên chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt nhất.

Các phóng viên đã dũng cảm vượt qua hiểm nguy để ghi lại những hình ảnh chân thực, đầy tính nhân văn, góp phần truyền tải sự thật về chiến tranh Việt Nam đến toàn thế giới. Ông Điểm cũng bày tỏ sự xúc động và trân trọng khi được gặp lại các phóng viên chiến trường lần này.

"Sự hiện diện của quý vị hôm nay là một minh chứng cho tình cảm sâu nặng và lâu bền dành cho Việt Nam nói chung, cũng như TP.HCM nói riêng. Sau 50 năm đất nước thống nhất, TP.HCM mong muốn truyền tải thông điệp về một Việt Nam hòa bình, phát triển, hội nhập.

Thành phố luôn trân trọng quá khứ, biết ơn những người đã hy sinh vì độc lập, tự do, đồng thời không ngừng nỗ lực kiến tạo tương lai, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự hợp tác hữu nghị và phát triển bền vững cùng bạn bè quốc tế", ông nói.

Với tinh thần đó, các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm lần này không chỉ là dịp trở lại với những địa danh trong chiến tranh, mà còn để cảm nhận rõ nét sự đổi thay của TP.HCM. 

"Việt Nam, nơi nửa thế kỷ trước từng là chiến trường đạn bom, nay đã là vùng đất của hòa bình, sáng tạo và khát vọng phát triển. Chúng tôi cũng kỳ vọng các phóng viên quốc tế cảm nhận được những đổi thay mạnh mẽ của TP.HCM, nơi từng là chiến trường khốc liệt, nay đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước Việt Nam", ông chia sẻ.

Ông Phạm Bình An, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, điểm lại những thay đổi của TP.HCM trong 50 năm qua, đưa thành phố sau chiến tranh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ với rất nhiều những đổi mới, sáng tạo.

"Trong 10 năm tới, TP.HCM dự kiến phát triển hơn 300km metro. Với hướng phát triển đó, sẽ có những cơ chế mới, không chỉ về nguồn lực mà còn về thủ tục, nghị quyết, vốn. TP.HCM và Việt Nam tự tin về kế hoạch phát triển này để giúp người dân đi lại ngày càng thuận tiện hơn", ông nói.

Việt Nam không ngừng thay đổi và phát triển

Bà Phạm Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, chia sẻ là thế hệ sinh ra sau chiến tranh, bà rất xúc động khi được gặp các phóng viên quốc tế, phóng viên các nước bạn bè của Việt Nam và phóng viên kiều bào trong những ngày ý nghĩa của đất nước.

Bà cũng dẫn lại lời Vladimir Ilyich Lenin - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới: "Có những thập kỷ trôi qua mà chẳng có điều gì xảy ra. Lại có những tuần lễ mà như hàng thập kỷ diễn ra". Đó chính là những gì đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay.

phóng viên chiến trường - Ảnh 2.

Bà Phạm Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, chia sẻ tại buổi gặp

"Việt Nam đang có những thay đổi hàng ngày, đặc biệt là gần đây. Có những thay đổi mà các bạn có thể nhìn thấy được qua những thông điệp hay phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm. 

Đó là thông điệp về một đất nước Việt hòa bình, luôn vươn lên phát triển hơn nữa để đóng góp tốt hơn cho thế giới. Ngược lại, cũng là để giúp cho mỗi người dân Việt Nam ngày càng tốt hơn, trở thành một phần tốt đẹp của thế giới", bà chia sẻ.

Nói về hành trình hòa giải sau chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ, bà Hằng cho biết vẫn phải tiếp tục làm nhiều hơn nữa cho quá trình hòa giải. Một trong những điều cần quan tâm là phải có thông tin tốt hơn nữa, từ đó dẫn đến sự hiểu biết tốt hơn và xích lại gần nhau hơn.

"Đó là sự nỗ lực của hai phía, nhiều phía, không thể chỉ từ một phía. Cá nhân tôi luôn tin tưởng về một tương lai mà Việt Nam đã làm được, đó là sự hòa giải một cách trọn vẹn hơn", bà nói.

Đại diện cho đoàn phóng viên quốc tế, bà Edith Lederer, nữ phóng viên chiến trường đầu tiên được cử đến thường trú tại Việt Nam thời chiến, gửi lời cảm ơn Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã mời các phóng viên từ khắp nơi trên thế giới quay lại.

"Tất cả chúng tôi đều có những tình cảm rất đặc biệt và sâu sắc với đất nước này, và giờ quay lại đây để cùng nuôi dưỡng thêm những sợi dây gắn kết với Việt Nam, vui mừng được chứng kiến những sự tiến bộ vượt bậc về kinh tế 50 năm sau cuộc chiến. 

Tôi hy vọng 5 năm tới, khi trở lại lần nữa, chúng tôi sẽ được thấy một đất nước Việt Nam ngày càng năng động và phát triển hơn", bà cho biết.

phóng viên chiến trường - Ảnh 3.

Các phóng viên quốc tế tác nghiệp tại sự kiện - Ảnh: THANH HIỆP

phóng viên chiến trường - Ảnh 4.

Buổi gặp mặt nằm trong khuôn khổ Tuần lễ báo chí nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) - Ảnh: THANH HIỆP

Phóng viên chiến trường: Chúng tôi có tình cảm rất đặc biệt với đất nước này - Ảnh 7.10.500 drone vẽ hành trình phát triển thành phố trên bầu trời sông Sài Gòn

Đông đảo người dân TP.HCM đổ về khu vực trung tâm để theo dõi màn tổng duyệt đầu tiên của màn trình diễn 10.500 drone chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên