Ông Nguyễn Tấn Tuân - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho hay chương trình "Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh" hướng tới mục tiêu tạo chuyển biến trong xã hội, phổ cập tiếng Anh đến toàn dân trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ cho mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương và hướng đến thành phố kiểu mẫu của châu Á…
"Việc tổ chức thực hiện các chương trình học tập tiếng Anh phải thực chất, hiệu quả, đi vào từng cơ quan quản lý nhà nước, các trường học, cơ sở kinh doanh, khu du lịch, khu thương mại dân sinh; phải có lộ trình cụ thể, tránh tình trạng hình thức… ", ông Tuân nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tâm (58 tuổi, tiểu thương chợ Xóm Mới, TP Nha Trang) chia sẻ việc triển khai chương trình "Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh" sẽ mang lại những thuận lợi cho các tiểu thương như ông, vì trước nay ông hầu như chỉ ra hiệu khi trao đổi với khách nước ngoài trong mua bán.
Ông cũng mong muốn sẽ có cách dạy đơn giản, dễ hiểu nhất và cần phải dạy lặp lại vì những tiểu thương lớn tuổi như ông tiếp thu sẽ chậm hơn người trẻ.
"Buôn bán toàn chỉ trỏ, ra hiệu nên học tiếng Anh rất cần thiết. Nhưng tôi muốn học những từ liên quan đến việc buôn bán của tôi thôi vì sợ nhớ không hết. Với nữa, học là phải nói ngay thực tế luôn, chứ học mà để không vậy thì kiến thức cũng đi hết", ông Tâm chia sẻ.
Theo ông Trần Minh Đức - phó giám đốc Công ty du lịch Long Phú, chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, việc triển khai tiếng Anh trong toàn dân sẽ tạo sự thuận lợi trong việc mua bán, trao đổi, kịp thời hỗ trợ du khách.
"Để nhân rộng chương trình này ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng phải có ý thức, động lực học, trước hết để giúp bản thân mình.
Tôi mong khi đến bất kỳ khu chợ, cửa hàng nào người dân giao tiếp ổn bằng tiếng Anh sẽ để lại ấn tượng cho du khách", ông Đức nói.
Triển khai "Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh" theo lộ trình
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trong giai đoạn 1 (2022 - 2023), chương trình "Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh" sẽ phát động phong trào học tiếng Anh thí điểm đối với hai địa phương là TP Nha Trang và huyện Cam Lâm.
Đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên; người lao động có tương tác với khách du lịch nước ngoài; người dân tiểu thương; cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước.
Trong giai đoạn 2 (2023 - 2024), sẽ duy trì hoạt động, phong trào tiếng Anh tại hai địa phương đã thí điểm ở giai đoạn 1.
Đồng thời, xây dựng phương án, phát động phong trào học tiếng Anh tại bốn địa phương mới gồm TP Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh và huyện Vạn Ninh.
Trong giai đoạn 3 (2024 - 2025), sẽ duy trì hoạt động, phong trào tiếng Anh tại sáu địa phương đã thí điểm ở hai giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án, phát động phong trào học tiếng Anh tại hai địa phương còn lại là huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh.
Trong giai đoạn 4 (2025 - 2026), duy trì các hoạt động, phong trào tiếng Anh tại tám địa phương đã triển khai. Ngoài ra, thực hiện mở rộng quy mô các câu lạc bộ tiếng Anh trên địa bàn toàn tỉnh.
Giai đoạn 5 (2026 - 2027), sẽ duy trì các hoạt động, phong trào học tiếng Anh trên toàn tỉnh. Giai đoạn này sẽ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chương trình.
Ngoài ra, tỉnh này sẽ xây dựng đội ngũ tình nguyện viên, các câu lạc bộ đảm bảo chất lượng; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ người học tiếng Anh.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã phân công nhiệm vụ thực hiện đối với các cơ quan, ban ngành để thực hiện chương trình.
Vingroup hỗ trợ Khánh Hòa chương trình "Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh"
Trước đó, vào 8-8-2022, UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Vingroup đã ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp triển khai chương trình "Người dân Khánh Hòa nói tiếng Anh".
Theo đó, Tập đoàn Vingroup cam kết hỗ trợ về giáo trình (xây dựng chương trình nền tảng cho từng dạng câu lạc bộ, tài liệu và bộ công cụ học tập, nội dung khảo thí, các nền tảng trực tuyến hỗ trợ học tập); hỗ trợ xây dựng năng lực (đào tạo nhân lực quản lý các câu lạc bộ tiếng Anh, đào tạo tình nguyện viên); hỗ trợ nhân lực trực tiếp (ban quản lý, đội ngũ giảng viên, giáo viên, sinh viên, tình nguyện viên, chuyên gia trong và ngoài nước); hỗ trợ truyền thông và các tài chính khác.
Ngoài ra, Trường đại học VinUni hợp tác với Trường đại học Nha Trang và Trường đại học Khánh Hòa thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh nòng cốt, tuyển tình nguyện viên, quản lý vận hành và kiểm soát chất lượng của chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận