08/08/2019 10:10 GMT+7

Phạt tiền thay phạt tù, được không?

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Hình phạt tiền thay phạt tù đã được quy định trong Bộ luật hình sự, song trên thực tế các cơ quan tố tụng vẫn e ngại, thậm chí gây nhiều tranh cãi khi áp dụng.

Phạt tiền thay phạt tù, được không? - Ảnh 1.

Vừa qua, TAND TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt 5 bị cáo là Việt kiều được thuê đứng tên để nhập lậu ôtô mức 300 triệu đồng (mỗi người) thay án phạt tù. 

Bản án này bị Viện KSND TP.HCM kháng nghị theo hướng không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với 5 bị cáo. Quan điểm trái chiều của các cơ quan tố tụng một lần nữa khiến dư luận đặt ra câu hỏi khi nào thì áp dụng phạt tiền?

Tòa - viện tranh cãi

Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng chính sách Việt kiều hồi hương được phép mang về nước một ôtô đang sử dụng không phải đóng thuế, Helena Phạm, Mai Thị Ái, Nguyễn Nhất Lĩnh đã thuê nhiều Việt kiều đứng tên nhập khẩu ôtô từ Mỹ về VN. 

Sau đó, nhóm này cấu kết với nhiều cán bộ công an xã thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng nhập hộ khẩu thường trú khống cho các Việt kiều, xác nhận các đơn xin cấp giấy phép nhập khẩu xe theo diện Việt kiều hồi hương, nhập lậu và tiêu thụ trót lọt 17 ôtô với tổng trị giá 51,1 tỉ đồng, trốn thuế 22,7 tỉ đồng.

Sau khi phi vụ trót lọt, nhóm chủ mưu, cầm đầu tổ chức buôn lậu đã bỏ trốn, nhiều đối tượng Việt kiều đã xuất cảnh về Mỹ. Còn 5 Việt kiều được nhờ đứng tên nhập xe giùm là Nguyễn Đức Thắng, Võ Thị Huyền Trinh, Nguyễn Đức Duy, Nguyễn Minh Hiếu và Hàn Quan Án bị truy tố, xét xử về tội buôn lậu.

Hồ sơ vụ án thể hiện: 5 Việt kiều này là người làm mướn ở Mỹ hoặc được hưởng trợ cấp thất nghiệp do Chính phủ Mỹ chi trả hằng tháng. 

Khi được hứa hẹn "bao" vé máy bay khứ hồi từ Mỹ về VN chơi và thăm gia đình, đồng thời được trả công từ 1.000-12.000 USD nếu đứng tên nhập khẩu ôtô giùm thì họ đồng ý và ký vào các tờ giấy trắng, giấy ủy quyền... do các đối tượng cầm đầu đưa cho.

Xử sơ thẩm, HĐXX cho rằng nhóm 5 Việt kiều được thuê đứng tên nhập khẩu ôtô bị các đối tượng cầm đầu rủ rê về VN chơi rồi nhờ ký một số giấy tờ liên quan, do không hiểu rõ pháp luật nên đã bị lợi dụng. 

Quá trình điều tra, xét xử các bị cáo khai báo thành khẩn, nhân thân tốt, chưa tiền án tiền sự, đã nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính. Hiện nay các bị cáo đang bị cấm xuất cảnh, không có việc làm ở VN. 

Để thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước nên áp dụng phạt tiền mỗi người 300 triệu đồng, đồng thời buộc mỗi bị cáo phải nộp từ 632 triệu đến 1,7 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước.

Theo HĐXX, các bị cáo này bị truy tố theo khoản 4, điều 188 Bộ luật hình sự (BLHS). Do các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên theo quy định tại khoản 2, điều 54 BLHS thì tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. 

Khoản 4, điều 188 không có quy định phạt tiền nhưng các khoản 1, 2, 3 của điều luật này có quy định phạt tiền là hình phạt chính. Do đó, HĐXX đã tuyên mức án như trên.

Trái lại, Viện KSND cho rằng phạt tiền đối với 5 bị cáo trên là không có căn cứ, bởi khoản 4, điều 188 không quy định phạt tiền là hình phạt chính. Theo quy định tại điều 35 BLHS, chỉ được áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. 

Trong khi đó, các bị cáo này bị truy tố theo điểm a, khoản 4, điều 188 thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Có quy định nhưng ít khi áp dụng

Vụ án buôn lậu nêu trên đang được các cơ quan tố tụng xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, dù đã có quy định nhưng trên thực tế cơ quan tố tụng rất ít khi phạt tiền. Vậy khi nào được phạt tiền thay phạt tù?

Theo luật sư Thái Văn Chung (Đoàn luật sư TP.HCM), hình phạt tiền được thay cho phạt tù trong BLHS có quy định cụ thể. HĐXX dựa vào đó cân nhắc, xem xét khách quan, toàn diện hồ sơ vụ án, tính chất, mức độ, vai trò, hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế của từng người phạm tội để chủ động quyết định áp dụng hình phạt chính bằng tiền hoặc phạt tù cho phù hợp.

Trước đây, TAND TP.HCM từng xét xử và tuyên phạt ông Wheeler Lloyd Stephan (quốc tịch Mỹ) 50 triệu đồng khi gây tai nạn chết người. Lý do vì bị cáo là người nước ngoài, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, mức độ hành vi phạm tội không cần thiết áp dụng hình phạt tù, trong khung hình phạt có quy định phạt tiền là hình phạt chính. 

Tuy nhiên, bản án bị Viện KSND kháng nghị theo hướng cần áp dụng hình phạt tù đối với người này. TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, sửa án và tuyên phạt ông Wheeler Lloyd Stephan 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, đối với tội danh mà trong khung hình phạt có quy định phạt tiền thì phạt tiền được xem là hình phạt tương đương với hình phạt tù. HĐXX có quyền lựa chọn phạt tiền hay phạt tù. Tuy nhiên, phạt tiền ít được áp dụng bởi thực tiễn tố tụng chưa có nhiều tiền lệ, gây quan ngại cho các thẩm phán.

Vào năm 2017, TAND TP.HCM từng xử và tuyên phạt một phụ nữ nguyên là tiếp viên hàng không 1,2 tỉ đồng về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, khi người này mang 90.000 USD từ Hàn Quốc nhập cảnh vào VN mà không khai báo hải quan việc mang theo ngoại tệ. Tại tòa, người này khai số tiền trên do bạn trai người Hàn Quốc cuộn thành nhiều cuộn nhỏ bỏ vào đáy vali. Trước khi máy bay cất cánh, cô có nhận tin nhắn của bạn trai nói tặng quà để trong vali nhưng không kiểm tra nên không biết là tiền. 

Tuy nhiên, cô không cung cấp được tin nhắn của bạn trai cho cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, cô đang một mình nuôi con nhỏ nên mong được áp dụng hình phạt tiền. Đồng thời, cựu tiếp viên hàng không nộp cho tòa một sổ tiết kiệm ngân hàng chứng minh khả năng tài chính.

Tại tòa, đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị xử phạt từ 5 đến 6 năm tù theo khoản 3, điều 154, Bộ luật hình sự 2009. Tuy nhiên, HĐXX vẫn quyết định áp dụng hình phạt tiền đối với người này. Đây là bản án hiếm hoi HĐXX quyết định áp dụng hình phạt tiền thay hình phạt tù.

Phạt tiền vẫn phải đảm bảo khả năng thi hành

Theo luật sư Thái Văn Chung, để bảo đảm khả năng thi hành án hiệu quả thì có thể HĐXX yêu cầu người phạm tội phải chứng minh có sở hữu, sử dụng tài sản hợp pháp đủ khả năng nộp tiền phạt cho Nhà nước.

Tránh trường hợp lạm dụng quyền lực tuyên hình phạt chính bằng tiền đối với người phạm tội nhưng lại không có khả năng thi hành án trên thực tế sẽ làm mất tác dụng về tính răn đe phòng ngừa tội phạm.

"Theo tôi, khi một số tội phạm, nhất là nhóm tội phạm về kinh tế, trong BLHS đã quy định cụ thể hình phạt chính bằng tiền hoặc phạt tù thì trong quá trình xét xử, HĐXX cần thể hiện vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh để mạnh dạn, tăng cường quyết định áp dụng hình phạt chính bằng tiền thay cho hình phạt tù là chủ yếu như trong thời gian qua. Việc này cũng phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp là "giảm hình phạt tù, tăng cường các hình phạt không phải tù như phạt tiền, cải tạo không giam giữ..." - ông Chung nói.

Nên phạt tiền thay cho án tù một số tội danh Nên phạt tiền thay cho án tù một số tội danh

TTO - Ngày 27-3, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Hà Thị Thùy Dương (tiếp viên hàng không của Hãng Asiana Airlines, Hàn Quốc) 1,2 tỉ đồng về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên