05/02/2014 05:37 GMT+7

Phân luồng giao thông qua cầu Kiệu

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Ngày 4-2, tức mồng 5 tháng giêng, cầu Kiệu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nối đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) với đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) đã được đóng lại để xây mới.

Ngày 4-2, đóng cầu Kiệu Mùng 5 Tết thi công cầu KiệuMồng 5 tết, đóng cầu Kiệu để xây cầu mới

We6y2jCT.jpg
Bản đồ hướng dẫn phân luồng giao thông phục vụ thi công cầu Kiệu - Nguồn: Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM - Đồ họa: Vĩ Cường

Đây là tuyến đường trục có mật độ xe lưu thông cao kết nối giữa các quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh ra vào trung tâm TP.HCM. PV Tuổi Trẻ ghi nhận các loại xe lưu thông qua khu vực cầu Kiệu theo phân luồng giao thông mới đã đi lại rất thông thoáng từ Q.1 về Q.Phú Nhuận và chiều ngược lại vì ngày 4-2 vẫn còn là ngày nghỉ tết nên ít xe lưu thông trên đường. Nhiều người đi từ đường Hai Bà Trưng vào Hoàng Sa hơi bị lúng túng khi nhìn mũi tên sơn trên mặt đường lại chỉ chiều lưu thông từ đường Hoàng Sa ra đường Hai Bà Trưng chưa được xóa.

Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án), việc phân luồng giao thông vào mồng 5 tháng giêng nhằm tạo thói quen cho người lưu thông qua khu vực này. Vì từ mồng 6 số lượng xe qua khu vực này sẽ tăng cao do mọi người trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết. Công trình xây dựng cầu Kiệu mới dài 77m và rộng 20m (kể cả lề bộ hành) cho bốn làn xe lưu thông. Cầu có độ tĩnh không 2,5m cho ôtô con và xe máy lưu thông thông suốt trên đường Hoàng Sa và đường Trường Sa thay vì hiện nay bị cắt khúc do cầu có độ tĩnh không thấp. Cầu Kiệu mới là chiếc cầu thứ tư tại TP.HCM được khởi công xây dựng trong thời gian gần đây.

Tổ chức phân luồng giao thông ở cầu Kiệu như sau:

Đường Hai Bà Trưng: cấm các loại xe tải có tổng trọng lượng (xe và hàng) trên 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ ngồi lưu thông theo hướng từ đường Trần Quang Khải đến Hoàng Sa.

Đường Trường Sa: cấm các loại ôtô lưu thông theo hướng từ cầu Công Lý đến cầu Kiệu. Riêng các loại ôtô của cư dân khu vực được phép lưu thông bình thường và không được phép lưu thông qua cầu tạm.

Đường Hoàng Sa: cho lưu thông một chiều các loại xe theo hướng từ cầu Kiệu đến cầu tạm số 1.

Hẻm 41 Phan Đình Phùng: tổ chức lưu thông một chiều các loại xe theo hướng từ đường Phan Đình Phùng đến đường Trường Sa.

Cầu tạm số 2: tổ chức lưu thông một chiều các loại xe hai bánh theo hướng từ đường Trường Sa đến Hoàng Sa.

Cầu tạm số 3: tổ chức lưu thông một chiều các loại xe (trừ xe tải có tổng trọng lượng trên 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ) theo hướng từ đường Hoàng Sa đến Trường Sa.

Trước đó, TP.HCM đã khởi công xây dựng cầu Bông (Q.1 - Q.Bình Thạnh) và cầu Lê Văn Sỹ (Q.3) bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và cầu Hậu Giang (Q.6) bắc qua kênh Tân Hóa - Lò Gốm, thay cho cầu cũ sử dụng hơn 50 năm nay đã xuống cấp. Các cầu mới đều được nâng cao độ tĩnh không nhằm khai thông các tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hai đường ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm.

Trong quá trình xây dựng bốn chiếc cầu trên, các nhà thầu sẽ nạo vét lòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở khu xây cầu mà trước đây dự án vệ sinh môi trường chưa nạo vét do cầu yếu không đảm bảo an toàn. Theo ông Vương Hoàng Thanh - phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP, bốn cầu mới được xây dựng sẽ lắp đặt hệ thống chiếu sáng mỹ thuật nhằm tăng vẻ đẹp kiến trúc cầu để người dân được thưởng ngoạn công trình phúc lợi xã hội này.

Tổng mức đầu tư xây dựng bốn chiếc cầu trên gần 30 triệu USD từ số tiền dư sau khi đấu thầu các công trình ở dự án nâng cấp đô thị TP.HCM. Dự kiến cả bốn chiếc cầu sẽ hoàn thành trước tháng 12-2014 - thời hạn cuối hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên