10/10/2018 14:45 GMT+7

Phở Thái Hưng và nồi cháo của Út Đần

MAI HÀ TRÀ DUNG
MAI HÀ TRÀ DUNG

TTO - Chị vốn là diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ. Cuộc đời sôi nổi đưa đẩy chị xuôi về phương Nam, học quản trị kinh doanh rồi đi làm, rồi thướt tha là lượt và rồi... ra đường bán cháo!

Phở Thái Hưng và nồi cháo của Út Đần - Ảnh 1.

Tác giả trình diễn món phở ở Festival ẩm thực ASEAN tại Indonesia tháng 4-2018 - Ảnh: NVCC

Một câu chuyện ngộ nghĩnh và nhiều bài học. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Khi rơi vào hoàn cảnh khốn cùng (xin mọi người đừng bắt Út Đần tôi kể lại cái sự khốn cùng này, nó đau đớn lắm), Út Đần đã xin nghỉ việc và suy nghĩ lung lắm, suốt ba ngày gần như chả ăn gì nổi, chỉ uống nước cầm hơi...

Và lạ lắm, chính trong khoảnh khắc này Út chợt nhận ra rằng mình phải làm cái gì đó cho có việc làm, để mình có thể quên đi phiền muộn và cứu đói cho gia đình của mình đã, rồi mọi sự sẽ tính sau!

Và Út quyết định xách nồi ra đường bán đồ ăn. Đâu có nghĩ khoảnh khắc quyết định này đã làm thay đổi cả cuộc đời của Út sang một ngã rẽ khác.

Út cũng chả biết mình sẽ "khởi nghiệp" như thế nào khi chỉ còn 100.000 đồng cuối cùng trong túi! Nghĩ mãi thấy chỉ có món... cháo là có thể giải quyết được với 100.000 đồng. Đó là năm 1995.

Rũ xiêm áo, ra đường... bán cháo!

Út bèn tìm kiếm trong nhà xem có gì có thể tận dụng tối đa để khỏi mất tiền mua, vì trước đây Út Đần tích cực mua sắm nhiều đồ thừa lắm.

Cái này rất nguy hiểm về vấn đề quản lý tài chính cá nhân các bạn nhé, vì nếu bạn cứ mải mê mua sắm những thứ không cần thiết phải dùng ngay thì có ngày bạn sẽ phải bán đi tất cả những thứ bạn cần thiết nhất cho cuộc sống hằng ngày như Út đây đang thấm thía.

Sau khi chuẩn bị được cái bàn nhỏ, vài cái tô, cái muỗng múc, cái nồi lớn, muỗng ăn và ít thứ lặt vặt, Út nghĩ mình có thể hành nghề được rồi!

Chỉ cần hai lon gạo và cái gì đó thuộc chất đạm đổ vào nồi và ra ngoài kia chiếm một chỗ trong con hẻm nữa là... xong (hồi đó chiếm hẻm không khó như bây giờ), chỉ ngại sĩ diện và mắc cỡ với mọi người xung quanh mà thôi.

Đang từ một người làm cho một công ty rất oai, có xe đưa đón tận nhà, quần là áo lượt thướt tha với xuất thân còn là diễn viên của một nhà hát lớn ngoài Hà Nội, giờ lột bỏ xiêm y hóa thân trở thành... bà bán cháo, nghĩ cũng... kinh!

Mọi người sau này bảo Đần dũng cảm, lúc đó Đần cũng chả nghĩ gì, dũng cảm càng không, chỉ biết rằng nếu không làm như vậy thì cả nhà Đần... chết đói!

Các bạn có tin rằng vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20 giữa Sài Gòn, cả nhà Út Đần với một quả đu đủ xanh của một người bạn cho Út sống được ba ngày? Vậy mà ra đường vẫn... như ai!

Khi thấy có thể "khởi nghiệp" được rồi, Út bèn ra chợ tìm "đối tác" cung cấp nguyên liệu cho món cháo tim gan. Món này quen thuộc, Út thường thấy bán trong các quán phở ở Hà Nội khi xưa.

Số tiền khởi sự kinh doanh 100.000 đồng cho một nồi cháo nhỏ, mua mấy thứ linh tinh nhưng vẫn còn dư mới ghê chứ! Vì mọi thứ lúc đó còn khá rẻ.

Út lon ton xách chúng về nhà. Nhưng... Ối giời ơi! Sao thế này? Mọi tài sản "quý giá" cho gia tài khởi nghiệp của Út bay hết cả ra ngoài cửa! Thì ra đức lang quân đã không thể nào chịu đựng nổi khi thấy vợ mình lại chọn cái việc làm "mạt hạng" như thế này!

Thật chua chát, khi Út Đần vừa thò cái đầu vào trước, hai cái chân còn ở ngoài cửa đã bị... hắt vào mặt: "Tôi lấy vợ chứ không lấy con mẹ buôn bán đầu đường xó chợ nghe chưa?".

Đi vào ẩm thực

Lúc ấy Út tủi thân chỉ muốn làm... liều thuốc chuột. Nhưng nghĩ không được, mình còn con nhỏ, còn cả cái sinh linh trong bụng và món nợ lút đầu. Mình mà chết mọi việc sẽ tồi tệ hơn nhiều.

Không đầu hàng, Đần lẳng lặng thu nhặt tất cả "tài sản" vô nhà. Hàng xóm cũng xúm lại phụ lượm và khuyên can đức lang quân giùm, nhất là các cháu nhỏ trong xóm. Rất nhiệt tình, chúng xúm lại lao xao:

- Chú cứ để cô đi bán cho vui, mai tụi con ra phụ, đang nghỉ hè mà!

Thế là Út Đần có khá nhiều đồng minh, rồi lang quân cũng dẹp bớt bầu sĩ diện, không còn đủ năng lượng để giáo huấn nữa.

Sáng hôm sau, chưa đến 3 giờ khuya Út đã ra khỏi giường vì lo lắng không ngủ được. Không phải là lo cho cái nồi cháo nhỏ xíu kia mà lo dậy trễ khi ấy mọi người thức dậy, mình dọn hàng sẽ mắc cỡ thôi vì lần đầu tiên mình làm việc này.

Thật khó khăn để vượt qua chính bản thân mình.

Ngày đầu "khai trương" chả biết ngày tốt hay ngày xấu, chỉ biết nồi cháo hết sạch sẽ và còn được khen: cháo rất ngon đấy!

Thế mới chết chứ, được cả xóm ủng hộ nhờ cái vụ ông xã đi vứt xoong nồi của Đần ra cửa trở thành sự kiện cho ngày khai trương. Cộng với lực lượng phục vụ hùng hậu, tinh thần vô tư hăng hái và nhiệt huyết, khí thế hừng hực của một đám trẻ lau nhau.

Và thế là Út Đần "thành công mỹ mãn" ngoài sức mong đợi với nồi cháo đầu tiên. Và Út Đần hiểu được sự kiện nó quan trọng thế nào trong kinh doanh rồi nhé!

Sự kiện ấy đã mở màn cho Út đi vào con đường kinh doanh ẩm thực. Rồi Út còn mở màn với cảnh 2: bún riêu cua. Và cảnh cuối là phở.

Cho đến bây giờ Út đã trở thành một "chuyên gia phở" thực thụ sau nhiều năm lăn lộn. Út bán phở và cả dạy nấu phở.

Với phở, Út đã trả hết nợ nần và tìm lại tài sản của mình đã mất lúc lâm cảnh tán gia bại sản. Út vẫn đam mê với các món phở được nấu bằng rau hay nước trái cây độc đáo và hương vị khác biệt khách hàng rất thích thú.

Út vẫn bán phở và bây giờ còn giữ lại cái quán nhỏ ban đầu ở đường Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh như một sự tri ân với đời.

Ăn phở của Út, mọi người còn được trải nghiệm một điều đặc biệt: quy trình bán hàng im lặng bởi tất cả các bạn phục vụ đều là người khiếm thính.

Ở đó, thực khách sẽ cảm nhận sự khát khao làm việc, mong muốn được phục vụ mọi người và trở thành người có ích cho xã hội của các bạn trẻ gặp điều không may mắn trong cuộc đời này.

Một cuộc đời truân chuyên

phở mai hà

Đây là hình ảnh ngày đầu tiên chị Mai Hà Trà Dung rũ xiêm áo ra đường... bán cháo năm 1995. Hình ảnh được một người trong xóm ghi lại cho vui, nay trở thành ký ức đẹp của chị - Ảnh: NVCC

Tôi xuất thân từ môi trường nghệ thuật. Là lứa diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ tại Hà Nội. Sau đó tôi đã chuyển sang Trường Nghệ thuật quân đội Campuchia công tác một thời gian và khi trở về TP.HCM lấy chồng, tôi theo học ngành quản trị kinh doanh rồi làm việc cho văn phòng đại diện của Hãng Hitachi.

Nhưng biến cố đã xảy ra và gia đình tôi rơi vào hoàn cảnh khốn cùng. Tôi đã xin nghỉ việc để chọn cho mình con đường không giống ai: đi bán cháo để nuôi sống gia đình với 100.000 đồng cuối cùng còn lại...

Và khoảnh khắc quyết định này đã thay đổi cuộc đời tôi.

Hiện tại tôi vừa điều hành quán phở, vừa hướng dẫn cho các bạn sinh viên muốn khởi nghiệp với ẩm thực. Tôi cũng đang hướng dẫn (miễn phí) nghề phục vụ cho các bạn khiếm thính ở Trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật TP.HCM.

Bước ra thế giới

Ở quán phở Thái Hưng, thực khách tự chọn giá nào mình muốn và chọn món phở nào mình thích trong rất nhiều món phở ở đây.

Các món phở của Út Đần mới đây được chọn tham dự các lễ hội ẩm thực các nước ASEAN tại Malaysia, Indonesia và Tổng cục Du lịch cũng đã chọn là món ăn phục vụ cho "Ngày Việt Nam" tại Chiang Mai (Thái Lan) hồi tháng 1-2018.

Năm ngoái, ngày 12-12-2017, báo Tuổi Trẻ tổ chức Ngày của phở tại TP.HCM, phở Thái Hưng của Út cũng được tham dự với món phở chay nhân sâm dành cho bệnh nhân ung thư.

Từ ngày 12-8 đến 20-8, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Mai Hà Trà Dung, Trần Mạnh Tài, Mai Đức Trung, Vũ Đức Vinh, Nguyễn Đước, Đào Đình Tuấn (TP.HCM); Nguyễn Danh Thắng, Phạm Anh Minh (Hà Nội); Cao Ngọc Toản, Nguyễn Ngọc Hùng (Huế); Mai Lưu Lục Ngân (Đà Nẵng); Trần Đại (Lâm Đồng); Nguyễn Thanh Dũng (Đồng Nai); Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Long An); Lê Công Sĩ (Trà Vinh); Trần Huy Hảo (Vĩnh Long), Trần Trà My, Lê Thuấn...

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi về email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi").

Trân trọng.

hb-bank

đồng hành cùng cuộc thi này

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Thằng chăn bò may mắn Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Thằng chăn bò may mắn Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Nối dây cho những cánh diều Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Nối dây cho những cánh diều Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Đi qua tuổi ẩm ương Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Đi qua tuổi ẩm ương
MAI HÀ TRÀ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên