27/02/2018 10:41 GMT+7

Đột phá trong điều trị ung thư gan

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - TS Trần Công Duy Long, phó trưởng khoa ngoại gan - mật - tụy Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, đã tạo ra nhiều dấu ấn cho ngành y tế Việt Nam trong phẫu thuật nội soi cắt gan, tụy.

Đột phá trong điều trị ung thư gan - Ảnh 1.

BS Trần Công Duy Long (thứ 2 từ phải qua) phẫu thuật gan cho một bệnh nhân trưa 26-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Một ngày đầu năm 2018, gặp BS Trần Công Duy Long tại căn phòng hội chẩn của khoa bác sĩ đang làm việc. BS Duy Long kể mỗi tuần đều có 30-40 bệnh nhân ung thư gan mới đến khoa điều trị và đều sẽ được hội chẩn tại phòng này. Hiện có nhiều cách điều trị cho bệnh nhân ung thư gan như cắt gan, ghép gan, đốt khối u gan bằng sóng điện cao tần, bơm hóa chất vào khối u... Do vậy, cần có một đội ngũ bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa, đại diện cho các phương pháp điều trị khác nhau ngồi lại để lựa chọn cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Thích tìm hiểu cái khó

Năm 2007, sau ba năm tốt nghiệp bác sĩ nội trú, lần đầu tiên BS Duy Long được cử đi học ở Đài Loan về phẫu thuật gan. Cũng chính trong thời gian học tập ở đây, anh đã phát hiện ra lĩnh vực mà anh đang đi theo rất hay dù lúc đó ở Việt Nam ung thư gan là một bệnh rất khó điều trị, chưa có nhiều phương pháp phẫu thuật. Và anh cũng thấy rõ điều trị ung thư gan ở thế giới đã đi quá xa so với nước mình.

"Có cách nào rút ngắn khoảng cách không?", BS Long nghĩ. Sau đó, một ý tưởng đã bật ra để đến giờ BS Long cùng những đồng nghiệp, những bệnh nhân đã thừa hưởng được kết quả của nó. "Thế mạnh của y học trong nước là phẫu thuật nội soi. Tại sao lại không lấy thế mạnh này ứng dụng vào điều trị ung thư gan?". Và đó mới chỉ là ý tưởng vì lúc đó ở Đài Loan vẫn chưa thực hiện phẫu thuật nội soi cắt gan.

Sau khi từ Đài Loan trở về, BS Duy Long cùng các đồng nghiệp đã bắt đầu các ca mổ hở gan nhưng trong lòng BS luôn nuôi ý tưởng đến một ngày nào đó sẽ nội soi để cắt gan. Trong thời gian này, có một bác sĩ người Malaysia đến học phẫu thuật nội soi dạ dày, đại tràng ở bệnh viện và đã giới thiệu anh với giáo sư Michael Kendrick ở May O Clinic (Bệnh viện số 2 của Mỹ) để anh được đến học về nội soi cắt gan. Năm 2010, anh đến Mỹ và đã chứng kiến GS Michael Kendrick mổ nội soi tụy. Ca mổ chỉ diễn ra trong sáu giờ đồng hồ và thành công tốt đẹp.

"Đây chắc chắn sẽ là kỹ thuật có thể mang về ứng dụng và phát triển ở Việt Nam", anh nghĩ. Đó là khoảnh khắc rất hạnh phúc trong nghề với một bác sĩ đam mê học hỏi như anh. Sau này, Bệnh viện Đại học Y dược đã là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam dùng phẫu thuật nội soi phẫu thuật cắt khối tá tụy. Nhiều bác sĩ từ nhiều nước đã đến Bệnh viện Đại học Y dược để học về kỹ thuật mổ này.

Năm 2011, BS Duy Long tiếp tục được qua Bệnh viện ASAN của Hàn Quốc học kỹ thuật mổ hở gan. Kỹ thuật mổ hở gan ở Hàn Quốc có đẳng cấp hơn hẳn so với Đài Loan. Tại đây, một bác sĩ Hàn Quốc đã tặng anh một cuốn sách của bác sĩ người Nhật về kỹ thuật mổ gan mới. Anh đọc ngấu nghiến suốt ngày đêm và ngẫm "Mình sẽ về làm nội soi gan theo cách này". Dù Hàn Quốc mổ hở gan đẳng cấp đến vậy nhưng ở thời điểm ấy, phẫu thuật nội soi về gan cũng chưa phát triển mạnh.

Khi về Việt Nam, anh cùng với PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, bắt đầu phẫu thuật nội soi cắt gan bằng kỹ thuật mới. Khi thực hiện xong anh mới thấy nó đơn giản hơn tất cả các kỹ thuật trước đây. Phẫu thuật nội soi cắt gan được xem là phương pháp điều trị triệt để ít xâm lấn, giúp người bệnh ít đau, giảm biến chứng, phục hồi nhanh. 70% bệnh nhân sống được qua 5 năm. Anh đã bắt đầu mổ liên tục cho các bệnh nhân.

Mong có sự thay đổi trong cộng đồng

"Đôi khi trong nghề y không nhất thiết phải mổ nội soi cắt gan hay làm những việc gì to tát, chỉ cần chia sẻ được với bệnh nhân, an ủi thân nhân người bệnh cũng đã mang đến cho bác sĩ niềm hạnh phúc và tình yêu nghề" - BS Duy Long chia sẻ. Anh tự nhận mình là một người sống tình cảm. Anh rưng rưng kể về một cậu bé lam lũ đứng trước phòng cấp cứu khóc thảm thiết vì lo lắng cho người anh trai bị gãy xương, hay một bé gái mới 5 tuổi đã mắc bệnh ung thư gan nhưng khi phát hiện ra bệnh thì khối u đã mọc đầy gan nên không có cách nào điều trị được...

Trong mắt nhiều đồng nghiệp, BS Duy Long là một bác sĩ khó tính trong phòng mổ. Anh chia sẻ rằng do chuyên "ôm" các ca nặng nên thường stress. Anh lại là người cầu toàn, mong muốn hoàn thiện nên trong ca mổ anh luôn đòi hỏi đồng đội tập trung cao.

BS Duy Long cho rằng công việc phẫu thuật của anh chỉ là giải quyết sự vụ, còn "gốc rễ" của vấn đề cũng là điều mà anh mong muốn lớn nhất trong tương lai là sự thay đổi trong cộng đồng về ý thức chủng ngừa viêm gan siêu vi B, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh viêm gan, tầm soát phát hiện sớm ung thư gan ở những người có nguy cơ...

Tận tâm với người bệnh

PGS.TS Trương Quang Bình, phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nhận xét: "BS Trần Công Duy Long xứng đáng là thế hệ kế thừa của những người thầy đi trước và phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ. Hiện nay, Duy Long là một trong những bác sĩ phẫu thuật nổi bật của khoa ngoại gan - mật - tụy của bệnh viện và là một nhân tố chủ lực trong chương trình ghép gan mà bệnh viện sẽ tiến hành trong năm 2018. BS Duy Long luôn đam mê, sáng tạo trong nghề nghiệp, tâm huyết triển khai hiệu quả phẫu thuật nội soi cắt gan, luôn tận tâm, tận lực với người bệnh".

Giải nhất video về phẫu thuật nội soi cắt gan

Năm 2017, lần đầu tiên Hội Phẫu thuật nội soi cắt gan thế giới tổ chức hội nghị tại Paris (Pháp). Tại đây, BS Duy Long và nhóm nghiên cứu đã tham dự báo cáo và được trao giải nhất video về phẫu thuật nội soi cắt gan.

Đến nay, đã có nhiều bác sĩ ở nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore, Philippines, Ấn Độ... đã đăng ký đến Bệnh viện Đại học Y dược để học về kỹ thuật này.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên