24/07/2025 15:26 GMT+7

Phát triển công nghiệp, càng không thể để hàng Việt bị loại khỏi sân nhà

Dù đạt tiêu chuẩn quốc gia và được Bộ Công Thương phê duyệt, nhiều sản phẩm công nghiệp Việt vẫn bị "gạt ra ngoài cuộc chơi" khi tham gia đấu thầu dự án đầu tư công chỉ vì không mang thương hiệu nhập khẩu.

Phát triển công nghiệp, càng không thể để hàng Việt bị loại khỏi sân nhà - Ảnh 1.

Trong ảnh: nhân viên đang sản xuất các thiết bị công nghiệp công nghệ cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hàng Việt chất lượng cao bị loại vì… không phải hàng ngoại

Góp ý diễn đàn "Hiến kế phát triển công nghiệp, thương mại TP.HCM" do báo Tuổi Trẻ cùng Sở Công Thương TP.HCM phát động, ông Trần Thành Trọng, chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương, cho rằng doanh nghiệp trong nước không xin ưu đãi, chỉ mong được đối xử công bằng trong chính các dự án đầu tư công.

Theo ông Trọng, hiện nay nhiều sản phẩm công nghiệp của Việt Nam dù đạt tiêu chuẩn quốc gia, được Bộ Công Thương phê duyệt là sản phẩm Việt Nam sản xuất được vẫn bị loại khỏi danh sách lựa chọn trong các dự án đầu tư công.

Doanh nghiệp nội địa đầu tư công nghệ, cải tiến chất lượng, nhưng khi tham gia đấu thầu lại bị loại ngay từ vòng sơ tuyển, chỉ vì các yêu cầu mang tính định hướng nhập khẩu trong hồ sơ mời thầu.

Đại diện Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương dẫn chứng một số hình thức loại bỏ hàng Việt phổ biến. Ví dụ như quy định xuất xứ hàng hóa phải từ châu Âu hoặc nhóm G7, không có Việt Nam.

Yêu cầu xuất xứ châu Á nhưng nhãn hiệu tham khảo lại là thương hiệu ngoại, không có sản phẩm nội địa. Thiết kế hồ sơ kỹ thuật cho một vài nhãn hiệu nhập khẩu, khiến các sản phẩm tương đương của Việt Nam không đáp ứng được.

Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, mà còn làm gián đoạn chuỗi sản xuất, khiến chúng ta mất cơ hội xây dựng nền công nghiệp tự chủ và bền vững.

Ưu tiên hàng Việt, không định hướng thầu ngoại

Đề xuất hiến kế, Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương đề nghị Sở Công Thương TP.HCM tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghiệp trong nước, đặc biệt là các sản phẩm đã được Bộ Công Thương xác nhận trong danh mục "sản phẩm Việt Nam sản xuất được".

Đồng thời, cần nghiêm cấm các biểu hiện cố tình đưa vào hồ sơ mời thầu các tiêu chí nhằm loại bỏ hàng hóa nội địa, nhất là thông số kỹ thuật chỉ phù hợp với một số nhãn hiệu ngoại.

Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương đề xuất báo chí và truyền thông, đặc biệt là báo Tuổi Trẻ tăng cường tuyên truyền về việc sử dụng sản phẩm Việt Nam trong cả các dự án vốn tư nhân và FDI.

Qua đó khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước hình thành chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong bối cảnh công nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu, việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đặc biệt trong các dự án đầu tư công, không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp mà còn là chiến lược phát triển lâu dài.

Hàng Việt phải có mặt trong chuỗi cung ứng quốc gia thì mới nói đến chuyện làm chủ công nghệ, nâng tầm công nghiệp. Muốn vậy, cần bắt đầu từ những điều rất căn bản công bằng trong đấu thầu, minh bạch trong tiêu chí, và sự thay đổi tư duy của đơn vị mời thầu.

Mở diễn đàn "Hiến kế phát triển công nghiệp, thương mại TP.HCM"

Báo Tuổi Trẻ phối hợp Sở Công Thương TP.HCM mở diễn đàn "Hiến kế phát triển công nghiệp, thương mại TP.HCM" nhằm lắng nghe ý tưởng, giải pháp từ các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và người dân để xây dựng, phát triển công nghiệp - thương mại cho TP.HCM mới, theo định hướng, tiếp tục phát huy thế mạnh của Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu khi hợp nhất cùng với TP.HCM, hình thành một đô thị mạnh về công nghiệp - thương mại - dịch vụ, có sức cạnh tranh quốc tế.

Ông Nguyễn Lộc Hà - phó chủ tịch UBND TP.HCM - giao Sở Công Thương khẩn trương tổng hợp các ý kiến đề xuất, tham luận để báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo UBND TP.HCM kịp thời chỉ đạo các giải pháp, nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết sẽ trân trọng lắng nghe từng ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp. Sau khoảng một tháng phối hợp với Tuổi Trẻ tiếp nhận ý kiến góp ý, sở sẽ tổng hợp để tham mưu UBND TP.HCM các giải pháp đột phá để phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ.

Bạn đọc tham gia diễn đàn "Hiến kế phát triển công nghiệp, thương mại TP.HCM" có thể gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường Đức Nhuận, TP.HCM, hoặc gửi ý kiến qua email: kinhte@tuoitre.com.vn.

Phát triển công nghiệp, càng không thể để hàng Việt bị loại khỏi sân nhà - Ảnh 2.Doanh nghiệp công nghiệp 'nghe ngóng' cơ hội bung vốn

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tính toán mở rộng sản xuất, liên kết đầu tư để đón đầu cơ hội, vẫn còn không ít "khoảng lặng" chờ đợi chính sách, hạ tầng và thủ tục được tháo gỡ đồng bộ sau khi TP.HCM sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên