Theo báo Mainichi, thông tin do nhóm khảo sát của Quỹ Nippon và Đại học Tokyo công bố vào ngày 21-6.
Cuộc khảo sát trên 100 địa điểm dưới đáy biển đã được nhóm thực hiện trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2024, sử dụng phương tiện vận hành từ xa tại độ sâu 5.200 - 5.700m. Kết quả khẳng định khu vực này có mật độ dày khoảng 230 triệu tấn quặng mangan trên diện tích khoảng 10.000 km2.
Các mẩu quặng mangan chứa kim loại hiếm như cobalt và nickel, có đường kính từ 5 đến hàng chục cm, được cho là đã hình thành qua hàng triệu năm vận động và tích tụ dưới đáy biển.
Nhóm nghiên cứu ước tính mỏ chứa khoảng 610.000 tấn cobalt, đủ để cung cấp cho mức tiêu thụ của Nhật Bản trong khoảng 75 năm. Cùng với đó là khoảng 740.000 tấn nickel, tương đương với mức tiêu thụ trong khoảng 11 năm.
Nhóm dự kiến bắt đầu khai thác thử nghiệm các mỏ quặng mangan này từ năm 2025 với mục tiêu thương mại hóa.
Giáo sư Yasuhiro Kato, chuyên ngành địa chất tài nguyên tại Đại học Tokyo, cho biết: "Những tài nguyên này rất quan trọng cho an ninh kinh tế. Chúng tôi đặt mục tiêu khai thác 3 triệu tấn mỗi năm, tiến hành khai thác đồng thời với việc giảm thiểu tác động đến môi trường biển".
Cuộc khảo sát vào năm 2016 của nhóm các thành viên từ Đại học Tokyo và Cơ quan Khoa học và Công nghệ biển - Trái đất Nhật Bản, đã lần đầu tiên phát hiện nồng độ quặng mangan ở khu vực này.
Cuộc khảo sát mới nhất cũng tìm thấy nhiều quặng mangan hình thành xung quanh răng của loài cá mập thời tiền sử Megalodon - loài cá mập lớn nhất từng được biết đến trên Trái đất.
Đảo Minamitori cách thủ đô Tokyo khoảng 1.800km. Nơi đây không có dân thường sinh sống, mà chỉ có nhóm cư dân duy nhất là các thành viên Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản và nhân viên chính phủ.
Có nhiều kỳ vọng rằng các loại khoáng sản đất hiếm, trong đó có những khoáng sản cần thiết cho những sản phẩm công nghệ cao, có thể được tìm thấy dưới đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 430.000km2 bao quanh đảo Minamitori.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận