06/03/2019 12:21 GMT+7

Phân luồng sau THCS: Phải tạo thuận lợi cho người học

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ thực hiện
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phân luồng học sinh sau THCS đến nay chưa đạt được chuyển biến mạnh mẽ và còn quá xa cách với đích đã vạch ra.

Phân luồng sau THCS: Phải tạo thuận lợi cho người học - Ảnh 1.

Ông Vũ Đình Chuẩn (trái) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH và Ông Vũ Xuân Hùng - Ảnh: VĨNH HÀ

Cần phải thay đổi cách tuyển dụng nặng về bằng cấp, thay vào đó là tuyển dụng căn cứ vào năng lực người lao động và đặc thù công việc. Ngoài ra, cũng cần có những chính sách tôn vinh người lao động nhằm khích lệ, thay đổi nhận thức của người dân về học nghề, điều chỉnh chính sách đãi ngộ để những người trẻ lựa chọn học nghề có đời sống ổn định

Ông VŨ XUÂN HÙNG

Tuổi Trẻ đã trao đổi với TS Vũ Đình Chuẩn - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT và TS Vũ Xuân Hùng - vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về câu chuyện này.

* Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của chiến lược phân luồng sau THCS?

- Ông Vũ Đình Chuẩn: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên. Nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. 

Việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh còn cảm tính hoặc theo sự áp đặt của gia đình, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp từng bước đổi mới nhưng chưa tạo ra sức hút mạnh đối với học sinh, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS. 

Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp và khuyến khích học sinh tham gia học nghề.

* Theo thống kê, hằng năm trung bình có hàng trăm nghìn học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không tiếp tục học gì hoặc bước vào thị trường lao động. Ông suy nghĩ gì về con số này? Sự hạn chế của phân luồng ảnh hưởng thế nào đến chất lượng nguồn nhân lực tương lai?

- Ông Vũ Xuân Hùng: Phân luồng không hiệu quả sẽ tất yếu dẫn đến mất cân đối về cơ cấu trình độ, cơ cấu nguồn nhân lực. Bình thường, tháp nguồn nhân lực phải càng lên trên càng nhọn, càng lên cao thì nguồn nhân lực trình độ cao, lao động gián tiếp phải ít hơn lao động trực tiếp. 

Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, người làm trực tiếp thì ít mà người làm gián tiếp thì nhiều. Hệ lụy là nhiều người học đại học nhưng tốt nghiệp không có việc làm, có khi lại đi làm công nhân. Đây là sự lãng phí lớn. Mất cân đối cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia sẽ dẫn đến năng suất thấp, chất lượng thấp, thu nhập thấp. Hệ lụy rộng hơn nữa là kinh tế - xã hội chậm phát triển.

- Ông Vũ Đình Chuẩn: Việc phân luồng học sinh phổ thông có ý nghĩa lớn đến phát triển nhân lực quốc gia. Thực tế nhiều người đã tốt nghiệp các khóa đào tạo khi được tuyển dụng lại phải đưa đi đào tạo bổ sung hoặc chưa tìm được việc làm, hoặc có việc làm nhưng không phù hợp đã gây lãng phí lớn do chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. 

Khắc phục bất cập này giúp tiết kiệm ngân sách và tăng chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, tạo ra tiền đề quan trọng cho quá trình thích ứng và hội nhập với thế giới đang tiến bước mạnh mẽ vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

* Để tránh rơi vào thất bại trong thực hiện chiến lược phân luồng như trước đây, giải pháp nào cần được coi là đột phá và mấu chốt?

- Ông Vũ Xuân Hùng: Có nhiều giải pháp phải đưa ra để thực hiện rốt ráo, nhưng giải pháp quan trọng nhất là chính sách. Chúng ta đã quan tâm đến chính sách cứng, vạch ra những chỉ tiêu rất cụ thể trong các chỉ tiêu của Nhà nước, trong chỉ thị 10 trước đây cũng như đề án Chính phủ... 

Tuy nhiên, cần có những chính sách mềm, tạo ra cơ chế để hấp dẫn người học. Phải tạo sự thuận lợi đến vô cùng cho người học đến với giáo dục nghề nghiệp, không có bất cứ rào cản nào. Nhưng lại phải dựng rào cản với giáo dục đại học vì giáo dục đại học là giáo dục tinh hoa. 

Nước nào cũng làm như vậy, nhưng ở Việt Nam điều này lại chưa rõ. Giáo dục nghề nghiệp gặp khó một phần vì giáo dục đại học rộng cửa quá.

- Ông Vũ Đình Chuẩn: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành khác thực hiện các giải pháp đề ra trong đề án về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Với ngành GD-ĐT, giải pháp quan trọng nhất là đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia. 

Đây cũng là nội dung được đặt ra rốt ráo hơn ở nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT đối với các nhà trường phổ thông trong việc tăng tính tự chủ xây dựng kế hoạch dạy học, thí điểm triển khai các mô hình gắn dạy học với thực tiễn, với sản xuất kinh doanh tại địa phương, các hoạt động trải nghiệm trên cơ sở tận dụng các nguồn lực giúp đỡ.

Chuyện hướng nghiệp, phân luồng ở Thanh Hóa Chuyện hướng nghiệp, phân luồng ở Thanh Hóa

TTO - Sau nhiều năm làm công tác phân luồng, hiện có khoảng 75% học sinh tốt nghiệp THCS ở Thanh Hóa vào lớp 10, số còn lại theo học nghề hoặc làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên