16/07/2012 01:45 GMT+7

Phối hợp để giảm vất vả cho dân

MINH KHÁNH
MINH KHÁNH

TT - Từ thực tế công tác tại một tòa án nhân dân cấp huyện, tôi thấy sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước rất quan trọng vì sẽ giúp giải quyết các yêu cầu của người dân tốt hơn, giảm bớt việc đi lại của người dân.

Minh chứng như hai câu chuyện dưới đây:

Do cuộc sống gia đình không hạnh phúc nên anh M. dự định nộp đơn khởi kiện xin ly hôn với chị C. tại tòa án nhân dân huyện. Khi anh M. đến tòa án để hỏi thủ tục xin ly hôn thì cán bộ tiếp dân hướng dẫn một số thủ tục theo quy định, trong đó có yêu cầu anh M. đến công an xã xác nhận tình trạng cư trú của chị C. (vì anh M. và chị C. không cùng hộ khẩu thường trú, anh M. không thể lấy sổ hộ khẩu của chị C. nộp được) để tòa án xác định thẩm quyền giải quyết vụ án. Cán bộ tiếp dân có viết phiếu hướng dẫn cho anh M. để tiện liên hệ với công an xã, nhưng khi anh M. đến công an xã làm đơn yêu cầu xác nhận tình trạng cư trú của chị C. thì công an xã không đồng ý xác nhận.

Sau vài lần đi lại giữa tòa án và công an xã vẫn không giải quyết được việc, anh M. khiếu nại đến chủ tịch UBND xã thì UBND xã xin ý kiến của công an huyện và trả lời anh M. rằng: do có chỉ đạo của công an huyện không được xác nhận thông tin cá nhân của người khác nên công an xã không thể xác nhận tình trạng cư trú của chị C.. Công an xã chỉ xác nhận khi nào nhận được công văn của tòa án, còn giấy hướng dẫn do cán bộ tòa án ghi có đóng dấu treo thì công an xã không xác nhận được.

Anh M. yêu cầu tòa án có công văn để công an xã xác nhận nhưng cán bộ tòa án đã trả lời do vụ án chưa thụ lý nên tòa án không thể có văn bản yêu cầu xác nhận. Mặt khác, chứng cứ này anh M. có thể tự thu thập cung cấp được nên anh M. phải tự cung cấp; nếu công an xã không xác nhận thì đề nghị ghi không xác nhận để tòa án có cơ sở hướng dẫn anh M. làm đơn thu thập chứng cứ. Anh M. tiếp tục đến công an xã yêu cầu ghi giấy hướng dẫn không xác nhận để anh M. nộp đơn tại tòa án nhưng công an xã chỉ nói miệng, không chịu ghi giấy gì cả. Do không có đầy đủ tài liệu, chứng cứ... nên anh M. không thể nộp đơn xin ly hôn.

Nếu trong trường hợp của anh M., ngành công an và ngành tòa án huyện có quy chế phối hợp với nhau trong việc xác nhận tình trạng cư trú của người dân, thì anh M. đã có thể hoàn thành thủ tục xin ly hôn chứ không phải bế tắc sau nhiều lần gõ cửa các cơ quan.

Trường hợp khác, ông G. khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất. Do ông G. không biết chữ, chỉ biết viết tên và ký tên nên khi đến nộp hồ sơ khởi kiện, cán bộ tòa án đã hướng dẫn ông G. không được ký tên vào đơn khởi kiện mà điểm chỉ vào đơn khởi kiện, với sự chứng kiến của người chứng kiến và yêu cầu người có thẩm quyền ở UBND xã xác nhận vào đơn khởi kiện.

Ông G. đến UBND xã để yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn của tòa án nhưng một vị phó chủ tịch UBND xã trả lời không xác nhận gì cả vì ông G. không ký tên được. Khi chủ tịch UBND xã đi họp về, ông G. nhờ giúp đỡ. Ông chủ tịch đem giấy hướng dẫn của tòa án đến yêu cầu cán bộ tư pháp tham mưu. Khi đó cán bộ tư pháp điện thoại lên tòa án hỏi và sau khi được cán bộ tòa án hướng dẫn đã tham mưu để chủ tịch UBND xã ký xác nhận cho ông G. và ông đã hoàn tất được đơn kiện.

MINH KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên