28/10/2013 11:33 GMT+7

Phim Việt loay hoay tìm lối - Bài 1: "Ăn đong" thị hiếu

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TT - Galaxy vừa cho biết sau tám ngày công chiếu đầu tiên, Âm mưu giày gót nhọn đã thu về 9 tỉ đồng.

Những cú “ngã ngựa” của phim Việt từ đầu năm đến hết tháng 9 khiến những người trong cuộc và khán giả của điện ảnh Việt không khỏi hoang mang. Một bài toán khó đang đặt ra cho phim Việt khi Việt Nam chưa có một thị trường điện ảnh đúng nghĩa.

deLCwlTV.jpgPhóng to
Thất bại của Lửa Phật một lần nữa đặt ra câu hỏi cho giới làm phim: có nên đầu tư lớn cho những bộ phim kiểu “bom tấn”, “giả tưởng” ở Việt Nam thời điểm này? - Ảnh: BHD

Doanh số trên được cho là tương đương với Scandal - Bí mật thảm đỏ ở cùng thời điểm năm ngoái, bộ phim mới đoạt giải Bông sen vàng (đồng hạng) tại Liên hoan phim VN lần thứ 18. Tín hiệu đầy tích cực từ phòng vé này đã phần nào đẩy lùi không khí ảm đạm của điện ảnh Việt từ đầu năm đến giờ sau những cú “ngã ngựa” của những bộ phim “bom tấn” (dù là bom tấn con nhà nghèo) được dự báo ăn khách trước đó.

“Chết” tại phòng vé

Hai bộ phim được coi là “bom tấn” của năm: Bụi đời Chợ Lớn của đạo diễn Charlie Nguyễn và Lửa Phật của Dustin Nguyễn là hai vố ngã ngựa đau nhất: một bị cấm phát hành, một rầm rộ quảng bá nhưng nhanh chóng rơi vào im lặng, so với kỳ vọng của khán giả trước đó. Một phim mất trắng 16 tỉ đồng, một phim bỏ ra hơn 30 tỉ nhưng thu về từ tiền vé chưa được 1/3.

Biết chết liền - một bộ phim kinh dị hài của Lê Bảo Trung, với lối làm phim dễ dãi nhắm vào đối tượng khán giả học đường, cũng không còn lôi kéo được lớp khán giả này. Và Đường đua - một tín hiệu mới từ một êkip trẻ đầy hoài bão, được giới truyền thông khen ngợi nhưng cũng “chết” tại phòng vé. Chưa bao giờ thị hiếu khán giả lại trở thành bài toán khó đoán đến thế với những người làm phim.

Hậu quả nhãn tiền của những cú ngã ngựa liên tục đó là không khí hoang mang bao trùm giới làm phim. Nguyễn Đức Minh - một đạo diễn Việt kiều gây ấn tượng tốt với bộ phim độc lập Chạm năm ngoái - đầy hứng khởi trở về Việt Nam (trong làn sóng những đạo diễn Việt kiều về nước làm phim) để chuẩn bị đạo diễn bộ phim Kỹ nữ máu và tình yêu xanh do Galaxy sản xuất, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, anh trở về Mỹ và dự án điện ảnh này có vẻ như bị hoãn vô thời hạn. Hãng BHD cũng tạm dừng dự án điện ảnh Quyên - chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ - sau khi gần như đã chọn xong bối cảnh ở Đức và diễn viên. Có vẻ như hãng phim này vẫn chưa lấy lại được tự tin sau cú sốc Lửa Phật.

Không nói ra nhưng ai cũng hiểu, các hãng phim tư nhân trở nên thận trọng hơn với những dự án có hơi hướng nghệ thuật hoặc không an toàn về đầu ra. Các dự án đã và đang triển khai đều hướng tới những thể loại phim ít tốn kém về đầu tư nhưng dễ thu hồi vốn. Đó hoặc là những bộ phim hài nhảm nhắm vào thị trường phim tết, phim thần tượng nhắm vào giới tuổi teen và ngay cả những đạo diễn giỏi nghề như Charlie Nguyễn, Victor Vũ hay mới đây là Hàm Trần đều nhắm vào thể loại hài, lãng mạn hoặc kinh dị theo một công thức an toàn. Khi chưa có một thị trường điện ảnh đúng nghĩa, các nhà làm phim Việt vẫn phải “ăn đong” thị hiếu...

Cú sốc của năm

Sự thất bại của Lửa Phật có thể coi là cú sốc lớn nhất của điện ảnh thị trường Việt trong năm nay. Bởi trước khi bộ phim này ra mắt, hầu hết giới làm phim và khán giả đều hướng tới nó với nhiều kỳ vọng. Bộ phim mang hơi hướng fantasy (kỳ ảo) đầu tiên của điện ảnh Việt với một êkip tên tuổi có kinh nghiệm làm phim ở Hollywood, đầu tư kinh phí lớn. Những đoạn teaser, trailer, hình ảnh hậu trường hay poster phim đều được phản hồi tích cực. Trước khi bộ phim có chi phí khoảng 1,5 triệu USD này phát hành, nhiều người dự báo đây sẽ là bộ phim ăn khách nhất tại thị trường Việt Nam với mức doanh thu 3-4 triệu USD, ít nhất cũng sẽ “vượt mặt” Mỹ nhân kế - một bộ phim “bom tấn” trình chiếu dịp tết vừa rồi.

Thế nhưng chỉ sau buổi ra mắt dành cho báo chí, số phận của bộ phim hình như đã được... định đoạt, với những cái lắc đầu e ngại của nhiều nhà báo theo dõi mảng điện ảnh. Chỉ đạo võ thuật tốt, kỹ xảo không quá tệ và hoàn toàn có thể chấp nhận được với mức chi phí như Lửa Phật (những bộ phim dán nhãn “blockbuster” của Mỹ có chi phí từ 150-250 triệu USD, những phim của châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng vượt mức 50 triệu USD), thất bại của bộ phim là do một kịch bản quá tham lam ôm đồm truyền thông điệp lớn mà câu chuyện lại rối rắm, vụn vặt và đặc biệt là hỏng về hình tượng nhân vật, nhất là nhân vật chính do Dustin Nguyễn đóng.

Thất bại của Lửa Phật một lần nữa lại đặt ra câu hỏi cho giới làm phim: có nên đầu tư chi phí lớn cho những bộ phim kiểu “blockbuster”, “fantasy”, “epic” ở Việt Nam thời điểm này? Thử nhìn vào những bộ phim mang hơi hướng thể loại này trong khoảng vài năm trở lại đây ta sẽ có câu trả lời: Dòng máu anh hùng của Charlie Nguyễn và Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ dù được đánh giá tốt vẫn không thu hồi nổi vốn. Mỹ nhân kế của Nguyễn Quang Dũng thành công về mặt thương mại nhưng đó là một kiểu thành công “ăn may” do phát hành ở thời điểm thuận lợi và không được đánh giá cao về mặt nghề nghiệp.

Những bộ phim này, gọi vui là phim “bom tấn” Việt, nhưng nếu so về chi phí thì chưa bằng một bộ phim độc lập chi phí thấp của Hollywood hay các nước châu Á. Vì thế mà có người gọi đùa những bộ phim này là “bom tấn con nhà nghèo”!

Nói đi cũng phải nói lại, không phải bộ phim “bom tấn” nào của Hollywood hay các nền điện ảnh phát triển khác cũng thành công, ngay cả với những êkip tên tuổi và từng thành công trước đó. Ba bộ phim “bom tấn” ngã ngựa trong hè vừa qua của Hollywood đều là những ông lớn như The lone ranger (Kỵ sĩ cô độc, chi phí 215 triệu USD nhưng thu về chỉ 89 triệu USD tại Mỹ), After Earth (Trở về Trái đất, chi phí 130 triệu USD) và bộ phim hành động White House down (Giải cứu Nhà Trắng, chi phí 150 triệu USD)... đều có doanh thu tại Mỹ chưa bằng một nửa chi phí bỏ ra. Đó chỉ là ba ví dụ thất bại thê thảm của “bom tấn” Hollywood. Nhưng Hollywood luôn có một thị trường quốc tế rộng lớn để thu hồi vốn hoặc bán bản quyền sau khi bộ phim phát hành ở rạp chiếu. Cả ba bộ phim nói trên nếu tính ở thị trường quốc tế đều có thể coi là hòa vốn hoặc thành công.

Ở Việt Nam, thị trường điện ảnh còn quá nhỏ và chưa có “cửa sau” nên mỗi bộ phim thất bại về doanh thu là một cú sốc lớn cho nhà sản xuất. Thậm chí, nhiều hãng phim tư nhân đã phá sản ngay sau bộ phim đầu tiên thất bại.

Khó trách khán giả

Với khán giả - những người bỏ tiền vào rạp, có lẽ họ sẽ khó thông cảm khi cùng với từng đó tiền vé, sau khi choáng ngợp với những hình ảnh 3D lộng lẫy và tuyệt đẹp của các bộ phim hàng trăm triệu USD như Avatar, Life of Pi hay Gravity... lại có thể dễ dàng chấp nhận các kỹ nữ chơi trò đánh trận giả trong một... resort lộng gió ở một bộ phim cổ trang. Cũng như khó trách khán giả quay lưng lại với một vị sư võ nghệ cao cường kể chuyện đánh giặc bằng miệng, quẩn quanh cái làng cát với ba mẩu chuyện tình ái hay triết lý vụn vặt trong một bộ phim dán thể loại fantasy (giả tưởng)!

Bài 2: Phim hài - lối đi an toàn

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên