Ảnh chụp sao Hỏa từ tàu Viking Orbiter vào năm 2013 - Ảnh: CalTech
Đài CNN cho biết ông Levin đã đăng một bài báo khoa học nêu giả thiết trên trong tạp chí Scientific American vào tuần trước. Ông thuộc nhóm tiến hành kiểm tra lại các phát hiện từ thí nghiệm năm 1976 của tàu thăm dò đổ bộ Viking trên sao Hỏa.
Trong bài báo này, cựu khoa học gia NASA cho rằng kết quả của thí nghiệm năm 1976, nhằm xác định chất hữu cơ trong đất sao Hỏa, có thể là bằng chứng về sự sống trên hành tinh Đỏ.
Trong thí nghiệm, tàu Viking đã tiêm dưỡng chất có chứa phóng xạ carbon vào các mẫu đất thu thập trên sao Hỏa. Nếu sự sống tồn tại thì nó sẽ tiêu thụ dưỡng chất và để lại dấu vết của sự trao đổi chất thông qua các phó phẩm có vết phóng xạ.
Thử nghiệm được lặp lại sau khi nung đất nóng lên để chứng minh sự sống trong đất sao Hỏa bị tiêu diệt trong môi trường nhiệt độ cao.
Nếu có thể phát hiện phản ứng trao đổi chất trong mẫu đầu tiên và không phát hiện phản ứng trao đổi trong mẫu thứ hai thì có nghĩa là có các sinh vật siêu nhỏ đã làm điều đó.
Khoa học gia Levin cho biết đó chính xác là những gì đã xảy ra trong các thí nghiệm trên. "Có vẻ như chúng tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi về sự sống trên sao Hỏa" - ông Levin viết trong bài báo.
Tuy nhiên, các thí nghiệm khác lại thất bại khi không thể tìm thấy bất kỳ vật chất hữu cơ nào. Vì vậy, NASA đã bác bỏ kết quả dương tính của thí nghiệm, gọi đó là dương tính giả và cho rằng đó là một số phản ứng hóa học chưa biết bên ngoài Trái đất.
"NASA kết luận rằng thí nghiệm đã phát hiện một chất có khả năng bắt chước sự sống nhưng không phải là sự sống" - ông Levin thông tin.
Bức ảnh chụp gần đây của tàu thăm dò Curiosity về địa điểm hiện tại của robot này trên sao Hỏa - Ảnh: NASA
Ông Levin thừa nhận ông không thể giải thích được vì sao trong suốt 43 năm kể từ sau Viking, không một tàu đổ bộ sao Hỏa nào của NASA mang theo một công cụ giúp phát hiện sự sống để thực hiện lại thí nghiệm và theo dõi các kết quả thú vị này.
Mãi cho đến năm 2018 mới bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu hứa hẹn khi robot thăm dò Curiosity của NASA phát hiện chất hữu cơ trên sao Hỏa. Tuần trước robot này cũng vừa phát hiện trầm tích, giúp suy ra rằng từng có các hồ nước mặn cổ xưa trên bề mặt sao Hỏa.
"Bằng chứng nào chống lại khả năng có sự sống trên sao Hỏa? Sự thật đáng kinh ngạc là không có gì chống lại cả" - ông Levin nhận định. Ông và cộng sự Ann Straat đang kêu gọi NASA kiểm tra thêm các thí nghiệm năm 1976.
NASA cũng đã có kế hoạch phóng tàu thăm dò lên sao Hỏa vào mùa hè năm 2020. Dự kiến con tàu, mang theo thiết bị phát hiện sự sống trên sao Hỏa, sẽ hạ cánh xuống bề mặt hành tinh Đỏ vào tháng 2-2021.
Bên cạnh nhiệm vụ tìm kiếm sự sống, con tàu thăm dò cũng được giao một nhiệm vụ quan trọng khác là thử sản xuất oxy trên sao Hỏa và quan sát thời tiết của hành tinh này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận