Đám tang nhà báo Nam Quốc Cang - Ảnh: T.M.L. |
Đến năm 1943 - 1945 mới hồi phục chút ít. Đến khi Nhật đảo chính Pháp chiếm đóng Sài Gòn, một lần nữa làng báo lại tan tác. Cả thành phố chỉ còn ba tờ báo ngày đó là Điện Tín của Lê Trung Cang, Sài Gòn của bà Bút Trà và Dân Báo của Trần Văn Hanh, chủ nhà in Tín Đức Thư Xã.
Năm 1946, sau Hiệp định sơ bộ 6-3, chính quyền “Nam kỳ tự trị” do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng chủ trương tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam gọi là “thuyết phân ly”. Lúc này làng báo Sài Gòn hợp nhau hình thành một mặt trận báo chí gọi là “Báo chí thống nhứt”.
Báo Trung Lập đăng thư và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trang nhất - Ảnh: tư liệu |
Nước Việt Nam phải là một !
Phong trào Báo chí thống nhứt là phong trào của báo giới Sài Gòn công khai chống thuyết phân ly, ủng hộ kháng chiến, đòi hỏi nước Việt Nam là một, ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh. Đi đầu phong trào là các tờ Tin Điển của cô Anna Lê Trung Cang (với các nhà báo Trần Tấn Quốc, Nam Đình, Ngọa Long, Nam Quốc Cang), Việt Báo của Lê Thọ Xuân (với các nhà báo Bùi Đức Tịnh, Thê Húc, Lê Tràng Kiều, Tam Ích), Nam Kỳ của Lê Quang Trường, Văn Hóa của Dương Tử Giang, Việt Bút của Nguyễn Kim Bắc (với Thiên Giang Trần Kim Bảng), Kiến Thiết của luật sư Lê Quang Trường, Tân Tiến của bác sĩ Lê Quang Trinh, Nước Nhà của giáo sư Trần Cửu Chấn, Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, Việt Nam của Võ Thành Cứ, Cộng Đồng của Lê Văn Trường, Ánh Sáng của Lư Khê Trương Văn Em, Nay...Mai của Khuông Việt...
Ngày 24-4-1947, một đoàn công voa Pháp 39 chiếc bị Việt Minh phục kích tại Giồng Dứa (Châu Thành, Tiền Giang). Ngày 26-4-1947, các báo thuộc phong trào thống nhứt ở Sài Gòn tuyên bố nghỉ một ngày để tang cụ Huỳnh Thúc Kháng, mất ngày 21-4-1947.
Nghi Báo chí thống nhứt “ăn mừng” vụ Giồng Dứa, thủ tướng Lê Văn Hoạch điên cuồng đóng cửa một lần 17 tờ báo, đồng thời còn buộc báo chí phải đem bản vỗ kiểm duyệt trước khi in. Sau đó là hàng loạt nhà báo bị bắt như Phan Văn Thiết, Vũ Tùng, Dương Tử Giang, Thiếu Sơn...Và cao điểm là vụ sát hại nhà báo Nam Quốc Cang, Đinh Xuân Tiếu năm 1950. |
Lúc đó làng báo thân chính quyền có Phục Hưng của Hiền Sĩ (người bị Lan Mê Linh bắn ở đường Lê Lợi trước chợ Bến Thành), Tiếng Gọi của y sĩ Phạm Văn Điều và Clement Nhơn, Quốc Hồn của Nguyễn Bảo Toàn, Quần Chúng của Trần Văn Ân, Đoàn Kết của Nguyễn Hữu Lượng, Dư Luận của Nguyễn Phan Long...
Để hợp pháp đấu tranh, các nhà báo yêu nước nhất trí thành lập “Liên đoàn ký giả đấu tranh thống nhứt” (tiền thân của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt) do Lê Thọ Xuân làm chủ tịch.
Chương trình hành động của Báo chí thống nhứt là:
- Can thiệp triệt để với nhà cầm quyền Pháp về mọi vấn đề cần thiết.
- Chiến đấu cho sự thống nhứt 3 kỳ, triệt để ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh.
Ngày 10-10-1946, Báo chí thống nhứt lại ra bản tuyên ngôn:
- Đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhứt đất nước.
- Đòi chính phủ Pháp tôn trọng hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và thỏa hiệp án ngày 14-9-1946.
- Dẹp bỏ chính phủ bù nhìn.
- Thương thuyết với chính phủ Hồ Chí Minh.
Báo Tin Điển thuộc phong trào Báo chí thống nhứt - Ảnh: tư liệu |
Không run sợ trước bạo quyền
Trên mặt các báo thời bấy giờ dày đặc những bài viết chống Pháp, chống chiến tranh, giới thiệu những nhân vật lãnh đạo của kháng chiến, các phóng sự viết trong chiến khu... Đây là loại bài trước đó thuộc loại cấm kỵ, chỉ cần một bài viết thôi chủ báo và người viết sẽ bị bắt, nay thì viết thoải mái.
Có thể trích dẫn một ít. “Hành vi trên đây của những người Pháp đó đã trả lời rất hùng biện cho một bọn thực dân Pháp, chỉ vì tư lợi, muốn đưa những thanh niên chơn chánh Pháp vào chỗ chết vô lý, để toan xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam nhứt là lấn đoạt chủ quyền quan thuế của ta” (Lính Pháp rải truyền đơn phản kháng tư bổn Đông Dương - Sài Gòn Mới ngày 15-12-1946).
Tờ Trung Lập số ra ngày 24-11-1946 đăng ngay trang nhất (có kèm hình) “thơ của Hồ Chủ tịch gửi cho đồng bào Việt Nam, người Pháp và dân chúng thế giới” có đoạn: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hi sanh tánh mạng...”.
“Nếu trong nước có một số người quan hệ phải đứng vào tình thế đối lập với chánh phủ thì chẳng ai sẽ chối cãi được rằng chánh phủ không đại diện được toàn dân; trái lại chánh phủ chỉ đại diện cho một thiểu số công dân nên phải lo sợ vì sự đối lập của số đông” (Bùi Đức Tịnh - Đây, một quốc gia vừa giải phóng!, báo Văn Hóa số 5 ngày 18 tới 25-6-1949).
“Bởi phong trào giải phóng ở Việt Nam không có tánh cách kỳ thị chủng tộc nên dân chúng mới bằng lòng để cho những nhà trí thức nhơn danh họ mà nói chuyện với người ngoài” (Thiếu Sơn - Phong trào giải phóng ở Việt Nam và vấn đề quốc văn, quốc ngữ, báo Văn Hóa số 6 ngày 25-6 đến 2-7-1949).
Hàng loạt bài báo phản đối sự can thiệp của Pháp ở Việt Nam, đòi thống nhất đất nước, không chia cắt Nam kỳ với các phần lãnh thổ của Việt Nam... Ngoài thông tin, nói xa, nói gần, nói thẳng, báo chí còn có những bài văn tế, vè, thơ...
Không để yên, chính quyền Sài Gòn ra tay đàn áp. Thay thế Nguyễn Văn Thinh (tự tử ngày 2-11-1946 tại nhà riêng số 89 Verdun, nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), bác sĩ Lê Văn Hoạch được cử làm thủ tướng ngày 15-11-1946. Ngồi chưa ấm chỗ, bác sĩ Hoạch liền đóng cửa tờ Tranh Đấu, rồi Tin Điển. Tờ Đời Mới bị tịch thu, nhà in riêng báo Nam Kỳ, Trung Lập bị khám xét.
Ngày 24-11-1946, báo Trung Lập đăng tin phản ứng của báo giới Sài Gòn. “Để phản đối sự đình bản của nhiều tờ báo, đoàn thể bán báo sẽ nghỉ ngày thứ sáu. Xét vì hai tờ Tin Điển và Tân Việt (trong làng báo thống nhứt) bị đình bản thì quyền lợi của anh em bán báo bị xâm phạm và thiệt thòi.
Anh em bán báo Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định hưởng ứng Báo chí thống nhứt nghỉ bán báo ngày thứ sáu 22 Novembre 1946. Hai bạn đồng nghiệp Đời Mới và Văn Hóa (mặc dầu chưa gia nhập Báo chí thống nhứt) cũng hưởng ứng nghỉ một số. Như vậy đủ chứng tỏ rằng việc đình bản báo là một sự lạm quyền tự do dân chủ, gây lắm nỗi bất bình, mọi người đều có quyền phản đối”.
Với sự phản ứng mạnh mẽ của báo chí cũng như các giới đồng bào, tháng 5-1947 Cao ủy Pháp chính thức bãi bỏ kiểm duyệt báo chí ở Nam kỳ. Và mãi đến năm 1950, chế độ kiểm duyệt mới lập lại.
Thật ra đình bản chỉ là một lời “khen tặng” dành cho phong trào Báo chí thống nhứt. Vì đóng cửa báo này thì xuất hiện báo khác. Nhà báo ở báo vừa bị đình bản đã thấy xuất hiện ở một tờ báo khác.
Sau khi Tin Điển phát hành buổi sáng bị đóng cửa, tờ Tin Mới cũng của bà Anna Cang bị khai tử luôn, thì các nhà báo chủ chốt của hai tờ báo ấy là Nam Đình Nguyễn Kỳ Nam, Trần Tấn Quốc, Nam Quốc Cang, Ngọa Long lại xuất hiện ở tờ Việt Thanh của Nguyễn Phan Long.
Tờ Việt Thanh in ở nhà in Sông Gianh ( số 54 Frère Louis - nay là đường Nguyễn Trãi, chủ là ông Đinh Xuân Tiếu, chủ báo Thời Cuộc), khuya 24-6-1947 đã bị một toán người đeo mặt nạ xông vào phá nhà in, xáo trộn các ô chữ...
Tờ Việt Thanh phải chuyển sang in tại nhà in của ông Nam Đình ở số 4 đường D’Ormay (nay là đường Mạc Thị Bưởi). Khuya 3-7-1947, nhà in này lại bị viếng. Họ bắn bể khóa cửa, xông vào bắt người, đặt trái nổ phá máy in (Bằng Giang - Sài Côn cố sự, NXB Văn Học Hà Nội 1999, trang 201)...
______________
Kỳ tới: Ký giả đi ăn mày
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận