25/12/2020 10:45 GMT+7

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 2: Hành trình tìm mẹ của Hoàng 'sói hoang'

NHẬT LINH - THÁI BÁ DŨNG
NHẬT LINH - THÁI BÁ DŨNG

TTO - Bom đạn chiến tranh đã làm xảy ra bao cuộc chia ly mà nhiều người đến cuối đời vẫn chưa được trùng phùng. Nhưng câu chuyện của Hoàng 'sói hoang' bị lạc mẹ ở Huế lại có một kết thúc có hậu kỳ lạ như chuyện cổ tích.

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 2: Hành trình tìm mẹ của Hoàng sói hoang - Ảnh 1.

Anh Hoàng đoàn tụ cùng mẹ và các cháu ở Huế vào năm 2008 - Ảnh: B.D.

"Tên thế nào thì nó vẫn là con mình. Quan trọng là con nó sống tốt, làm việc thuận lợi để cuối năm nó về Huế thăm mẹ.

Bà NGUYỄN THỊ QUÝ

Ngày định mệnh ở ga tàu lửa

Năm 1972, Tống Trọng Hoàng còn là đứa trẻ lên 3. Trong hành trình theo mẹ từ Huế vào Đà Nẵng, Hoàng bị lạc. Để sống và lớn lên rồi chờ đợi tới giây phút tìm lại được người mẹ của mình, Hoàng đã có một hành trình cay đắng, nhiều trắc trở.

Anh Tống Trọng Hoàng có người mẹ cùng năm anh em của mình hiện ở một căn nhà trong hẻm sâu ở đường Trần Phú (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Vào đầu năm 2008, tròn 36 năm lang thang trong thân phận của một người không cha mẹ, hành trình tìm về cội nguồn để gặp mẹ của Hoàng mới dừng lại với một kết thúc đẫm nước mắt. Hoàng tìm được mẹ mình nhờ những mối giúp đỡ, dẫn dắt của cộng đoàn xứ đạo nơi mẹ anh đi lễ.

Kể với chúng tôi tại nhà riêng ở đường Trần Phú (TP Huế), bà Nguyễn Thị Quý cho biết vào năm 1972 khi chiến tranh ở Huế vào giai đoạn ác liệt thì bà quang gánh và dẫn theo sáu đứa con đi bộ dọc theo quốc lộ 1, qua đèo Hải Vân để vào Đà Nẵng. 

Khi đó, Hoàng mới tròn 3 tuổi. Gần tối, sau khi dừng chân nghỉ ngơi ở bến nhà ga xe lửa Đà Nẵng thì Hoàng bị lạc. Sau một lúc cố gắng tìm kiếm trong hoảng loạn mà chẳng thấy tung tích con trai, bà Quý nhờ thông báo tìm trẻ lạc trên loa nhà ga nhưng cũng vô vọng. Nhiều ngày sau đó bà vừa lo cho đàn con nhỏ, vừa đi khắp thành phố hỏi tìm nhưng Hoàng đã đi đâu không rõ.

Sau khi Đà Nẵng và Huế được giải phóng, bà Quý dẫn năm đứa con về lại quê. Người mẹ nghèo dẫn đàn con chạy loạn trong hoang mang, khi đi đủ đầy nhưng lúc về lại hụt mất một đứa. Bà thẫn thờ như gà mẹ lạc con, không một ngày nào tìm được giấc ngủ yên ổn.

"Tui khóc và thương nó vô cùng. Cứ nhắm mắt lại là nghĩ tới cảnh ở đâu đó nó cũng thất thểu bơ vơ tìm tui, đói rách ngủ bờ ngủ bụi vạ vật cũng chẳng có ai che chở. Cứ cầu nguyện cho nó mạnh khỏe, khôn ngoan mà biết đường về với mẹ" - bà Quý kể.

"Sói hoang" lang thang

Về phần Hoàng, khi gặp mẹ mình sau 36 năm lưu lạc, anh đã không giấu được những giọt nước mắt hờn tủi. Anh kể trong trí nhớ láng máng, rời rạc rằng khi lạc mẹ thì anh có đi lên một xe và ngồi trong đó rồi ngủ quên mất. Khi tỉnh dậy thì không rõ mình đang ở đâu. Anh đã rất sợ hãi, khóc khàn tiếng rồi đặt chân xuống một nơi lạ lẫm là tỉnh Bình Dương ngày nay. Lúc đó Hoàng mới hơn 3 tuổi.

Những ngày không cha mẹ với anh thật khó khăn. Anh kiếm sống vạ vật ở những khu chợ. Thứ nuôi anh sống và lớn lên là những đụn thức ăn của các tiểu thương ở chợ nhỏ. Kể cũng lạ, anh có một sức sống thật mãnh liệt. Khi anh 8 tuổi thì một tiểu thương ở chợ đã nhặt anh về nuôi. Đó là ân nhân đầu tiên, nhưng không phải là người cuối cùng. 

Anh kể rằng hai năm sau khi ở với tiểu thương này thì bà đột ngột qua đời, anh lại ra chợ để làm con "sói hoang" cô độc. Một trại lính ở gần đó thấy đứa trẻ tội nghiệp đã nhận về cho ăn ở, nuôi dạy. Họ đặt tên cho anh là Trung. Vậy là cái tên "Hoàng" đã quên lãng, Trung chỉ biết mình là... Trung. 

Một người bạn lính tên là Tư Xiêm tới thăm doanh trại, thấy Trung lanh lẹ nên đưa về nuôi. Nhưng được thời gian thì chú Tư Xiêm này lại lấy vợ, Trung không được dẫn theo. Và anh lại tiếp tục bị bỏ rơi.

Hoàng nghẹn giọng kể rằng anh cứ trôi dạt như thế, cứ bị bỏ rơi lại có người nhận nuôi, rồi lại bị bỏ rơi như vậy cho tới khi được một cặp vợ chồng làm công nhân cao su nhận về nuôi hẳn và thương anh như con đẻ. Đó là lúc Hoàng đã lên 13 tuổi. Từ ngày lạc mẹ, gia đình vợ chồng công nhân cao su tên là Nguyễn Quý, vợ là Giằng Thị Anh là nơi bao bọc cho tới năm Hoàng lên 28 tuổi. 

Anh được cha mẹ nuôi làm đám cưới với chị Trần Thị Xuân. Cùng cảnh ngộ như Hoàng, Xuân mồ côi mẹ, cha đi lấy vợ khác. Hai người gặp nhau và thương nhau rồi có hai đứa con, sinh sống tại ấp Lai Khê, Bến Cát (Bình Dương).

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 2: Hành trình tìm mẹ của Hoàng sói hoang - Ảnh 3.

Đã hơn 12 năm tìm được con, bà Nguyễn Thị Quý vẫn nghĩ rằng đó là một giấc mơ có thật - Ảnh: NHẬT LINH

Nỗi khát khao tìm về nguồn cội

Chị Xuân kể rằng khi lấy anh Hoàng, chị biết anh lạc mẹ và cảm nhận nỗi khắc khoải tìm về cội nguồn của chồng nên cả chị lẫn chồng cố tìm hết kênh để liên lạc với quê hương nhưng không thành. 

Chuyện chẳng ngờ lại đến vào một buổi tối, anh Hoàng ghé vào tiệm hủ tiếu thì nghe giọng người đứng bán là người gốc Huế. Như có linh cảm cội nguồn quê hương, anh tâm sự chuyện lạc mẹ của mình. Và người bán hủ tiếu thương cảm và nhận lời giúp anh Hoàng về lại cố đô tìm mẹ.

Cận tết năm 2007, anh Hoàng theo chân người bán hủ tiếu tốt bụng về lại vùng Phủ Cam (Huế) để tìm người thân. Anh chẳng nhớ gì về gia đình mình cả. Thật quá khó như cảnh mò kim đáy bể. Trong lúc bế tắc, ông bán hủ tiếu đã nghĩ ra việc chạy tới nhà thờ Phủ Cam cầu sự giúp đỡ. Những thánh lễ liên tiếp các ngày cuối tuần dạo đó được các vị linh mục rao tìm người thân cho anh Hoàng với những thông tin ít ỏi.

Những lời đó đến được tai mẹ anh Hoàng. Bà chạy ra nhà thờ, gặp anh Hoàng mà lúc đầu bà cũng không nhận ra vì con đã quá khác. Nhưng sự kết nối máu mủ ruột rà đã giúp bà linh cảm chàng trai gần 40 tuổi đứng trước mặt chính là giọt máu của mình. Anh Hoàng và mẹ đoàn tụ, vỡ oà xúc động khi kết quả xét nghiệm ADN mẹ - con trùng khớp.

Từ giã phận người không tên tuổi

Đã hơn 12 năm qua, nhưng đến giờ nhắc lại, bà Quý mắt rưng rưng vẫn nói rằng đó như là một giấc mơ có thật. Sau ngày trùng phùng, anh Hoàng ở lại với mẹ vài ngày rồi tiếp tục cùng vợ con quay trở lại Bình Dương làm việc. Bà Quý cũng vào nơi con đang ở để coi cuộc sống hiện tại của con cháu, cũng là dịp để cảm ơn ông Nguyễn Quý và bà Giằng Thị Anh đã cưu mang, nuôi nấng anh Hoàng.

Vào thời điểm gặp lại mẹ ruột, anh Hoàng vẫn là một người không tên tuổi, không giấy tờ tùy thân. Việc xác minh, làm lại giấy tờ cho anh Hoàng hết sức phức tạp. Thương con, bà Quý đã quyết định khăn gói vào lại Bình Dương, đến gặp cha mẹ nuôi của anh Hoàng để xin cải họ cho anh từ họ Tống sang họ Nguyễn (họ của cha nuôi). 

Người mẹ già cũng quyết định cho đứa con do mình rứt ruột sinh ra mang tên của cha mẹ nuôi đặt để ghi vào chứng minh nhân dân. Và anh Tống Trọng Hoàng đã làm được giấy tờ tùy thân với cái tên Nguyễn Văn Trung.

Khói hương ngày giỗ vừa rực cháy thì bất ngờ có một cuộc gọi lạ tới báo manh mối người thân bao năm đã được thờ cúng...

Hạnh phúc vì đời còn có mẹ

12 năm nay, cứ vào dịp cuối năm là anh Hoàng cùng các con lại ra Huế ăn tết với mẹ và anh chị em. Bà Quý kể rằng nhiều lần anh Hoàng cùng vợ nằng nặc đòi đưa bà vào Bình Dương ở cùng để tiện phụng dưỡng nhưng bà từ chối vì "ở đâu quen đó rồi".

"Ngày mô cũng nhớ đến hắn. Thi thoảng kêu mấy đứa cháu ở đây gọi điện vào cho chú để nói chuyện cho đỡ nhớ. Đêm mô tui cũng cầu nguyện cho hắn được sức khỏe và mong răng thời gian trôi nhanh cho mau đến tết, để thằng Hoàng về đây ở với tui" - bà Quý cười nói.

Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 1: Gặp lại người cô trên bàn thờ Phía sau những cuộc trùng phùng đặc biệt - Kỳ 1: Gặp lại người cô trên bàn thờ

TTO - Trên đất nước đầy bom đạn chiến tranh và khó khăn hậu chiến, nhiều cuộc chia ly đã tưởng chừng vĩnh biệt. Rồi những cuộc trùng phùng đến thật bất ngờ và đầy xúc động. Những câu chuyện chưa được kể của nước mắt chia ly và niềm vui đoàn tụ…

NHẬT LINH - THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên