04/06/2021 05:27 GMT+7

Phô diễn sức mạnh, Trung Quốc không dừng tham vọng kiểm soát phần lớn Biển Đông?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Máy bay vận tải chiến lược - một lực lượng ít được chú ý của không quân Trung Quốc - đã có màn khoa trương sức mạnh ồn ào trên Biển Đông hôm 31-5, dẫn đến cáo buộc xâm phạm không phận từ Kuala Lumpur.

Phô diễn sức mạnh, Trung Quốc không dừng tham vọng kiểm soát phần lớn Biển Đông? - Ảnh 1.

Trung Quốc đang phát triển nhiều biến thể cho máy bay Y-20, từ vận tải chiến lược đến tiếp liệu trên không và chỉ huy, cảnh báo sớm trên không - Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Y-20, loại máy bay vận tải hạng nặng Trung Quốc tự phát triển, được cho là đã hạ cánh xuống một trong các thực thể nhân tạo bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trước khi áp sát không phận Malaysia. Việc Bắc Kinh điều vận tải cơ đến vùng biển tranh chấp với Kuala Lumpur là tín hiệu đáng lo ngại, cho thấy Trung Quốc sẽ không dừng tham vọng kiểm soát phần lớn Biển Đông.

Né vùng thông báo bay Việt Nam

Theo sơ đồ Không quân Malaysia công bố ngày 1-6, các máy bay Trung Quốc đã đi vào vùng thông báo bay (FIR) Kota Kinabalu của Malaysia trưa 31-5.

Cũng theo sơ đồ này, nhóm máy bay Trung Quốc đã né FIR Hồ Chí Minh do Việt Nam quản lý, đi xuyên qua FIR Singapore trước khi tiến vào FIR Kota Kinabalu.

Sau khi phát hiện sự việc, Không quân Malaysia đã theo dõi nhóm máy bay Trung Quốc bằng radar. Hiện chưa rõ FIR Singapore có phát hiện và liên lạc được với các vận tải cơ Trung Quốc hay không.

Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, một nguồn tin trong quân đội Trung Quốc và "am hiểu trực tiếp vấn đề" tiết lộ chỉ có 2 máy bay vận tải Il-76 và Y-20 trong sự cố mà Malaysia tố cáo là "xâm phạm không phận và chủ quyền" nước này.

Nguồn tin này cho biết 2 vận tải cơ nói trên làm nhiệm vụ tiếp tế cho các binh sĩ đồn trú ở những thực thể Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa.

"Trung Quốc đang đóng quân tại một số thực thể ở Biển Đông nên cần tiếp tế liên tục" - nguồn tin nói với SCMP, cho biết cứ cách 1 hoặc 2 tuần lại có máy bay quân sự tiếp tế.

"Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, 2 vận tải cơ của Trung Quốc đã huấn luyện và diễn tập bay thích ứng các điều kiện thời tiết cũng như một số tình huống trên Biển Đông" - nguồn tin nói thêm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, cùng ngày 2-6 xác nhận có "hoạt động huấn luyện thường lệ" của Không quân Trung Quốc ở phía nam Trường Sa. Ông Uông cũng nói: "Trung Quốc không nhắm vào quốc gia cụ thể nào và đã tuân thủ nghiêm túc luật quốc tế, không xâm phạm không phận nước nào trong suốt thời gian diễn tập".

Những gì phía Trung Quốc nêu ra trái ngược với thông tin Malaysia công bố. Trước các "hành động đáng ngờ", bao gồm việc các máy bay Trung Quốc phớt lờ yêu cầu liên lạc của kiểm soát không lưu và tiếp tục đi sâu vào FIR Kota Kinabalu, Malaysia đã điều các chiến đấu cơ lên "quan sát trực tiếp".

Như vậy trong sự việc ngày 31-5, Không quân Malaysia đã theo dõi nhóm máy bay Trung Quốc bằng cả radar và mắt thường.

Lộ rõ tham vọng mở rộng kiểm soát

Đây không phải là lần đầu tiên Y-20 xuất hiện trên Biển Đông. Ngày Giáng sinh năm ngoái (25-12), một vệ tinh của Mỹ đã chụp được hình ảnh vận tải cơ Y-20 của Trung Quốc ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Với đường băng dài hơn 3.000m được Bắc Kinh cải tạo phi pháp, đá Chữ Thập có thể tiếp nhận các máy bay vận tải cỡ lớn như Y-20.

Một nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc khi đó xác nhận với SCMP việc Y-20 có mặt ở đá Chữ Thập. Theo người này, Không quân Trung Quốc chỉ kiểm tra độ tin cậy của đường băng và không có hoạt động vận chuyển hàng hóa nào.

Nếu các nguồn tin của SCMP đều chính xác, có thể thấy Trung Quốc đã bắt đầu đưa Y-20 đến Trường Sa với tần suất thường xuyên hơn chỉ sau 5 tháng thử nghiệm.

Mặc dù nguồn tin của SCMP nói Y-20 chỉ tiếp tế nhu yếu phẩm nhưng trên thực tế nó có thể đóng nhiều vai trò hơn thế. Với khả năng chở tới 66 tấn hàng, Y-20 có thể bí mật vận chuyển các hệ thống tên lửa, đạn dược và thậm chí xe tăng hạng nhẹ đến Trường Sa nhanh chóng so với tàu đổ bộ.

Hình ảnh vệ tinh chụp cuối tháng 12-2020 cho thấy biến thể tiếp dầu của máy bay Y-20 (tạm gọi là Y-20U) đã hoàn tất việc thử nghiệm và đang chuẩn bị sản xuất hàng loạt.

Thời báo Hoàn cầu tuyên bố Y-20U sẽ giúp Trung Quốc đối phó với "các thách thức" trong khu vực!? Tờ báo của chính quyền Bắc Kinh còn nói những máy bay như Y-20 sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa trên Biển Đông khi quân đội nước này hiện đại hóa lực lượng không quân.

Chiêu bài hỗ trợ nhân đạo

Trong sự kiện ngày 31-5, Thời báo Hoàn cầu nêu lý do biện bạch cho đợt huấn luyện của máy bay vận tải Trung Quốc. Tờ này trích lời một số "chuyên gia quân sự" cho rằng nếu xảy ra thiên tai hoặc khủng hoảng nhân đạo ở Biển Đông, những vận tải cơ như Y-20 của Trung Quốc có thể đóng vai trò hỗ trợ lớn. Do đó, sự phát triển máy bay vận tải Trung Quốc không nên bị coi như mối đe dọa mà cần được ghi nhận là nhân tố "giúp ổn định cho khu vực".

Ra mắt giàn khai thác khổng lồ ở Biển Đông, Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh? Ra mắt giàn khai thác khổng lồ ở Biển Đông, Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh?

TTO - 'Biển sâu số 1' của Trung Quốc là giàn khai thác nửa chìm nửa nổi đầu tiên trên thế giới nặng hơn 100.000 tấn, với tuổi thọ 150 năm. Dự kiến nó cung cấp hơn 3 tỉ mét khối khí tự nhiên/năm cho Quảng Đông, Hải Nam, Hong Kong.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên