Ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), chia sẻ tại hội thảo "Đừng để người chuyển giới mãi vô hình" do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức ngày 26-12 tại TP.HCM - Ảnh: THIÊN CHƯƠNG
Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Đừng để người chuyển giới mãi vô hình" do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức ngày 26-12 tại TP.HCM.
Theo SCDI, ước tính hiện nay tại Việt Nam có khoảng 300.000 người chuyển giới. Một nghiên cứu vào tháng 6 - 2019 do mạng lưới người chuyển giới Việt Nam (VNTG) thực hiện tại Hà Nội với sự tham gia của 250 người chuyển giới cho thấy nhiều thách thức trong trải nghiệm cuộc sống của họ.
Có 5 "khoảng trống" được cộng đồng người chuyển giới nêu ra liên quan đến hành trình cảm nhận, chia sẻ về bản dạng giới; sức khỏe tâm thần; kỳ thị và phân biệt đối xử; tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; thiếu hành lang pháp lý.
Trong đó nghiên cứu cho rằng trong giai đoạn xác định được bản dạng giới (từ 12 - 14 tuổi), nhiều người gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần như căng thẳng, mất ngủ kéo dài, rối loạn lo âu.
Đặc biệt, họ thường có suy nghĩ về tự tử khá sớm và cố gắng tự tử lần đầu vào khoảng 15 tuổi, tức 3 năm sau khi họ phát hiện được sự khác biệt giới tính. Trong số 39,4 % người cho biết việc suy nghĩ kết liễu cuộc đời, có đến 40,7% cho biết từng cố gắng tự tử.
Vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử là một trong các nguyên nhân khiến người chuyển giới e dè, trì hoãn việc thăm khám điều trị sức khỏe về thể chất, tinh thần.
Cụ thể phần lớn người chuyển giới có nhu cầu phẫu thuật buộc phải ra nước ngoài (chủ yếu Thái Lan) để can thiệp ở các cơ sở y tế tư nhân không hợp pháp với chi phí rẻ hơn nhiều so với các bệnh viện.
Khó khăn nhất hiện nay, theo SCDI, là dự thảo Luật chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế soạn thảo chưa được trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt.
Việc thiếu hành lang pháp lý toàn diện khiến người chuyển giới là đang bị "mắc kẹt" với tên gọi của mình do thủ tục đổi tên ở các địa phương đang được áp dụng khác nhau với lý do chưa có văn bản hướng dẫn. Điều này kéo theo hàng loạt rủi ro, có thể khiến người chuyển giới phải đánh đổi cả tính mạng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết trong tổng số 204 quốc gia vùng lãnh thổ đến nay chỉ mới có 6 quốc gia có luật cho phép chuyển giới, tức người chuyển giới không cần phải can thiệp về mặt y học mà chỉ cần xác định bản dạng giới.
Hiện nay, theo tiêu chuẩn quốc tế, để một người được chuyển giới hoặc muốn xác định lại giới tính đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định như yêu cầu sống thử trong vòng 2 năm. Ngoài ra còn có bảng kiểm xác định về mặt tâm lý, tâm thần xác định có phải chuyển giới thật sự hay không.
Theo ông Quang, để tạo ra một hệ thống dịch vụ y tế chuyên biệt, thân thiện với người chuyển giới hiện nay Bộ Y tế đang triển khai mở khóa tập huấn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) để tập huấn cho các bác sĩ liên quan đến các kỹ thuật cung cấp các dịch vụ xác định giới tính sau khi luật được ban hành.
4 năm, quyền chuyển đổi giới tính vẫn..."treo"
Như vậy sau gần 4 năm qua, kể từ khi Quốc hội bấm nút thông qua dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi, 2015) cho phép người chuyển giới được quyền chuyển giới theo quy định, nhưng cộng đồng người chuyển giới vẫn chưa thực hiện được quyền của mình.
Lý do vì Luật chuyển đổi giới tính vẫn đang... "treo".
Khẳng định Bộ luật dân sự sửa đổi năm 2015 thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính là một sự tiến bộ lớn của nước ta so với nhiều nước trên thế giới, nhưng theo ông Quang, nhận thức chung của cộng đồng xã hội về người chuyển giới còn rất hạn chế.
Đó là một trong các lý do chính khiến dự thảo Luật chuyển đổi giới tính chưa được trình để thông qua. Sau nhiều lần bị "treo", dự kiến trong năm 2021 (hoặc chậm nhất là năm 2022) dự thảo Luật chuyển đổi giới tính sẽ được trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận