26/03/2015 10:39 GMT+7

​Giảm phạt tù, tăng phạt tiền

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 25-3 tại tỉnh Hòa Bình, hội thảo “Một số định hướng cơ bản của dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi)” đã kết thúc với sự đồng thuận cao về nhận thức cần phải giảm hình phạt tù, mở rộng hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tiền đối với các tội ít nghiêm trọng.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nguyễn Phong Hòa phát biểu tại hội thảo về dự án sửa đổi Bộ luật hình sự - Ảnh: Lê Kiên.

Đại diện cơ quan soạn thảo dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết định hướng lần này là sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng hình phạt theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng hình phạt ngoài tù.

Đáng chú ý nhất là việc mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm ít nghiêm trọng.

Theo đó, số khoản tại các quy định phạt tiền là hình phạt chính trong dự thảo luật tăng từ 76 khoản lên 115 khoản so với quy định hiện hành.

“Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng. Đồng thời nhằm tăng tính cưỡng chế và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa của hình phạt tiền, dự thảo quy định trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị kết án không chấp hành hình phạt tiền thì hình phạt tiền chuyển thành hình phạt tù có thời hạn” - ông Tụng nói.

Tương tự, dự thảo cũng quy định theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với cả tội rất nghiêm trọng do vô ý, đồng thời quy định trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù có thời hạn theo tỉ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ bằng một ngày tù nhằm tăng tính cưỡng chế và ý nghĩa răn đe.

Bổ sung quy định về trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ; thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá bốn giờ trong một ngày và không quá năm ngày trong một tuần.

Thành viên tổ biên tập dự án, TS Trần Văn Dũng - phó vụ trưởng pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp - cho biết trong quá trình thảo luận, hội thảo, biên tập dự thảo luật này, có nhiều ý kiến phản đối quy định quy đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù.

Lý do được đưa ra là người phạm tội giàu có thì người ta “ném” tiền ra là xong, còn người nghèo phạm tội mà không có tiền nộp sẽ phải đi tù.

“Chúng tôi cho rằng tất cả phương án đều có mặt yếu, mặt mạnh. Chúng tôi đang tính đến phương án là người phạm tội cố tình không chấp hành hình phạt tiền (ví dụ có ôtô, có nhà lầu, có tài sản nhưng không chịu chấp hành bản án) thì cho phép tòa án được chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù” - ông Dũng nói.

Từ quá trình hoạt động thực tiễn tại địa phương, ông Trần Đình Sơn cho rằng khung hình phạt quy định trong Bộ luật hình sự của chúng ta hiện nay quá rộng. Việc quy định khung hình phạt rộng rất dễ bị lạm dụng để xử “nặng” hoặc “nhẹ”.

“Có nhiều nước, như Đan Mạch chẳng hạn, người ta quy định rõ ràng là tội này, vi phạm mức này thì bao nhiêu năm tù chứ người ta không đưa ra khung. Bộ luật hình sự của nhiều nước người ta duy trì hàng trăm năm mới sửa đổi, còn luật của chúng ta tuổi thọ ngắn, vô hình trung làm cho hiệu lực pháp luật của chúng ta thấp đi” - ông Sơn bình luận.

Ông Nguyễn Thành Bộ đồng tình với quan điểm này và đề nghị: “Phải xây dựng khung hình phạt hẹp, bây giờ quy định khung 7-15 năm, rồi thì 20 năm, chung thân hoặc tử hình... thì tòa tuyên thế nào cũng đúng, nhưng dư luận vẫn nói tòa xử quá “nhẹ” hoặc quá “nặng”. Nếu để khung rộng như vậy thì đúng là dễ bị áp dụng tùy tiện và dễ bị lạm dụng”.

Dự án luật sẽ tiếp tục được Bộ Tư pháp tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh sửa trước khi trình Quốc hội xem xét.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên