Kỳ 1: Đường vào sân golfKỳ 2: Trăm dâu đổ đầu tằmKỳ 3: Giữa hai nửa thế giớiKỳ 4: Ký túc xá caddyKỳ 5:Đẳng cấp đại gia
Phóng to |
Công việc hay cây gậy? - Ảnh: Vũ Thủy |
“Công tác” ở sân golf
Không ít golfer đến sân golf mỗi tuần 3-4 lần. “Công việc thì có thể điều hành qua điện thoại được nên anh có thể đi chơi golf suốt tuần” - Hùng, một doanh nhân TP.HCM, cho biết. Hôm nào không có thời gian, sáng họp chiều đánh thì sân Thủ Đức, nếu chỉ làm việc chớp nhoáng ở công ty thì xuống Sông Bé, Long Thành. Sân Long Thành cách trụ sở công ty gần 50 cây số nên mỗi lần chinh chiến là mất cả ngày.
Hơn một tháng làm ở sân golf BS, tôi thường xuyên bắt gặp những nhóm golfer cả Nam lẫn Bắc. Hôm thì với nhóm của Tuấn giám đốc một công ty hạ tầng viễn thông ở Hà Nội và hai anh chàng Sài Gòn còn rất trẻ, hôm thì với ông T. ở ban kế hoạch của doanh nghiệp dầu khí lớn... Giờ tee-off (từ để chỉ thời điểm bắt đầu chơi) của những golfer như Tuấn và ông T. cũng vô chừng: 5g sáng, 10g trưa, 1-2g chiều...
Tuấn mới bay vào TP.HCM ngày hôm qua để gặp đối tác bàn chuyện làm ăn. Hành lý cho chuyến công tác của những golfer - doanh nhân như Tuấn ngoài quần áo, giấy tờ, hiếm khi thiếu bao gậy chơi golf. Tuấn bảo việc mang theo bao gậy golf với golfer chỉ là chuyện nhỏ, bởi nhiều hãng hàng không như Indochina xếp gậy golf vào hành lý miễn cước, xuống sân bay là lên taxi nên cũng chẳng phải mang vác gì. Muốn đi đánh với bạn bè là có gậy dùng liền không phải thuê, vừa phiền toái lại đánh không quen mất vui.
Trước khi vào TP.HCM, Tuấn đã bỏ công tính toán để có thể tranh thủ đi chơi golf ít nhất là ba sân. Lịch công tác là một tuần thì “lịch”chơi golf bốn buổi. “Ngày mai họp ngắn anh sẽ tranh thủ xuống Long Thành “cuốc” một buổi” - Tuấn hào hứng. Trên bao gậy của Tuấn, mấy daily number (thẻ ghi thông tin lượt chơi của khách) cũ của các sân Royal (Ninh Bình), Montgomerie Links (Quảng Nam)... vẫn còn chưa tháo ra.
Có những hôm sân golf xôn xao vì “thấy cái Lexus trắng của ông K. trong bãi đậu”; “ông T.C.M. lên sân”. Ông chủ sân golf và ông chủ ngân hàng nổi tiếng vì “bo” caddy rất hậu hĩnh. Chị D., caddy sân Sông Bé, kể tuần nào cũng thấy ông T.C.M. từ Sài Gòn xuống Sông Bé đánh golf, có khi tuần hai lần. “Ổng khó tính lắm, caddy kéo cho ổng được bo nhiều nhưng phải để ý từng tí một” - chị D. nói. Chị còn bảo mấy ông golfer chê ỏng chê eo sân Sông Bé với Thủ Đức nhưng vì gần thành phố nên khách vẫn đông. Hỏi ông T. “petro” thì đúng như chị D. nói: “Vào đây anh thích nhất sân Phan Thiết với Đà Lạt nhưng thôi đánh Sông Bé cho gần, thỉnh thoảng còn trốn họp ra làm vài gậy được”.
Giới golf cũng không hiếm những chuyến du hí tận trời Tây, nhất là Mỹ, Úc, Canada. Những cái tên sân golf như Grey Silo (Canada), Royal Pines Resort (Úc)... chẳng xa lạ mấy với nhiều đại gia.
“Sân nào cũng chơi hết. Cô gái đẹp có cái dở của cô gái đẹp, cô gái xấu có cái hay của cô gái xấu. Tụi anh còn hay chơi ở nhiều sân nước ngoài” - Nguyễn Điền, đại gia U-50 trong ngành xây dựng ở Hà Nội, hài hước kể chuyện. Công ty có đối tác làm ăn ở Bangkok nên mỗi lần sang bàn chuyện làm ăn, ký kết hợp đồng là ông làm đủ vòng các sân quanh thủ đô: từ Vintage, Subhapurek, Muang Kaew, Summit Windmill, Bangkok, Lam Luk Ka, Windsor Park...
Lỗ golf thứ... 19
Sau hơn bốn giờ quần thảo 18 lỗ golf, bốn golfer lại tiếp tục tăng hai ở một nhà hàng sang trọng. Một ông khách có vẻ là cấp dưới vồn vã: “Em biết một nhà hàng hải sản rất ngon. Anh em mình ra đó bàn chuyện công việc cho thoải mái”. Xếp bao gậy lên xe cả nhóm rục rịch kéo tới một nhà hàng cách đó gần 5km.
Buổi kéo gậy cuối tuần của tôi với bốn ông khách ở Hà Nội ngoài “hợp đồng” giữa bốn người còn có một hợp đồng nhỏ rất thú vị. Ở lỗ golf cuối cùng Par 3 (số gậy tiêu chuẩn là 3), một ông khách đánh cá với một cô caddy rất dễ thương tên Vân. Ông dùng gậy số 9 đánh. Nếu bóng “on green” (vào khu vực lỗ golf) thì ông thắng và cả bốn caddy phải đưa nhóm khách đi ăn lẩu và ngược lại. Kết quả là hôm ấy các đại gia thua trận, bốn cô caddy lên taxi theo xe các đại gia đến một nhà hàng lẩu gần sân golf. Ông khách đã cá độ với cô caddy rằng lần nào chơi golf xong cả đám cũng kéo đi nhậu. Độ với cô caddy là để có các em theo cho vui, chứ ông thừa biết lỗ golf kia phải gậy số 7 mới đánh lên được.
Rất nhiều những buổi chơi golf kết thúc ở... ngoài sân golf khiến những buổi chơi vốn rất mất thời gian lại tốn thời gian gấp đôi.
... Một tháng sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng ra quyết định cấm chơi golf, mấy ông khách của chúng tôi trên sân vẫn còn bàn tán dù trong số các ông chẳng ai thuộc diện bị cấm. Tôi nghe ông khách tên Công ở Hà Nội bảo: “Lại quản không được thì cấm đây mà! Đánh giá một ông làm việc tốt hay không tốt thì phải nhìn vào công việc. Nếu cấm golf thì sau đó lại có văn bản cấm thêm nhậu, karaoke, tennis... à? Chưa nói đến còn cấm cả vào ngày nghỉ. Tôi mà có quyền thì cứ ông nào làm việc dở cho nghỉ việc luôn! Khỏi lằng nhằng...”.
Nhưng ông khác lại gật gù tán đồng. “Chỉ mấy bác làm kinh doanh, doanh nghiệp có thể đi chơi với lý do tiếp khách, chứ các quan chức lên sân vào giờ làm việc có nghĩa là ăn cắp thời gian rồi. Nhớ giải golf bé xíu hôm nọ, tổ chức vào thứ tư, thứ năm mà toàn thấy mấy anh công chức lên nhận giải”. Ông khách của tôi cũng góp chuyện: “Bên Trung Quốc cũng có lệnh cấm quan chức chơi golf nhưng hình như là cấm ngày thường thôi thì phải. Kể ra chơi golf đâu có tội gì, làm việc chẳng ra gì lại ăn nhiều hối lộ mới có tội”. Nhưng câu chuyện cấm chơi golf nhanh chóng bị chìm lấp bởi lúc này bóng của mỗi ông lại bay mỗi hướng.
______________________
Có những hợp đồng thực hiện ngay bên lỗ golf. Đó có thể là một hợp đồng làm ăn nghiêm túc, cũng có thể là hợp đồng cá độ bạc tỉ.
Kỳ tới: Những hợp đồng bạc tỉ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận