23/05/2023 20:03 GMT+7

'Phan Quốc Việt thổi giá như thế, nhưng chỉ xử vi phạm đấu thầu'

Từ thực tế các nhà thuốc, đơn vị cung cấp thiết bị y tế, đặc biệt việc thổi giá kit xét nghiệm Việt Á, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định kiểm soát giá chặt chẽ hơn mặt hàng này.

Phan Quốc Việt thổi giá như thế, nhưng chỉ xử vi phạm đấu thầu - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội dẫn ra trường hợp vụ kit xét nghiệm Việt Á để đề nghị có biện pháp quản lý kiểm soát các yếu tố hình thành giá, tránh thổi giá, trục lợi - Ảnh: Quochoi.vn

Việc kiểm soát giá thuốc, trang thiết bị y tế, đặc biệt trong thời điểm xảy ra dịch bệnh được các đại biểu Quốc hội nêu trong thảo luận dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chiều 23-5. 

Lòng vòng mua bán khiến người dân chịu giá rất cao

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nêu thực trạng mua bán thuốc, trang thiết bị y tế lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian khiến cho người mua sau cùng chịu giá rất cao, trong khi các đơn vị kinh doanh hoặc “ăn lời quá đáng”, hoặc lo ngại bị thanh tra, kiểm tra.

Do đó, bà cho rằng cần có quy định cụ thể, rõ ràng về mức lời, lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh. Quy định như vậy cũng để tránh trường hợp các đơn vị y tế có thể bị oan uổng, hoặc không có đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị vật tư y tế cho đúng quy định.

Tiếp cận từ quan điểm về các yếu tố hình thành giá, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong quản lý nhà nước nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc thổi giá và trục lợi của các nhà sản xuất, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh, thiên tai.

Ông Long dẫn chứng dịch bệnh vừa rồi để lại cho chúng ta nỗi ám ảnh, đó là vụ Việt Á. Bởi nguyên liệu đầu vào của Công ty Việt Á nhập chỉ 0,95 USD nhưng đến khi thành phẩm đưa đến các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) lên đến 470.000 đồng.

“Các chiêu trò thổi giá, tất cả các yếu tố hình thành giá được ngụy tạo một cách rất tinh vi. Câu hỏi đặt ra là quản lý nhà nước, kiểm tra yếu tố hình thành giá chưa hiệu quả, có rất nhiều lỗ hổng, ngay cả hình sự. Bởi Phan Quốc Việt thổi giá như thế, nhưng ngoài hành vi đưa hối lộ ra, chúng ta chỉ xử về tội vi phạm các quy định về đấu thầu chứ chưa có tội danh về xử lý tội vi phạm về giá” - ông Long đặt vấn đề.

Kiểm soát các yếu tố hình thành giá chặt chẽ hơn với thuốc, vật tư y tế

Thêm nữa, điều khiến đại biểu băn khoăn là dự thảo quy định việc kiểm tra yếu tố hình thành giá chưa mang tính bao quát. Bởi nếu đối chiếu cụ thể với Việt Á, lại không nằm trong danh mục mặt hàng phải kiểm tra yếu tố hình thành giá. Do đó, đại biểu đề nghị cần hoàn thiện thể chế về quản lý giá để ngăn chặn, phòng ngừa ngay từ đầu.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ viết rõ hơn trong dự thảo luật về công khai thông tin về giá, trách nhiệm niêm yết giá, phương pháp định giá. 

Theo quy định của Luật Giá, Chính phủ sẽ quy định phương pháp định giá trên cơ sở tiếp cận theo giá thị trường, tức là theo quan hệ cung cầu và theo chi phí - tức là yếu tố hình thành giá. 

“Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến này để đưa vào trong phương pháp thẩm định giá đảm bảo sự nhất quán trong quá trình định giá” - ông Phớc nêu.

Lo ngại cơ chế xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa bị xóa bỏ

Nêu quan điểm về giá sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ lo lắng khi đề xuất ban hành quy định giá sách giáo khoa dưới hình thức khung giá, bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu được Nhà nước định giá lại chưa được tiếp thu trong dự thảo.

Theo bà, việc luật không quy định khung giá tối đa, tối thiểu có thể tạo nên những lo ngại vốn đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu ra. Đó là làm thế nào để ngăn chặn giá quá thấp, khi các doanh nghiệp muốn thâu tóm thị trường có thể dùng biện pháp hoặc thủ đoạn đại hạ giá, tạo nên lợi nhuận độc quyền.

Với chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa còn nhiều bất cập, đại biểu Thúy đề nghị nên sửa đổi, bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương.

“Một đằng khuyến khích xã hội hóa, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa, thậm chí có nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, cần giải trình, làm rõ những vấn đề tôi nêu trên” - bà Thúy nêu quan điểm.

Bỏ ‘giá trần’ trong đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lậpBỏ ‘giá trần’ trong đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập

Bộ Y tế đã ban hành thông tư 06 sửa đổi, bổ sung quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập. Trong đó, bãi bỏ quy định về giá trúng thầu “năm sau không được cao hơn năm trước”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên