Kì nhông da cá sấu - một loài mới được phát hiện ở Việt Nam
Nhiều trong số các loài này được bán công khai ở một số chợ địa phương hoặc trên thị trường đặc sản, thông tin được các nhà khoa học của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cảnh báo ngày 19-12.
Theo các nhà khoa học, khu vực sông Mekong gồm 6 nước trải dài từ Tây Tạng đến Việt Nam là một trong những địa giới cuối cùng mà con người có thể tìm thấy các loài sinh vật mới trên Trái đất.
Trung bình cứ hai ngày lại phát hiện được 1 loài sinh vật mới trong vùng Mekong.
Theo WWF, năm 2016, các nhà khoa học đã xác định được 115 loài động vật mới ở khu vực sông Mekong, trong đó có 11 loài lưỡng cư, 2 loài cá, 11 loài bò sát, 88 loài thực vật và 3 loài động vật có vú sau một quá trình định loại, định danh kéo dài.
Trong số đó có một loài lưỡng cư hiếm gặp - kì nhông da cá sấu, sống chủ yếu trong rừng núi phía Bắc Việt Nam. Các nhà khoa học đã phải mất nhiều năm mới xác định được đây là một loài mới, khác một loài kì nhông được phát hiện năm 2003.
Tuy nhiên WWF cảnh báo nhiều loài trong số các sinh vật mà giới khoa học mới phát hiện này đang phải đấu tranh sinh tồn trong các môi trường sống đang ngày càng bị thu hẹp và đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, một phần do chúng là món ăn của con người.
WWF kêu gọi chính phủ các nước tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ các loài động vật quý hiếm khỏi nạn săn bắt động vật hoang dã.
Sau đây là hình ảnh một số loài mới - được xác định bởi các nhà khoa học của WWF:
Một con ếch nhiều màu, gọi là Odorrana Mutschmanni, sống ở vùng núi đá vôi ở Đông Bắc Việt Nam.
Chuột chũi, được gọi tên là Euroscaptor orlovi, là một trong hai loại chuột chũi được phát hiện ở Việt Nam. Theo các nhà khoa học, cái mũi dùng để đào đất có tác dụng bảo vệ cho loài này.
Một loài dơi - có mặt như móng ngựa, được gọi là Rhinolophus monticolus được tìm thấy ở vùng đông bắc Thái Lan.
Rùa mai mềm, chủ yếu ăn ốc, được gọi là Malayemys isan, một trong các loài mới được bán ở chợ địa phương ở vùng đông bắc Thái Lan.
Một loài cá mới, gọi là Schistura kampucheensis, được phát hiện ở Campuchia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận