12/12/2024 14:37 GMT+7

Phát hiện quần thể tiểu hành tinh siêu nhỏ trong Hệ Mặt trời

Dù có kích thước nhỏ nhưng các tiểu hành tinh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn, đặc biệt khi bị lực hấp dẫn từ sao Hỏa và sao Mộc làm lệch khỏi quỹ đạo.

Phát hiện quần thể tiểu hành tinh siêu nhỏ trong Hệ Mặt trời - Ảnh 1.

Vụ trụ còn rất nhiều điều con người chưa thể khám phá - Ảnh do kính thiên văn Hubble của NASA chụp

Nhóm nghiên cứu thiên văn tại Đại học Liège của Bỉ cùng các đồng nghiệp quốc tế vừa công bố phát hiện quần thể 138 tiểu hành tinh nhỏ nhất từng được ghi nhận giữa sao Hỏa và sao Mộc. Đây là những thiên thể có đường kính chỉ khoảng 10 mét, nhóm nhỏ nhất từng được quan sát trong khu vực vành đai tiểu hành tinh.

Phát hiện này được thực hiện nhờ vào kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) của NASA, công cụ có độ nhạy cực cao trong quan sát ánh sáng hồng ngoại.

Ban đầu những hình ảnh này được chụp để nghiên cứu hệ ngoại hành tinh Trappist, nhưng sau khi phân tích lại, chúng mang đến kết quả vượt ngoài mong đợi: một quần thể tiểu hành tinh chưa từng được biết đến.

Ông Emmanuel Jehin, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Liège, cho biết trước đây chỉ có thể phát hiện và ghi nhận những tiểu hành tinh lớn hơn 1km trong vành đai chính. Việc phát hiện các tiểu hành tinh nhỏ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc thiên thạch rơi xuống Trái đất và cải thiện khả năng bảo vệ hành tinh khỏi các mối đe dọa từ không gian.

Dù có kích thước nhỏ nhưng các tiểu hành tinh - thiên thể vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn, đặc biệt khi chúng bị lực hấp dẫn từ sao Hỏa và sao Mộc làm lệch khỏi quỹ đạo ổn định. Ước tính có khoảng 50 triệu tiểu hành tinh đường kính 1m tồn tại trong không gian, với tần suất trung bình cứ hai tuần lại có một tiểu hành tinh va chạm vào Trái đất. 

Đối với những tiểu hành tinh lớn hơn, đường kính khoảng 10m, nguy cơ va chạm giảm xuống nhưng vẫn xảy ra trung bình một lần mỗi thập kỷ.

Marco Micheli, chuyên gia tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), cho biết nhờ JWST, các nhà khoa học có thể tính toán chính xác quỹ đạo của các tiểu hành tinh này từ khoảng cách rất xa, giúp cải thiện khả năng dự báo và ứng phó trước các mối đe dọa.

Phát hiện này đã mở ra những giải pháp mới trong việc bảo vệ Trái đất. Hiện nay các nhà khoa học đã phát triển những phương pháp làm thay đổi quỹ đạo của các thiên thể có nguy cơ va chạm, chẳng hạn như thí nghiệm thành công gần đây trên một tiểu hành tinh thực tế.

Tuy nhiên, phần lớn các nỗ lực này vẫn tập trung vào những tiểu hành tinh lớn, trong khi các tiểu hành tinh nhỏ hơn, vốn chiếm số lượng áp đảo, lại chưa được quan tâm đúng mức.

Nhóm nghiên cứu cho rằng các tiểu hành tinh vừa phát hiện có thể chứa các đặc điểm độc đáo. Một số có khả năng trở thành vật thể gần Trái đất, thậm chí có thể là "Trojan" - tiểu hành tinh di chuyển cùng quỹ đạo với sao Mộc.

Thomas Müller, nhà nghiên cứu tại Viện Max-Planck (Đức), nhận định những dữ liệu từ JWST không chỉ giúp phát hiện các tiểu hành tinh nhỏ, mà còn mở ra cánh cửa hiểu biết về cách chúng hình thành và tồn tại qua các va chạm không gian.

Còn Julien de Wit, nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), chia sẻ rằng nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi số lượng tiểu hành tinh được phát hiện vượt xa dự đoán ban đầu. Theo ông, điều này cho thấy họ đang tiếp cận một quần thể tiểu hành tinh mới, hình thành từ những chuỗi va chạm liên tiếp trong vũ trụ.

Những kết quả này cho thấy tiềm năng to lớn của kính viễn vọng James Webb trong việc khám phá vũ trụ và bảo vệ "hành tinh xanh".

Phát hiện quần thể tiểu hành tinh siêu nhỏ trong Hệ Mặt trời - Ảnh 2.Tiểu hành tinh khổng lồ vừa bay qua Trái đất

Tiểu hành tinh 2020 XR có kích thước 300-700m, có thể tạo ra những tác động khủng khiếp nếu không may va chạm với Trái đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên