28/01/2021 05:21 GMT+7

Phát hiện nhiều trường hợp dùng giấy xét nghiệm COVID-19 giả khi nhập cảnh

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Trong khi nhiều nước buộc phải tăng cường biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, một số du khách đã làm giả giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính COVID-19 để lách các quy định này.

Phát hiện nhiều trường hợp dùng giấy xét nghiệm COVID-19 giả khi nhập cảnh - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia đang áp dụng chính sách buộc du khách phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi khởi hành mới được nhập cảnh - Ảnh: AP

Đại dịch COVID-19 và những quy định phòng dịch liên quan đã phơi bày một bộ phận hành khách cần bị lên án. Đó là những người trốn cách ly, không chịu đeo khẩu trang và tìm đủ chiêu trò lừa gạt nhà chức trách.

Và trường hợp gian lận đáng lên án nhất chính là những người làm giả giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19.

Có cầu ắt có cung

Từ cuối năm ngoái, truyền thông quốc tế đã cảnh báo về sự xuất hiện của thị trường chợ đen hoạt động ngầm và đang sôi động dần lên chuyên bán các giấy tờ giả chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Theo trang Insider, kể từ cuối năm ngoái nhà chức trách đã phát hiện một số vụ dùng giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 giả tại nhiều nước, từ Brazil tới Bangladesh.

Tháng 10-2020, bốn du khách Brazil đi máy bay riêng bị bắt tại quần đảo Fernando de Noronha vì tội chỉnh sửa kết quả xét nghiệm. Cũng trong tháng 10, báo Lancashire Telegraph đăng câu chuyện về một người đàn ông tuyên bố đã làm giả giấy tờ xét nghiệm và bay thành công tới Pakistan.

Tờ Lancashire Telegraph cũng tố cáo một số trường hợp rao bán giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 giả ở Anh với giá 197 USD, thậm chí có nhân viên hãng lữ hành còn đề nghị làm giả kết quả xét nghiệm cho khách với giá 66 USD.

Tháng 11-2020, cảnh sát Pháp bắt 7 người tại sân bay Paris vì chào bán kết quả xét nghiệm COVID-19 giả với giá 180 - 360 USD/người cho du khách. Các đối tượng này đều đối mặt với mức phạt tiền lớn và có thể bị phạt tù lên tới 5 năm.

Trang Vice đã trao đổi với hai hành khách từng làm giả kết quả xét nghiệm COVID-19 và đã sử dụng trót lọt. Họ nói đã dùng các phần mềm chỉnh sửa ảnh như Photoshop hay Paint của Microsoft để thay đổi ngày tháng trên giấy xét nghiệm COVID-19.

Sau đó, họ trình giấy tờ đã sửa lại này trước khi lên máy bay. Trong cả hai trường hợp, họ đã qua mặt được nhà chức trách và không gặp bất cứ hậu quả pháp lý nào.

Tình trạng sử dụng giấy tờ xét nghiệm giả để vượt cửa ải phòng dịch tại cửa khẩu các nước trong đại dịch COVID-19 được truyền thông quốc tế ghi nhận vẫn đang diễn ra trong năm nay. Ngay đầu tháng 1-2021, tại sân bay ở Croatia và Thụy Sĩ, nhà chức trách đã phát hiện các trường hợp cố ý dùng kết quả xét nghiệm giả để nhập cảnh.

Và đáng lo hơn, đó chỉ là những trường hợp "đã bị lộ".

Chống làm giả ra sao?

Những người làm giả giấy tờ thường viện cớ không có thời gian làm xét nghiệm trong khi cần phải đi gấp.

Theo ghi nhận của trang Vice (có xác nhận từ một đại diện của Hiệp hội Airlines for America), các nhân viên được giao nhiệm vụ xác minh giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 của hành khách chưa được đào tạo những kỹ năng để làm việc này.

Trong khi đó, thách thức liên quan tới khâu xác thực tài liệu này khá đa dạng. Chẳng hạn, liên quan tới việc đi lại hàng không quốc tế, các giấy tờ xét nghiệm cũng được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Các nhân viên hải quan không phải lúc nào cũng có đủ thời gian để kiểm tra kỹ lưỡng mọi tài liệu trình ra với họ.

Từ thực tế này, trang web chuyên về thông tin du lịch Frommers cho rằng một quy trình được chuẩn hóa để xác minh kết quả xét nghiệm COVID-19 của hành khách sẽ giải quyết rốt ráo "lỗ hổng" này.

Hiện có nhiều ứng dụng số thay cho tài liệu giấy (dễ bị làm giả hơn) đang được thiết kế để xác minh kết quả xét nghiệm của hành khách, giúp giảm thiểu cơ hội gian lận.

Chẳng hạn, các hệ thống như CommonPass (do Diễn đàn Kinh tế thế giới bảo trợ) và IATA Travel Pass (của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế) đều cho phép hành khách tải lên thông tin sức khỏe và kết quả xét nghiệm của họ một cách an toàn.

Khi dữ liệu của họ được hệ thống xác thực, mỗi hành khách sẽ nhận được một mã QR riêng trong điện thoại để có thể trình tại các biên giới, cửa khẩu khi nhập cảnh.

Với cách đó, các nhân viên kiểm soát chỉ cần quét mã vạch điện tử, loại bỏ những thủ tục kiểm soát giấy tờ rườm rà nhưng lại có nguy cơ sót lọt cao vì gian lận. Trong tương lai, các hệ thống vừa nêu dự kiến cũng sẽ tích hợp thêm thông tin về tình trạng tiêm phòng vắc xin của hành khách.

Dĩ nhiên ngay cả với giải pháp này vẫn còn nguy cơ các tin tặc có thể tìm cách xâm nhập hoặc đánh lừa hệ thống, song để làm như vậy cũng khó khăn hơn nhiều.

Nhiều nước yêu cầu giấy xét nghiệm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tới nay biến thể virus corona ở Anh được cho là lây nhiễm nhanh hơn chủng ban đầu được phát hiện tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với đó, ít nhất 23 nước đã phát hiện ca mắc biến thể virus corona ở Nam Phi.

Bởi vậy, ngày càng có thêm nhiều nước ban hành quy định buộc hành khách phải trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona trước khi lên máy bay.

Từ ngày 26-1, mọi hành khách đến Mỹ (từ 2 tuổi trở lên), bao gồm cả công dân Mỹ và thường trú nhân, đều phải trình giấy chứng nhận này để được nhập cảnh.

Thông thường hành khách được yêu cầu phải làm xét nghiệm PCR trong vòng tối đa 72 giờ trước khi khởi hành. Các xét nghiệm PCR được xem là "tiêu chuẩn vàng" trong xét nghiệm virus.

Chưa phát hiện chứng nhận âm tính giả ở Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-1, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Đặng Quang Tấn cho biết có thông tin về giấy chứng nhận âm tính với COVID-19 giả trên thế giới nhưng chưa phát hiện trường hợp nào tại Việt Nam.

Theo ông Tấn, quy định hiện hành bắt buộc người nhập cảnh cách ly tập trung đủ 14 ngày và xét nghiệm đủ 2 lần. Nếu xét nghiệm 2 lần âm tính và cách ly đủ mới được rời khu cách ly, nên không lo ngại nếu có trường hợp dùng giấy xét nghiệm giả.

L.ANH

Bốt điện thoại thành điểm xét nghiệm COVID-19 Bốt điện thoại thành điểm xét nghiệm COVID-19

TTO - Một số quốc gia đã tìm cách 'tái sinh' các bốt điện thoại này, biến chúng thành một tiệm cà phê, điểm sạc điện thoại hay thậm chí là nơi xét nghiệm COVID-19.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên