14/02/2012 08:48 GMT+7

Phận caddy ở sân golf - Kỳ cuối: Chuyện cổ tích từ sân golf

VŨ THỦY - TÂM LỤA
VŨ THỦY - TÂM LỤA

TT - Với hầu hết caddy, sân golf chỉ là nơi ngày ngày kéo bao gậy, bán sức mưu sinh. Nhưng với caddy Nguyễn Thị Ngọc Dung, giờ đây hằng ngày chị vẫn mê mải trên sân golf, da vẫn rám nắng như hầu hết những cô caddy khác nhưng là để đánh golf.

jvMNTEIR.jpgPhóng to
Chị Dung hướng dẫn caddy tập sự ở sân golf - Ảnh: VŨ THỦY

Khi caddy vung gậy

Cách đây 16 năm, Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng là một cô gái quê chưa học hết THPT, xin vào làm caddy tại sân golf Sông Bé (Thuận An, Bình Dương) để kiếm tiền phụ giúp gia đình. “Nghĩ lại hạnh phúc cứ như trong mơ. Chị cũng không biết từ đâu mà chị có nữa”, nhà quán quân giải vô địch golf nữ quốc gia nói về quãng đường mười mấy năm qua. Từ một cô gái thôn quê chỉ quen với đồng rẫy, giờ đây chị là một trong những golfer nữ hàng đầu ở VN, trở thành hội viên của hai sân golf: Ocean Dunes và Sông Bé - cái nôi đã chắp cánh cho chị.

Vào làm caddy sân golf từ năm 1994 rồi trở thành tay golf hàng đầu VN, giành chức vô địch golf nữ quốc gia năm 2008 và hàng loạt giải thưởng khác đến giờ chị Dung vẫn gắn với sân golf, làm quản lý, huấn luyện caddy và điều hành sân golf. “Cuộc đời chị là sân golf em ạ. Tất cả những điều hạnh phúc chị có bây giờ đều bắt đầu từ sân golf”, chị chia sẻ.

“Làm caddy cực lắm. Dãi nắng dầm mưa tối ngày”, chị nhớ lại. Nhưng niềm vui nho nhỏ lúc ấy của chị là những ngày thứ hai đầu tuần. Hồi ấy sân golf thường đóng cửa vào ngày thứ hai và caddy sẽ được cho ra sân để học đánh golf. Đi kéo golf cho khách, nhìn họ đánh thấy cũng hay hay và cái khao khát được cầm gậy đẩy trái bóng vút đi chẳng biết đến từ lúc nào. Những bạn cùng làm với chị bảo rằng chơi golf chỉ phí thời gian. Nhưng Dung ráng tận dụng ngày thứ hai may mắn ấy để được chơi golf.

Ngày thứ hai nào mệt quá không đi nổi thì Dung đi bù một ngày nào đó trong tuần. “Hồi đó cũng đâu có ai dạy đánh golf cho mình. Đi làm caddy, kéo gậy cho khách, khi khách swing (cách vung gậy) mình nhìn theo rồi bắt chước”, chị kể. Nhưng những cú swing chẳng hề qua huấn luyện, đào tạo của chị lại lọt vào mắt ông tổng giám đốc công ty. Ông phát hiện Dung có cú swing tự nhiên rất đẹp mắt, khuyến khích chị tập luyện thêm.

Kỳ Sea Games trong mơ

Trước kỳ Sea Games Brunei năm 1999, chị Dung đánh golf cũng chỉ nhỉnh hơn các bạn tí xíu. Cho đến ngày có thông báo tuyển vận động viên nữ tham dự Sea Games ở Brunei, khi đó chỉ còn hơn hai tháng là Sea Games diễn ra, Dung đăng ký dự tuyển chỉ với một chút hi vọng.

Nhưng để nuôi chút hi vọng ấy, trong hai tháng Dung mê mải luyện tập với cây gậy golf. Công việc kéo gậy mưu sinh vẫn không thể bỏ được, dù có những hôm về đến nhà không còn nhấc chân đi nổi nữa. Kết quả của đợt thi tuyển năm ấy chính Dung cũng không ngờ. Suốt mấy năm làm caddy mơ ước của chị chỉ là được đi đánh ở một sân lạ bởi chị chưa từng đi đánh ở sân nào khác ngoài sân Sông Bé. Đợt thi tuyển được tổ chức ở sân Thủ Đức, nơi chị chưa từng đặt chân tới, địa hình sân cũng lạ lẫm, nhưng chị Dung đánh khá tốt và đã đứng thứ sáu trong số sáu người được chọn vào vòng thi tuyển tiếp theo.

Lượt thi tuyển cuối cùng chọn ra ba người đi Brunei, chị xuất sắc dẫn đầu trong ba người được chọn. “Không biết làm sao diễn tả cảm giác lúc đó đâu em, chỉ biết là vô cùng vui và hạnh phúc. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tính đến lúc ấy”.

Sau kỳ Sea Games, về lại với công việc caddy, Dung càng mê bộ môn golf hơn, tập luyện hằng ngày và tranh thủ học thêm tiếng Anh để tham dự những giải golf. Lúc chưa dự Sea Games, Dung chỉ bập bõm vài từ tiếng Anh. “Hồi còn đi học mình học tệ lắm nên giống như phải bắt đầu lại từ đầu”, chị nhớ lại. Vẫn làm caddy, vẫn tập đánh golf hằng ngày, buổi sáng chị làm caddy, chiều làm golfer, tối đến lại chạy xe mấy chục cây số đi học tiếng Anh ở tận Sài Gòn. Ròng rã hơn hai năm trời. Lúc ấy đi thi đấu có bao nhiêu giải thưởng, các golfer giúp Dung đổi giùm để có tiền đóng học phí.

Tính tình cô caddy đam mê chơi golf này rất dễ thương nên được nhiều golfer yêu quý. Chị nhớ những ngày đi tập ở sân golf Sông Bé, mượn gậy golf của công ty đi tập suốt mấy năm rồi mới có một bộ gậy cho riêng mình. Chị được các cô chú golfer “đặt hàng” đi kéo cho họ liên tục. Một chú golfer còn tặng lại cho chị bộ gậy mà chú ấy đang đánh. Những cây gậy nghĩa tình ấy chị giữ theo mình, đánh đến tận giờ. Năm 2004 handicap (chỉ số điểm chấp, càng thấp chơi golf càng giỏi) của chị đạt đến con số 2.

Hơn ai hết, chị Dung hiểu được cái cực khổ của những cô gái caddy. Nhiều người thắc mắc chị phải một tay chăm sóc chồng và ba đứa con nhỏ mà sao vẫn làm công việc quản lý sân golf tốt dù vừa cực vừa tốn thời gian. Nhưng không mấy ai biết rằng Dung làm vậy vì muốn những cô caddy có một nơi để chia sẻ, tâm sự. Từng làm caddy nay lại là một golfer, chị Dung hiểu được cái khó của nghề caddy cũng như biết được golfer cần gì ở caddy. “Caddy là nghề làm dâu trăm họ mà em. Có những ông khách khó đến nỗi caddy làm gì cũng không vừa lòng”, chị Dung chia sẻ. Từ lúc lên làm quản lý, mỗi khi có caddy nào bị khách phàn nàn là chị tới gặp caddy đó để tìm hiểu xem caddy sai hay khách sai và giải thích cho họ biết họ cần làm gì khi gặp những tình huống như vậy.

Chuyện tình sân golf

“Ông xã của mình cũng là golfer chơi rất giỏi. Tình yêu của tụi chị cũng lớn lên từ sân bãi”, chị Dung thổ lộ. Chị cũng không ngờ cuộc đời chị lại gắn với sân golf nhiều đến vậy. Chồng chị dù là người Hà Lan nhưng theo chị là người có cách sống tình cảm như người Á Đông. Năm 2003, anh sang VN du lịch rồi bỗng mê VN đến mức về nhà thu xếp công việc rồi quay lại ở luôn. Anh đi đánh golf ở sân Sông Bé gặp một cô nhân viên bán thẻ hội viên rồi mến cô. Hỏi thăm thì biết cô chơi golf rất giỏi nên mời đi đánh golf cùng. Cô nhân viên ấy chính là Dung.

“Lúc đó chị vẫn đang đi học tiếng Anh. Đi đánh với khách chị được tiền hoa hồng từ công ty nên không nghĩ ngợi nhiều vì cần tiền đi học. Nhưng cũng thấy ông khách của mình tính tình rất tốt”, chị Dung nhớ lại. Chị cứ theo anh ròng rã gần cả năm trời như thế. Thỉnh thoảng cũng tìm cách lý giải cho cái chuyện anh cứ rủ chị đi chơi golf cùng, rằng chắc anh thấy chị đánh hay, ở VN ít bạn bè nên rủ đi đánh cho vui.

Cho đến một hôm, anh nhờ một người bạn hỏi xem chị đã có người yêu chưa. Chị cũng trả lời bâng quơ cho vui: “Ở VN làm caddy, đen thui như Dung ai mà thương”. Vậy nên lúc anh ngỏ lời yêu chị, chị bối rối và thẹn thùng quá. Cái tính hay e thẹn của con gái khiến chị dù trong lòng đã thấy mến anh từ lâu vẫn không dám nhận lời. Chị trả lời: “Không”. Anh buồn suốt thời gian sau đó. Chị, cô gái Á Đông, liền kể cho anh chàng bên trời Tây nghe một câu chuyện “con gái nói có là không, nói không là có” ngụ ý rằng “em đồng ý”. Anh hiểu. Hai người đến với nhau. Đám cưới hạnh phúc được tổ chức vào cuối năm đó.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Đường vào sân golfKỳ 2:Trăm dâu đổ đầu tằmKỳ 3:Giữa hai nửa thế giớiKỳ 4:Ký túc xá caddyKỳ 5:Đẳng cấp đại giaKỳ 6:Công việc và... bao gậy

________________________

Đón đọc số tới :Mở đất từ bãi bồi lấn biển

Đã 200 năm từ lúc cụ Nguyễn Công Trứ dẫn theo dân binh đắp đê, bắt đầu cuộc lấn biển, những người nông dân phía cuối nguồn châu thổ ở Bắc bộ vẫn mang trọn khát vọng mở đất. Họ kiên cường ra quai đê, lấn biển, không chấp nhận bữa đói bữa no, phải tha phương cầu thực khi mảnh đất đồng bằng ngày càng chật hẹp.

Và khát vọng chinh phục bãi bồi ấy bao giờ cũng đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả những phần máu thịt...

VŨ THỦY - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên