02/07/2024 13:20 GMT+7

Phán quyết của tòa tối cao vụ ông Trump gây tranh cãi về mở rộng quyền lực tổng thống

Tòa án tối cao Mỹ vừa đưa ra một quyết định 'bom tấn' về việc mở rộng quyền lực tổng thống. Đây là lợi thế lớn cho ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024.

Cuộc bầu cử tháng 11-2024 cũng sẽ quyết định số phận pháp lý của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Cuộc bầu cử tháng 11-2024 cũng sẽ quyết định số phận pháp lý của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Ngày 1-7, Tòa án tối cao Mỹ ra phán quyết rằng cựu tổng thống Donald Trump cũng như tất cả tổng thống được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối khỏi việc bị truy tố hình sự đối với các hành động công vụ thuộc phạm vi chức trách của mình khi còn tại vị.

Vì sao phán quyết của tòa tối cao vụ ông Trump gây tranh cãi? - Nguồn: 13WMAZ - CNN

Tuy nhiên, việc miễn trừ không áp dụng đối với những hành động theo tư cách cá nhân.

Lợi thế lớn cho ông Trump

Điều này có nghĩa rằng phiên tòa liên bang xét xử các cáo buộc ông Trump âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2020 dẫn đến bạo loạn tại Đồi Capitol năm 2021 sẽ tiếp tục bị trì hoãn.

Vụ việc sẽ được gửi về tòa án cấp dưới để xác định những hành động nào của ông Trump liên quan đến cáo buộc trên là thuộc về công vụ và những hành động nào thuộc về cá nhân, theo Hãng tin Reuters.

Như vậy, ứng cử viên tổng thống nặng ký Donald Trump nhiều khả năng sẽ không phải ra hầu tòa đối với cáo buộc này trước cuộc bỏ phiếu bầu cử tổng thống vào ngày 5-11.

Các luật sư và công tố viên của ông Trump làm việc với cố vấn đặc biệt Jack Smith sẽ được phép tranh luận về những yếu tố nào trong bản cáo trạng không bị truy tố. Đây là một quy trình yêu cầu tóm tắt bằng văn bản, tranh luận và đưa ra quyết định.

Cả hai bên cũng có thể kháng cáo lại kết quả. Chu kỳ này gần như chắc chắn sẽ kéo dài đến năm 2025.

Dù vậy, phán quyết của Tòa án tối cao hôm 1-7 không ảnh hưởng đến vụ ông Trump bị buộc tội làm sai lệch hồ sơ kinh doanh để chi tiền "bịt miệng" ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels ở New York. Cựu tổng thống Mỹ vẫn sẽ nghe tuyên án vào ngày 11-7 tới.

Ngoài ra, hiện chưa rõ phán quyết ngày 1-7 của Tòa án tối cao có ảnh hưởng đến việc truy tố ông Trump ở Florida vì bị cáo buộc giữ lại các tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng và cản trở nỗ lực của chính phủ để lấy lại số hồ sơ này hay không.

Nhiều khả năng vụ này và cáo buộc can thiệp bầu cử ở bang Georgia sẽ không thể ra tòa trước ngày bầu cử 5-11.

Như vậy, cuộc bầu cử vào tháng 11 tới sẽ không chỉ chọn ra nhà lãnh đạo tiếp theo của nước Mỹ, mà còn quyết định số phận pháp lý của ông Trump. Nếu đắc cử, ông không thể bị truy tố khi còn đương nhiệm.

Ngoài ra, nhiều người dự đoán rằng ông Trump có thể ra lệnh cho Bộ Tư pháp hủy bỏ vụ kiện chống lại mình hoặc tự ân xá cho chính ông.

Tiền lệ nguy hiểm?

Nhiều người tập trung trước Tòa án tối cao Mỹ ở Washington DC để phản đối phán quyết - Ảnh: AFP

Nhiều người tập trung trước Tòa án tối cao Mỹ ở Washington DC để phản đối phán quyết - Ảnh: AFP

Theo giới phân tích, phán quyết của tòa tối cao sẽ bất lợi cho Tổng thống Joe Biden trong nỗ lực công kích đối thủ.

"Đó là một tiền lệ nguy hiểm, bởi quyền lực của văn phòng (tổng thống) sẽ không còn bị pháp luật hạn chế. Giới hạn duy nhất sẽ do tổng thống tự đặt ra" - ông Biden nói trong phát biểu đầu tiên ở Nhà Trắng sau cuộc tranh luận tuần trước mà ông đã bị ông Trump đánh bại thuyết phục.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã chỉ trích gay gắt đối thủ Donald Trump vì liên quan đến cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6-1-2021.

Chiến dịch của ông Biden cũng chỉ trích ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa: "Ông Trump đang tranh cử tổng thống với tư cách là một tội phạm bị kết án với lý do tương tự mà ông ấy ngồi yên, trong khi đám đông tấn công dữ dội vào Điện Capitol: Ông ấy cho rằng mình đứng trên luật pháp và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giành được và nắm giữ quyền lực cho riêng mình".

Trong khi đó, phe Cộng hòa cho biết ông Trump sẽ tận dụng phán quyết như một sự "may mắn".

Các chuyên gia pháp lý cho rằng ông Trump sẽ sử dụng phán quyết để tiếp tục cố gắng kéo dài vụ án lật đổ bầu cử.

Trên thực tế, chiến thuật trì hoãn các phiên tòa là vũ khí chính của ông Trump trong cả 4 vụ án hình sự mà ông đối mặt. Đến nay, chỉ 1 trường hợp được đưa ra xét xử (vụ chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm).

Theo Washington Post, một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang cân nhắc đưa ra luật cho phép các cựu tổng thống chuyển các vụ xét xử cấp bang lên tòa án liên bang để được hưởng sự bảo vệ tốt hơn.

Ông Trump là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên phải đối mặt cáo buộc hình sự và bị truy tố trong 4 vụ án khác nhau.

Cụ thể gồm: cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh để chi tiền "bịt miệng" ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels, âm mưu lật ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2020 dẫn đến bạo loạn tại Đồi Capitol năm 2021, can thiệp bầu cử bang Georgia và cất giữ trái phép nhiều tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng. Ông Trump đã bác bỏ những cáo buộc này.

Ông Trump vẫn được phép tranh cử tổng thống sau khi bị truy tố bốn vụ án hình sự và bị kết án một trong số đó. Ba trường hợp còn lại đang chờ xử lý.

"Tôi nghĩ rất khó có khả năng, nếu không nói là không thể, bất kỳ vụ án nào còn lại chống lại tổng thống Trump được đưa ra xét xử trước ngày bầu cử, điều đó có nghĩa là tổng thống Trump sẽ có khả năng truyền tải thông điệp của mình tới người dân Mỹ như ông ấy xứng đáng" - luật sư Will Scharf của ông Trump nói.

Mời bạn đọc theo dõi chuyên trang bầu cử tổng thống Mỹ 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây.

Ông Biden nói việc ông Trump hưởng quyền miễn trừ truy tố là tiền lệ nguy hiểmÔng Biden nói việc ông Trump hưởng quyền miễn trừ truy tố là tiền lệ nguy hiểm

Ông Biden gọi phán quyết của Tòa tối cao Mỹ là tiền lệ nguy hiểm, khi cho phép ông Trump hưởng quyền miễn trừ truy tố với tất cả những hành động nằm trong thẩm quyền hiến định của tổng thống Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên