Nhà báo Sandra Laffont trong buổi hội thảo tại trường Henri Barbusse - Ảnh: New York Times
Trong một phòng học của Trường Henri Barbusse gần Lyon, Pháp, nhóm học sinh lớp 9 chăm chú nhìn lên bảng. Trên đó có năm dòng tweet viết từ mạng xã hội Twitter. Nhiệm vụ của các em là giải mã xem chúng đáng tin hay đáng ngờ.
Các học sinh nhanh chóng tập trung vào một dòng tweet của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen, liên quan đến vụ một thiếu niên có lời lẽ đe dọa giáo viên.
Giúp học sinh phân biệt tin giả
Một học sinh cho rằng bài viết của bà Le Pen là có thể tin được vì tài khoản của bà đã được Twitter xác minh. Nhưng cô bé Samia Houbiri, 15 tuổi, thì cho rằng bà Le Pen chỉ đơn giản là muốn được chú ý.
"Bà ấy chọn một chủ đề, phóng đại mọi thứ, và rồi mọi người sẽ nói Bà ấy nói đúng, tôi nên bầu cho bà ấy", cô bé Houbiri nêu quan điểm.
Đứng trước lớp, nhà báo Sandra Laffont gật đầu đồng ý: "Đôi khi các chính trị gia có thể phóng đại thực tế vì mục tiêu của họ là thuyết phục mọi người rằng ý tưởng của họ là đúng".
Lớp học này là một phần trong thử nghiệm mới của chính phủ Pháp nhằm hợp tác với giới nhà báo và nhà giáo dục để chống tin giả trên mạng.
Bà Laffont - nhà báo của hãng Agence France-Presse ở Lyon, đã đồng sáng lập một tổ chức có tên Entre Les Lignes vào năm 2010. Nhóm này dạy học sinh hiểu về báo chí nhưng đã đưa cả nội dung "thông tin sai lệch trên internet và phương tiện truyền thông xã hội" vào chương trình.
Chính phủ xem chương trình của bà Laffont như một mô hình mẫu và kể từ năm 2017 đến nay đã cấp hàng chục ngàn euro mỗi năm để giúp nó phát triển. Hiện có 155 nhà báo tình nguyện tham gia và nhóm này đã tổ chức khoảng 500 buổi hội thảo với học sinh trong năm nay.
Laffont luôn làm cho bài học của mình đơn giản, kết hợp Twitter và YouTube. Bà cũng giải thích những điều cơ bản về cách các nhà báo thu thập và xác nhận sự thật, cũng như giúp các em có tư duy phản biện hơn đối với những gì các em nhìn thấy trên mạng.
"Chúng tôi nhận ra rằng phải quay trở lại các nguyên tắc cơ bản trước khi đề cập đến những tin tức giả mạo và thuyết âm mưu: tin tức là gì, ai tạo ra nó, làm thế nào để bạn kiểm tra các nguồn tin", bà Laffont nói.
Nên có chương trình dạy chống tin giả trong trường?
"Sàng lọc thông tin là vai trò của các em", nhà báo Laffont nhắc nhở học sinh - Ảnh: New York Times
Kể từ năm 2015, chính phủ Pháp đã tăng tài trợ cho các khóa học về những khía cạnh tiêu cực trên mạng. Khoảng 30.000 giáo viên và các chuyên gia giáo dục được chính phủ tập huấn về chủ đề này mỗi năm.
Ở một số nơi, chính quyền địa phương yêu cầu thanh niên phải hoàn thành khóa học "xóa mù" internet mới được nhận trợ cấp phúc lợi, chẳng hạn như trợ cấp hàng tháng.
Bộ Văn hóa Pháp đã tăng gấp đôi ngân sách hàng năm cho các khóa học này lên 6 triệu Euro (khoảng 6,8 triệu USD) còn Bộ Giáo dục đang bổ sung một khóa học tự chọn về internet và các phương tiện truyền thông vào chương trình giảng dạy quốc gia cho học sinh trung học.
Một số nhà giáo dục đang kêu gọi biến các khóa học này thành bắt buộc, giống như môn lịch sử và toán học.
Bên ngoài nước Pháp, các chương trình "xóa mù" internet cũng đang phát triển, nhưng phần lớn là do các hội nhóm điều hành, chẳng hạn như Dự án xóa mù tin tức ở Mỹ được tài trợ bởi các quỹ và công ty như Facebook và Google.
Các quan chức của Liên minh châu Âu mới đây cũng kêu gọi các quốc gia thành viên trong khối này hãy mở rộng các chương trình giáo dục nhằm chống lại thông tin sai lệch và can thiệp vào bầu cử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận