29/03/2017 09:24 GMT+7

Nên phạt tiền thay cho án tù một số tội danh

PHẠM QUỐC CƯỜNG
PHẠM QUỐC CƯỜNG

TTO - Ngày 27-3, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Hà Thị Thùy Dương (tiếp viên hàng không của Hãng Asiana Airlines, Hàn Quốc) 1,2 tỉ đồng về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Trước đó, kiểm sát viên giữ quyền công tố đề nghị xử phạt bị cáo Dương từ 5-6 năm tù theo khoản 3 điều 154 BLHS năm 1999.

Có thể nói đây là vụ án hình sự đầu tiên áp dụng hình thức phạt tiền thay vì phạt tù tại Việt Nam khi áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo khi tuyên án.

HĐXX trên cơ sở cân nhắc mức độ hành vi nguy hiểm của tội phạm, hậu quả pháp lý và hoàn cảnh nhân thân của bị cáo để tuyên một bản án đủ sức răn đe và đầy nhân văn.

Theo đó, HĐXX đã áp dụng BLHS năm 2015 theo hướng có lợi cho bị cáo khi tuyên bị cáo nộp phạt 1,2 tỉ đồng thay vì án tù. Tại khoản 3 điều 189 bộ luật này, quy định đối với tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới thì có thể chịu mức phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc áp dụng phạt tù từ 5-10 năm.

Việc tòa án tuyên phạt tiền thay cho phạt tù trong vụ án này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận. Theo các chuyên gia pháp lý, việc phạt tiền thay cho hình phạt tù có nhiều ưu điểm, cần được áp dụng cho một số tội danh.

Hình phạt tù chỉ nên áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng và nếu để người bị kết án ngoài xã hội thì sẽ còn gây hại cho xã hội. Đối với những trường hợp khác như tội phạm về kinh tế thì nên áp dụng hình phạt tiền, không tước tự do là hợp lý hơn.

Trong khi đó, hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung theo quy định hiện hành chưa phát huy được tác dụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Trên thực tế có nhiều vụ án, các bị cáo chiếm đoạt một số lượng tài sản của Nhà nước, tòa án đã áp dụng mức hình phạt rất cao nhưng không thể thu hồi hoặc thu hồi không đáng kể. Việc phạt tiền sẽ góp phần thu hồi tài sản bị gây thiệt hại, tạo điều kiện cho bị cáo khắc phục hậu quả gây ra.

Vì vậy, tòa án các cấp cần tăng cường áp dụng hình phạt tiền thay cho phạt tù đối với các vụ án ít nghiêm trọng, tội phạm về tham nhũng, kinh tế. Khi đó, nếu bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội ít nghiêm trọng, đặc biệt là chứng minh được khả năng tài chính thì tòa án nên tuyên phạt tiền thay vì phạt tù.

Điều này vừa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa thể hiện tính nhân văn trong chính sách hình sự của Nhà nước ta.

Thực tế trong BLHS 2015 có nhiều tội được thay hình phạt tù bằng hình phạt tiền như: khoản 1 điều 135 là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; khoản 1 điều 155 là tội làm nhục người khác; khoản 1 điều 165 là tội xâm phạm quyền bình đẳng giới...

Tuy nhiên, chưa có tòa án nào áp dụng khi tuyên án.

PHẠM QUỐC CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên