12/03/2019 09:56 GMT+7

Phi Long, cậu bé của điều kỳ diệu

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Hơn 5 năm trước, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) thực hiện thành công ca mổ tách dính đặc biệt, mang điều kỳ diệu đến cặp song sinh Phi Long - Phi Phụng.

Phi Long, cậu bé của điều kỳ diệu - Ảnh 1.

Bé Phi Long ở quê nhà - Ảnh: MY LĂNG

Phi Phụng mất rồi! Phi Long rất thương em gái và hay chơi, hay nựng, hôn em

Chị Nguyễn Hồng Lam (mẹ bé Phi Long)

Tuy nhiên sau đó Phi Phụng mất, chỉ còn Phi Long. Cậu bé được bao người thương lo ấy giờ ra sao?

Năm nay, Nguyễn Hoàng Phi Long là học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lương Cách (xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). 

Còn nhớ 2 năm trước, tháng 2-2017, hơn 3 năm sau ca phẫu thuật tách dính kéo dài 12 giờ ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho cặp song sinh Phi Long - Phi Phụng, tôi về Ninh Thuận thăm bé mới hay gia đình bé đã sang Lâm Đồng làm thuê...

Cha mẹ không bỏ hai con

Phi Long và cha mẹ ở thuê trong căn nhà cấp 4 xập xệ chơ vơ giữa đồng cỏ huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Bé khi ấy đã gần 5 tuổi, lanh lợi và nói rất nhiều. Vẫn gương mặt thon dài, đôi mắt biết cười giống y cậu em sinh đôi Phi Phụng đã mất.

Ngày tôi lên Lâm Đồng thăm, Phi Long đã có em gái. Cô bé Hạ Đoan bụ bẫm, mặt tươi như hoa và có đôi mắt rất giống anh hai Phi Long cùng người anh đã mất Phi Phụng. 

Chị Nguyễn Hồng Lam, mẹ bé, xúc động: "Tháng 9 tới là Phi Long tròn 7 tuổi rồi. Nếu Phi Phụng mà còn sống...". Chị Lam nghẹn giọng: "Phi Long biết có em sinh đôi. Ai hỏi Phi Phụng đâu, nó bảo em chết rồi! Nhìn hình anh em chụp lúc chưa tách dính, nó biết đứa nào là Phi Phụng, đứa nào là nó. Trong hình, Phi Phụng bên phải, to hơn, nằm cong. Phi Long nhỏ hơn, nằm thẳng. Nó chỉ em bên phải nói: Phụng đây nè!".

Nhắc kỷ niệm không thể nào quên, chị Lam xúc động: "Hồi tôi mang thai tuần thứ 25, bác sĩ nói song thai bị dính nhau nhưng vợ chồng vẫn quyết không bỏ con. 

Mới sinh được đúng một ngày, Phi Long và Phi Phụng bị suy hô hấp nên phải chuyển từ Ninh Thuận vào Bệnh viện Nhi Đồng 2. Suốt thời gian hai con được chăm sóc đặc biệt, chồng tôi làm mướn ở Sài Gòn, vừa mưu sinh vừa để được gần con".

Hai bé chào đời ngày 25-9-2012 trong tình trạng bị dính nhau rất phức tạp cả phần ngực, bụng và tim mạch. Bé Phi Long thở khí trời, ăn uống tốt, khỏe mạnh. 

Nhưng Phi Phụng phải thở máy, nhiều dị tật: co gồng di chứng não, giãn nhẹ não thất, đông đặc phổi phải, hẹp eo động mạch chủ, giãn đài bể thận phải. Để hai bé đủ sức khỏe "chiến đấu" với ca phẫu thuật dự kiến kéo dài hàng chục giờ, bác sĩ quyết định nuôi, đợi đến 14 tháng tuổi. 

Tiến hành phẫu thuật ca song sinh dính nhau này, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn với các bác sĩ bệnh viện chuyên khoa hàng đầu VN và nước ngoài để đưa ra phương án tốt nhất.

Phi Long, cậu bé của điều kỳ diệu - Ảnh 3.

Phi Long quấn quýt với cha - Ảnh: MY LĂNG

Đi tìm điều kỳ diệu

17h30 ngày 26-11-2013 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, êkip 70 y bác sĩ đã tách rời thành công cặp song sinh bị dính nhau Phi Long và Phi Phụng sau gần 12 giờ gây mê và phẫu thuật. 

TS.BS Trương Quang Định - khi đó là phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, người trực tiếp tham gia cuộc phẫu thuật đặc biệt này - đã gọi ca mổ là "đi tìm điều kỳ diệu" bởi tiên lượng các tình huống rất phức tạp sẽ xảy ra trong quá trình mổ. Và cuối cùng điều kỳ diệu đã đến: ca mổ thành công.

Tuy nhiên, khi chưa phẫu thuật tách rời, Phi Phụng sống dựa nguồn dinh dưỡng từ Phi Long. Sau khi tách, Phi Phụng phải độc lập nhưng không thích nghi được. Mấy tháng sau, lúc 14h30 ngày 23-2-2014, trái tim bé nhỏ của Phi Phụng không còn đập nữa... 

Và trong phút giây cuối cùng còn lại của em trai, Phi Long đã khiến mọi người rơi nước mắt khi cậu bé bất ngờ chồm tới hôn tạm biệt Phi Phụng.

"Hồi tôi sinh hai đứa, bị mất máu nằm mê man. Lúc tỉnh dậy, cô điều dưỡng nói đã chuyển con vào Sài Gòn. Mình đã nhìn thấy mặt con đâu, một tháng sau vào Sài Gòn mới biết mặt con... Nhưng Phi Phụng ở chẳng được bao lâu thì đi. 

Từ lúc sinh ra, nó chưa được mẹ ẵm một lần vì phải cách ly nằm viện suốt. Lúc mình ôm xác con trong tay, máu và thuốc kháng sinh trong người con ộc ra ướt đỏ cả áo mẹ. Đó là lần đầu tiên và là lần cuối cùng mẹ được ôm con..." - chị Lam mắt ngấn đỏ, giọng lạc đi vì xúc động, kể thêm Phi Phụng yên nghỉ ở nghĩa trang gần nhà. 

Lúc đầu, cha mẹ không có tiền, con nằm mộ đất. Mưa nhiều, cứ lo bị xói đất, tội con. Hơn một năm sau, một chị biết chuyện, gửi cho mấy triệu đồng, vợ chồng mượn thêm xây mộ ximăng cho con. Đến hôm nay, Phi Phụng đã ra đi đúng 5 năm!

Cậu bé hay cười

Sống ở bệnh viện từ lúc mới lọt lòng đến hơn 17 tháng tuổi, Phi Long mới về nhà và đã biết nói. Chị Lam xúc động nhớ: "Đưa bé về nhà, bác sĩ dặn phải chú ý không khí, môi trường sạch để đảm bảo đường thở cho bé. Về quê khác khí hậu, môi trường. 

Cả nhà không dám cho Phi Long ra ngoài, cứ để trong phòng miết. Bé lạ lẫm, khóc suốt. Ở bao lâu trong bệnh viện là nhà nó mà. Rồi phải điều chỉnh giờ giấc vì Phi Long không phân biệt được ngày và đêm, do trong bệnh viện đèn mở sáng 24/24 giờ. 

Đêm khuya vẫn phải mở đèn sáng cho con ngủ. Tắt đèn, phòng tối là nó sợ, khóc. Một năm sau, mình mới tắt đèn, tập cho con quen dần"...

Đầu Phi Long đến giờ vẫn còn hơi nghiêng một bên, do hồi dính chung với Phi Phụng suốt 14 tháng bé toàn nằm nghiêng. Sau khi mổ tách, Phi Long đã nằm ngửa được nhưng xương sống vẫn cong. Chị Lam phải kê gối, chèn giường, tập cho con nằm ngửa. Phi Long cứ bò, mãi 2 tuổi rưỡi mới lẫm chẫm tập đi.

Gian nan nhất là chuyện ăn uống. Chị Lam kể: "Cho con ăn khó lắm. Hồi đầu không biết cho ăn thế nào vì mình sinh con đầu lòng, sinh ra lại không chăm con ngày nào do hai đứa phải nằm phòng cách ly để y bác sĩ chăm sóc. 

Lúc Phi Long mới về nhà, mình không biết cho ăn cỡ nào thì đủ, mà con cứ ăn là ói. Mình tập cho con ăn cháo, rồi mớm cơm. Con ăn như mèo. 

Một muỗng cơm tập ăn mất 20 phút. Hồi ở bệnh viện, Phi Long chỉ uống sữa nên dạ dày quen sữa rồi, không chịu cơm. Tập riết, sau này bữa nhiều nhất được 2 muỗng cơm".

Bây giờ mỗi bữa Phi Long thường vẫn chỉ ăn được một muỗng cơm, nhưng vẫn hay ói. Riêng thịt, cá, rau... bé chỉ nhai khô rồi nhả, không nuốt được, cứ nuốt vào là ói. Bé chủ yếu uống sữa nên người không mập nổi. 

"Hồi Phi Phụng còn sống, các cô cho hai đứa uống sữa hộp loại mấy trăm ngàn. Về đây rồi, Phi Long vẫn quen loại sữa đó, cứ nửa tháng là hết một hộp, điều kiện đuối quá nuôi không nổi. Khi con hơn 2 tuổi, tôi cho uống sữa bịch, rẻ hơn nhiều. 

Từ lúc về Ninh Thuận đến giờ hơn 5 năm rồi, mình vẫn chưa có tiền đưa con vào Sài Gòn khám lại" - chị Lam tâm sự và cho biết đứa con bé bỏng của mình đã 7 tuổi, chỉ nặng 13kg nhưng lúc nào cũng nở nụ cười...

phi long

Phi Long trong vòng tay điều dưỡng trưởng Huỳnh Thị Phương Thảo sau ca mổ hai tháng - Ảnh: M.L.

"Vợ chồng mình không biết bao giờ được gặp lại các cô, các bác ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 mà cảm ơn! Mình luôn nhớ ơn bác Định, cô Thảo điều dưỡng trưởng, cô Thu, chú Phương, bác Bảo, bác Tính...

Sau này, Phi Long lớn hơn, vợ chồng mình sẽ kể công ơn nuôi dưỡng, chăm sóc của các cô, các bác cho con biết!" - anh Nguyễn Thanh Phiên, cha bé Phi Long, nói.

Ca song sinh dính nhau vùng cụt sắp được xuất viện Ca song sinh dính nhau vùng cụt sắp được xuất viện

TTO - Chiều 4-10, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) tổ chức họp báo công bố phẫu thuật thành công tách dính hai bé gái song sinh bị dính nhau ở vùng thắt lưng cùng cụt - dò hậu môn tiền đình.


MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên