27/02/2017 15:13 GMT+7

Tân Sơn Nhất - Phi trường rực lửa

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Rạng sáng 29-4-1975, phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ không thể ngồi yên trong căn nhà riêng ở Tân Sơn Nhất. Ông ta bồn chồn đi lại, thở dài nhìn ra cửa sổ. Pháo 130 li của quân cách mạng bắn dồn dập vào phi trường.

Quân cách mạng giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4-1975 - 
Ảnh: ĐINH QUANG THÀNH
Quân cách mạng giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4-1975 - Ảnh: ĐINH QUANG THÀNH

Họ nã trúng các đường băng, máy bay, kho nhiên liệu, khói lửa rừng rực ngút trời. Trong hồi ký Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam thế nào? - tướng không quân này kể thêm đúng lúc dầu sôi lửa bỏng, một chiếc xe cắm cờ Mỹ trờ tới.

Hai người đàn ông bước ra. Ông Kỳ ngạc nhiên, chẳng lẽ lúc này họ vẫn nhớ đến mình. Thật bất ngờ, đó chính là đại sứ Martin và tướng Hemer Smith. Họ muốn chính mắt kiểm tra lại báo cáo phi trường Tân Sơn Nhất đã tê liệt vì pháo bom...

“Đầu não” không lực Sài Gòn

Phi trường có lượng phi suất gần triệu chuyến mỗi năm đã hấp hối. Đại sứ Martin thở dài, kế hoạch cầu không vận di tản quy mô lớn đành bất khả.

Người Mỹ chỉ còn phương án dự phòng, di tản bằng trực thăng, tức nhiều người Việt Nam cộng hòa sẽ bị bỏ lại...

“Chỉ thiếu mỗi B52, còn hầu hết các loại phi cơ quân sự của Mỹ hồi ấy đều hiện diện ở Tân Sơn Nhất.

Cựu phi công Nguyễn Thành Trung

Nhưng đó là chuyện những ngày cuối cùng ở Tân Sơn Nhất dưới chế độ Việt Nam cộng hòa. Ngược trở lại giữa thập niên 1960, khi quân đội Mỹ chính thức sang tham chiến ở miền Nam Việt Nam đã đột ngột làm Tân Sơn Nhất trở thành phi trường chật chội, có số máy bay cất - hạ cánh nhiều nhất thế giới.

Năm 1969, nếu như Tân Sơn Nhất tiếp nhận 138.256 chuyến bay dân sự, thì máy bay quân sự lên đến 724.192 lượt.

Sang năm 1970, số phi suất máy bay quân sự ở Tân Sơn Nhất tiếp tục tăng thêm hơn 25.000 lượt, lên đến 749.541 lượt cất - hạ cánh trong khi hàng không dân sự vẫn ở mức 101.279 chuyến...

Ngoài số ít ỏi máy bay quân sự cũ kỹ của Pháp để lại, năm 1959 Mỹ chuyển giao phi đội sáu chiếc Skyraider (Thiên tướng) đầu tiên cho Việt Nam cộng hòa đậu ở Tân Sơn Nhất. Một năm sau, họ tiếp tục viện trợ 25 chiếc Skyraider.

Năm 1960, phi đoàn 1 khu trục cơ được thành lập ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất để không yểm cho bộ binh tác chiến từ Cà Mau đến Bến Hải.

Vài tháng sau, Mỹ lại tiếp tục đưa sang các oanh tạc cơ B26, vận tải C47, máy bay huấn luyện T28 với hơn 350 quân nhân trợ giúp huấn luyện, thiết lập căn cứ...

Ngoài Bộ tư lệnh Không quân Việt Nam cộng hòa, Tân Sơn Nhất còn là căn cứ của sư đoàn 5 không quân.

Sau tướng Nguyễn Văn Hinh đặt nền móng xây dựng không quân miền Nam Việt Nam, các tướng tá không quân Nguyễn Khánh, Trần Văn Hổ, Nguyễn Xuân Vinh, Huỳnh Hữu Hiền, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Minh đã từng mòn gót giày và cuối cùng nếm mùi chiến bại ở phi trường này.

Cựu phi công Nguyễn Thành Trung kể: “Chỉ thiếu mỗi B52, còn hầu hết các loại phi cơ quân sự của Mỹ hồi ấy đều hiện diện ở Tân Sơn Nhất.

Từ những chiếc vận tải cơ C119, C47, C123, C130, C7 đến các máy bay chiến đấu, oanh tạc F4, F5, F101, A37, máy bay tuần thám O-1, O-2, U17, trực thăng UH, C47 Chinook. Chính vì vậy mới có những ngày lên đến hơn 1.500 lượt phi suất...”.

Tân Sơn Nhất đã không yểm hoặc trực tiếp tiến hành cho nhiều trận tác chiến không lực tàn khốc.

Ngày 3-2-1965, chính tướng Nguyễn Cao Kỳ dẫn đầu phi đội Skyraider từ Tân Sơn Nhất ra lấy thêm máy bay ở Đà Nẵng, thành đội oanh tạc cơ 24 chiếc ném bom miền Bắc.

Chiến dịch Mũi tên lửa mở màn. Tám ngày sau, phó tư lệnh không quân Nguyễn Ngọc Loan lại từ Tân Sơn Nhất bay ra Đà Nẵng, dẫn phi đội 28 chiếc Skyraider trút bom đạn xuống bên kia vĩ tuyến 17.

Sư đoàn 5 không quân ở Tân Sơn Nhất tuy không đảm nhiệm chiến địa ác liệt như các sư đoàn không quân số 1, 3 và 6 ở phi trường Đà Nẵng, Biên Hòa, Pleiku, nhưng nhiều thời điểm phi trường này cũng bị áp lực rất căng thẳng để tuần thám không yểm các đơn vị khác.

Trong trận An Lộc mùa hè 1972, các phi công chiến đấu, vận tải, tuần thám của Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng trực chiến, đợi đến lượt bay sinh tử của mình bất cứ lúc nào.

Rất nhiều phi đoàn từ Tân Sơn Nhất đã không trở về khi bay vào lưới đạn phòng không của quân cách mạng.

Tê liệt cầu không vận

Trở lại thời điểm cuối tháng 4-1975, Tân Sơn Nhất là mục tiêu cần phải phòng vệ lẫn tấn công của cả hai bên chiến tuyến. Phi trường này thất thủ sẽ “chiếu tướng” Sài Gòn, chấm dứt ván cờ chiến sự tàn khốc 20 năm.

Ở trại Davis gần căn cứ Bộ tư lệnh Không quân Việt Nam cộng hòa đóng tại Tân Sơn Nhất, vị tướng độc nhãn Hoàng Anh Tuấn, trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, từng giờ ngóng tin đoàn quân vào Sài Gòn.

Ông kể: “Rạng sáng 29-4-1975, trọng pháo 130 li từ Nhơn Trạch bắn dồn dập vào phi trường. Trước đó, chiều 28, phi đội năm chiếc A37 do Nguyễn Thành Trung dẫn đầu từ sân bay Thành Sơn đến ném bom vào bãi đậu máy bay Tân Sơn Nhất.

Phi trường này đã tê liệt, hầu hết máy bay không còn cất - hạ cánh được nữa, nhưng pháo vẫn bắn dồn dập đến sáng 30-4. Một quả đạn rót lạc cả vào trại Davis làm tử thương hai người”.

Bên ngoài trại Davis, phi trường đã rối loạn thật sự. Đại sứ Martin chỉ còn có thể ngậm ngùi với lời tuyên bố “khí khái” trước đó của mình: “Nếu người Mỹ phải ra đi, tôi sẽ đem theo 1 triệu người Việt Nam”.

Yêu cầu từ Washington phải lập cầu không vận bằng máy bay hạng nặng ở Tân Sơn Nhất di tản tất cả người Mỹ và người Việt liên quan đã không thực hiện được ở thời điểm cuối tháng 4, khi phi trường đã bị giội pháo bom, những chiếc C130 bốc cháy và cả lính thủy đánh bộ Mỹ tử thương...

Martin tuyệt vọng dùng xe vượt qua đường phố đầy hỗn loạn, chết chóc, trực tiếp thị sát lần cuối Tân Sơn Nhất rực lửa, tan hoang. Gặp nhau buồn thảm trên chiếc tàu di tản Blue - Ridge, Nguyễn Cao Kỳ và Martin không ai nói được với ai lời nào...

Frank Snepp, tình báo chiến lược của CIA có mặt đến ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn, đã ngậm ngùi kể lại trong cuốn sách Cuộc tháo chạy tán loạn của mình rằng sau khi Tân Sơn Nhất bị ném bom, phi trường vẫn còn hoạt động được.

Các chuyến bay C141 được đình chỉ để thay bằng 60 chuyến C130 lớn hơn có thể di tản được 10.000 người.

Tuy nhiên, 2h30 sáng 29-4, pháo 130 li đã giội vào Tân Sơn Nhất, biến chiếc C130 đang đậu thành “tờ giấy nhôm”, hất văng cả tướng Smith từ giường xuống đất...

Một lát sau, Martin điện cho Smith yêu cầu phải tiếp tục thực hiện cầu không vận C130, nhưng viên tướng này buộc phải trả lời trong tiếng đạn pháo dồn dập: “Đường băng không chắc còn sử dụng được”.

Ở chiều hạ cánh, các máy bay dân sự cũng không thể xuống phi trường. Cơ trưởng Huỳnh Minh Bon trên chiếc B707 khứ hồi Nhật - Sài Gòn buộc phải dừng lại ở Hong Kong.

Dân biểu Ngô Công Đức đáp chuyến bay Bangkok - Sài Gòn đến Cà Mau buộc phải vòng lại Thái Lan, vì không lưu Tân Sơn Nhất không hồi đáp yêu cầu hạ cánh...

>> Kỳ tới: Cuộc đổi thay lịch sử

Xem các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Những cánh bay đầu tiên trên bầu trời Sài Gòn
>> Kỳ 2: Người phi công Việt Nam đầu tiên
>> Kỳ 3:  Đường băng đất đỏ
>> Kỳ 4: Phi đạo 3.000m và sân bay hạng nhất
>> Kỳ 5: Phi trường nhộn nhịp hàng đầu thế giới
>> Kỳ 6: Mua đất mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên