Tiêm ngừa viêm gan siêu vi B cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện phụ sản Hùng Vương - Ảnh: N.C.T.
TS Trần Công Duy Long, phó trưởng khoa ngoại gan - mật - tụy Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết một bé gái 5 tuổi được đưa đi khám, bà mẹ đưa kết quả siêu âm gan của bé gái cho bác sĩ xem thì bác sĩ thấy gan của bé đã mọc đầy những khối u. Khi xem kết quả này, bác sĩ biết rõ chỉ vài tháng nữa cháu bé sẽ tử vong và hiện không còn cách nào điều trị.
11 người trong gia đình cùng nhiễm
Bé gái đã mắc bệnh ung thư gan do trước đó bé bị viêm gan siêu vi B. Căn bệnh này bị lây từ người mẹ. Còn người mẹ thì bị lây bệnh trong những lần đi xăm chân mày, xăm môi ở những nơi không đạt tiêu chuẩn và đã bị nhiễm viêm gan siêu vi B qua máu. Trước lúc sinh con, người mẹ không khám sức khỏe trước sinh, không biết thông tin về chủng ngừa sau khi sinh cho con mình.
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng đã từng điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan do trước đó mắc bệnh viêm gan siêu vi B. Nhờ sự tư vấn của bác sĩ, các thành viên trong gia đình đi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện 11 anh em trong nhà đều mắc viêm gan siêu vi B. Trong số đó, có bốn người đã tiến triển thành xơ gan, hai người đã xuất hiện khối ung thư.
Theo TS Long, ung thư gan thường bị phát hiện trễ do bệnh này không có triệu chứng. Khối bướu trong gan cứ lớn lên cho đến khi đạt kích thước to, lúc ấy bệnh nhân mới cảm thấy đau tức.
TS Long kể khi khám bệnh bác sĩ chỉ cần hỏi: "Sao anh, chị lại biết bệnh?", bệnh nhân nào trả lời: "Tôi thấy đau, tức nên đi kiểm tra" là bác sĩ đoán được khối bướu trong gan đã có kích cỡ 10cm trở lên.
Còn những bệnh nhân trả lời: "Tôi đang điều trị viêm gan, bác sĩ điều trị khuyên tôi nên đi siêu âm định kỳ 3 tháng/lần" thì bác sĩ đoán khối u mới chỉ có kích thước 2-3cm và khả năng điều trị khỏi cho bệnh nhân này sống qua 5 năm là 70%.
Chọn cách trị tốt nhất
Hiện có nhiều cách để điều trị cho bệnh nhân ung thư gan như mổ, đốt, ghép gan, bơm hóa chất... Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân, các bác sĩ đại diện cho các phương pháp điều trị khác nhau sẽ ngồi lại để lựa chọn ra cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Ở Việt Nam, có đến 70% trường hợp ung thư gan là do viêm gan siêu vi B và 20% là do viêm gan siêu vi C, còn ở châu Âu 70% là do viêm gan siêu vi C và chỉ có 20% là do viêm gan siêu vi B. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là do trước đây nước ta tổ chức chích ngừa viêm gan siêu vi B chưa tốt. Ngoài việc chích ngừa chưa tốt, những đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ trong cộng đồng xem có bị viêm gan siêu vi B hay C hay không, có kháng thể hay không để đi chích ngừa hiện cũng chưa được đưa vào một cách thường quy.
Viêm gan siêu vi B đã có thuốc điều trị (dù tỉ lệ kháng thuốc cũng còn khá cao), 95% những người bị viêm gan siêu vi C cũng được điều trị hết. Nếu chích ngừa đầy đủ và kiểm tra sức khỏe định kỳ tốt thì đến 30 năm sau, người mắc bệnh ung thư gan của nước ta sẽ ở mức giống như châu Âu hiện nay.
Theo các bác sĩ, chủng ngừa viêm gan hiệu quả sẽ giúp người dân không bị nhiễm viêm gan siêu vi B. Đối với các bệnh nhân đã bị viêm gan siêu vi B hoạt động, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả có thể giúp bệnh nhân khỏi hẳn bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp siêu vi kháng thuốc, cơ thể không thể loại trừ hoàn toàn siêu vi trong máu, bệnh sẽ tiến triển thành viêm gan mãn tính và xơ gan. Đây là những đối tượng có khả năng sẽ mắc bệnh ung thư gan nên cần tầm soát định kỳ mỗi 3-6 tháng bằng siêu âm và xét nghiệm máu để có thể phát hiện ung thư sớm và còn khả năng điều trị triệt để.
Không xem thường viêm gan siêu vi B, C
Nguyên nhân chính của bệnh ung thư gan hiện nay hầu hết là do người bệnh mắc bệnh viêm gan siêu vi B và C trước đó. Trên thế giới đã có thống kê cứ 100 trường hợp mắc bệnh ung thư gan thì có đến 80-90 trường hợp mắc viêm gan siêu vi B và C.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận