Phim tê giác bị lấy sừng được chiếu tại lễ hội phim chiều 8-11. Ảnh: QUANG THẾ |
Những thước phim ngắn gọn từ khoảng 3-7 phút trong lễ hội chiếu phim và ca nhạc về động vật hoang dã (WildFest) lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam để lại nhiều ám ảnh, dư âm...
Không tên của Phạm Hoàng Phúc chỉ gói gọn trong 3 phút nhưng hồi hộp gay cấn khi giả tưởng về một con người cũng bị cắt mất mũi - giống như con tê giác một sừng Java cuối cùng tại Việt Nam bị chết do những kẻ săn trộm bắn và cắt đi chiếc sừng của nó. Bộ phim này đã được nhận giải thưởng lựa chọn của báo chí- phê bình.
Đặc biệt, Nhật ký ở trong chuồng của Lê Bình Giang là câu chuyện đem lại tiếng cười cho khán giả với cách kể chuyện đầy dí dỏm của tê giác Anna về cuộc sống một ngày trong vườn bách thú của voi, hổ, sư tử.
Những hình ảnh được ghi lại thì đầy tâm trạng, nhất là ánh mắt của các con thú. Và khi màn đêm buông xuống mà Anna gọi là “thiên đường” của mình với giấc mơ được cùng mẹ dạo chơi giữa rừng đại ngàn, nhưng kết cục lại là tiếng súng lạnh lẽo...
Bằng những tâm sự và gợi mở như thế, bộ phim này không chỉ được nhận giải thưởng lớn trị giá 50 triệu đồng mà đạo diễn Lê Bình Giang còn được tham gia chuyến sang Nam Phi thăm “thế giới” của tê giác.
“Đón nhận niềm vui này khiến tôi nghĩ ngay đến việc về Sài Gòn và chạy đến thăm bạn tê giác trong sở thú...”- Lê Bình Giang chia sẻ cảm xúc ngay khi nhận giải thưởng.
Ban tổ chức trao giải cho các nhà làm phim. Ảnh: QUANG THẾ |
Cùng với đó là ba bộ phim khách mời được chiếu tại WildFest lại là những góc nhìn đầy gai góc. Phim ngắn Ác mộng có độ dài 4 phút của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng kể về Mỹ là một cô bé yêu thiên nhiên.
Một ngày, bé phát hiện ra chính cha mẹ mình là những người thiếu ý thức tiếp tay, gián tiếp phá hoại thiên nhiên. Và điều đó trở thành nỗi ám ảnh của Mỹ.
Phim ngắn Ai còn sống, giơ tay lên! của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp dài 13 phút được bắt đầu bằng việc Đậu Đỏ và Đậu Xanh duy trì sự sống bằng cách đánh cắp thực phẩm của quá khứ. Cỗ máy thời gian đó đồng thời cũng là cánh cổng để Cá Ngựa - một cô gái còn sống sót trong tương lai quay lại hiện tại của gia đình Đậu để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Từ đây, những sự thật kinh hoàng được hé lộ. Ba cô gái đứng trước quyết định sinh tử. Một món nợ trong quá khứ cần phải trả ngay ở hiện tại, nếu không loài người sẽ… hoàn toàn biến mất trong tương lai.
Còn phim Người tê giác của đạo diễn Bảo Nguyễn kể về một người đàn ông bất chợt tỉnh giấc sau một giấc mơ. Anh ngồi một mình trong phòng làm việc, bị đeo đuổi bởi những hình ảnh vừa thấy.
Phim có sự tham gia của diễn viên chính Hứa Vĩ Văn, bên cạnh đó còn có Kathy Uyên, Lê Thị Mỹ Ngọc, Phan Đăng Khoa.
Ba đạo diễn khách mời giao lưu với khán giả. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói: “Làm phim Ác mộng là tôi muốn gửi thông điệp đến các ... “bạn già”. Người lớn chúng ta thường răn dạy nhiều vấn đề đạo đức cho trẻ nhưng lại có những việc làm không đứng đắn sẽ tác động mạnh mẽ đến con cái của mình”.
Các bạn trẻ đến từ Nam Phi, Hoa Kỳ, Việt Nam trong một tiết mục nghệ thuật kêu gọi chấm dứt săn bắt, mua bán săn bắn lấy sừng tê giác. Ảnh: QUANG THẾ |
Đến tham dự sự kiện này, đại sứ các nước Mỹ, Anh và đại diện đại sứ quán Nam Phi cũng như tổ chức FILAND đều ghi nhận sự kiện là cuộc gặp gỡ tuyệt vời giữa các quốc gia tại Việt Nam để cùng có tiếng nói chung trong việc ngăn chặn nạn buôn bán, săn bắt mua bán và tiêu thụ những động vật hoang dã đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Ông Mati Wane - Đại diện đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam - phát biểu: “Chúng ta cần làm việc với nhau để ngăn chặn nạ săn bắt, buôn bán tê giác cũng như thay đổi nhận thức về sử dụng sừng tê giác của con người... Chúng ta lên tiếng hôm nay là để cứu một loài động vật quý hiếm cho các thế hệ của con cháu trong tương lai”.
Khi khu vườn im lặng (Nguyễn Mỹ Dung) với một nỗi nhớ đầy ám ảnh của một cô gái trẻ về khu vườn tuổi thơ cô từng sống với cha với cả một thế giới côn trùng, cũng như các loài động vật hoang dã. Thế nhưng, bây giờ thì: “Tôi chỉ còn nhìn thấy tên những thú rừng trên bàn tiệc... Chúng tôi phải đi rất xa để tìm thấy rừng, nhưng rừng ngày càng lùi xa. Tôi phải đi đến tận Nam Phi để được nhìn thấy những con tê giác...Tôi không muốn những đứa trẻ của mình sau này lớn lên ở khu vườn trống...”- Tâm sự của cô bé trong phim. Với câu chuyện dài khoảng 7 phút đầy ấn tượng, Khi khu vườn im lặng giành giải đặc biệt của Ban giám khảo. |
*Trailer về lễ hội chiếu phim và ca nhạc về động vật hoang dã (WildFest):
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận