29/12/2015 08:49 GMT+7

​Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lo kỹ sư chất lượng kém

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT -  Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “hỗ trợ phát triển khởi nghiệp là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới”...

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương - Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 diễn ra ngày 28-12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết ước cả năm 2015 tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008 trong khi mục tiêu đề ra là 6,2%.

Từ tình hình thực tế này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu vấn đề: nên giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2016 là 6,7% hay cao hơn? Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng là 7%.

Doanh nghiệp có niềm tin

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tình hình kinh tế có nhiều dấu hiệu khả quan trong năm tới, vừa qua nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch không tăng là do giá giảm chứ không phải do lượng xuất khẩu giảm.

Đề cập nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trườn kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định nghị quyết mới làm được với một số ngành như thuế, bảo hiểm... ở mức ban hành chính sách, chưa đi được xuống hết doanh nghiệp cơ sở, nhưng đã tạo khí thế, niềm tin.

Tới đây gắn việc thực hiện các nội dung liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh với cải cách hành chính và chính phủ điện tử, nếu làm được tốt các công việc này thì không chỉ GDP tăng lên mà nhiều mặt trong xã hội cũng sẽ cải thiện.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã thảo luận nhiều lần, đang chuẩn bị ra nghị quyết về năng suất lao động. Vừa qua có thông tin trên báo chí nêu đến năm 2069 thì năng suất lao động Việt Nam mới bằng Thái Lan.

Cách nêu vấn đề như vậy, theo ông, tuy không sai nhưng chỉ là một góc tiếp cận. Do nước ta là nước đang phát triển nên GDP trên đầu người thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp.

Để tăng năng suất, theo Phó thủ tướng thì yếu tố đầu tiên là phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, đây là điều rất quan trọng. Yếu tố thứ hai là công nghệ, có chính sách cụ thể để đi thẳng vào công nghệ tốt. Yếu tố thứ ba là nhân lực.

“Chúng ta nói nhiều về việc thừa kỹ sư, cử nhân, tuy nhiên không nên lo đào tạo quá nhiều kỹ sư mà chỉ lo kỹ sư chất lượng kém” - ông Vũ Đức Đam nói.

Phát triển nhiều công cụ hỗ trợ khởi nghiệp

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu tóm tắt dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Theo đó, Chính phủ đề ra chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đầu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dự thảo nghị quyết cũng đề cập việc xây dựng phương án và lộ trình thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh, khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn theo nghị quyết của Quốc hội.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển...

Dự thảo nghị quyết nêu rõ việc hình thành và từng bước phát triển các công cụ hỗ trợ khởi nghiệp như: vườn ươm doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, dịch vụ đào tạo, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “hỗ trợ phát triển khởi nghiệp là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới”.

Ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn TP.HCM 

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do một cách đồng bộ, thường xuyên; kịp thời ban hành chính sách tạo điều kiện, sự chủ động cho doanh nghiệp...

“Cần nghiên cứu đẩy nhanh hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ cho các ngành công nghiệp còn non trẻ trước áp lực hàng ngoại nhập”, ông nói.

Đồng thời, ông Phong đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể như kiến nghị ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn TP như tuyến xe buýt nhanh, nạo vét luồng sông Soài Rạp, một số đường hướng tâm quan trọng; quy định mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không bao gồm dư nợ vay của nước ngoài; nâng giới hạn vay nợ của Hà Nội và TP.HCM cho phù hợp; xem xét điều chỉnh nghị định 93 của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP...

Ngày 29-12, hội nghị Chính phủ với các địa phương tiếp tục diễn ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên