28/11/2010 06:38 GMT+7

Phạm Hoài Thanh và "phép cộng niềm tin"

Nhiếp ảnh gia PHẠM HOÀI THANH
Nhiếp ảnh gia PHẠM HOÀI THANH

TT - Hẹn gặp nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh vào những ngày cuối tháng 10, khi anh bận bịu cùng mọi người gấp rút chuẩn bị cho cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng”. Hôm nay thấy anh từ Hải Phòng đi Điện Biên, hôm sau đã có mặt tại Hà Tĩnh để chụp bộ ảnh 18 thí sinh lọt qua vòng sơ khảo...

fKgzPYaI.jpgPhóng to
Hoài Thanh và những người mẫu có HIV của anh - Ảnh: Trọng Chính

Những phận đời sống chung với HIV cứ nối tiếp nhau trong những chuyến đi và câu chuyện của Phạm Hoài Thanh. Anh kể về họ không ngừng với đôi mắt sáng rỡ ấm áp giữa buổi sáng Hà Nội se lạnh.

“Huệ làm thay đổi suy nghĩ của tôi”

"Sức sống mãnh liệt của những người đang sống chung với HIV đã minh chứng rằng cuộc sống là điều quý báu nhất mà con người được ban tặng"

Hoài Thanh nhớ lại những ngày cuối năm 2002, lần đầu tiên nhìn thấy chị Phạm Thị Huệ (sau này là Anh hùng châu Á do tạp chí Time bình chọn năm 2004), anh đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, sự dung dị và trong sáng mà người phụ nữ nhiễm HIV này mang lại. “Giống như đa số mọi người lúc đó, tôi nghĩ HIV là căn bệnh gắn liền với các tệ nạn xã hội.

Một phần cũng vì những tấm apphich tuyên truyền phòng chống HIV hình đầu lâu xương chéo làm người ta thấy ghê rợn. Nhưng sự khỏe mạnh, chân chất của Huệ đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi”- Hoài Thanh tâm sự. Suy nghĩ ấy thôi thúc anh làm điều gì đó để mọi người thay đổi cái nhìn về HIV. Thế là anh xách máy ảnh lên đường.

Nơi đầu tiên Thanh tới là TP Hải Phòng - quê hương của Phạm Thị Huệ. Từng có thời gian tuyệt vọng khi lãnh “bản án tử hình HIV” dành cho mình và chồng, Huệ đã dần lấy lại được niềm tin với cuộc sống. Huệ khỏe mạnh và lao động miệt mài để nuôi chồng con.

Với sự thuyết phục của Hoài Thanh, Phạm Thị Huệ chịu xuất hiện trước công chúng. Năm 2003, bộ ảnh đời thường về một người phụ nữ nhiễm HIV lần đầu tiên được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng: Huệ miệt mài bên chiếc máy khâu và nụ cười rạng rỡ thường trực. Nhiều người đã phải ngỡ ngàng trước sự trong sáng, hồn hậu của người phụ nữ nhiễm HIV ở thành phố hoa phượng đỏ. Điều đó lại càng thôi thúc Hoài Thanh mang máy ảnh tiếp tục lên đường.

Được sự giới thiệu của một vài người bạn, Hoài Thanh lặn lội khắp các tỉnh từ Điện Biên tới Cà Mau để tìm đến tận nhà những người nhiễm HIV. “Sự phản đối của chính quyền địa phương là gay gắt nhất, họ sợ bị mất điểm thi đua nên ra sức cấm cản không cho chụp hình. Đa số người có HIV mà tôi tiếp xúc là những người lao động chân tay bình thường, sợ kỳ thị, không dám thừa nhận bệnh tật.

Một số người chịu xuất hiện trong bộ ảnh nhưng lại yêu cầu chụp từ phía sau lưng”. Vượt qua những khó khăn như thế, Hoài Thanh đã gần gũi với họ theo một cách riêng của mình. Đó là anh lắng nghe, chia sẻ với từng người. Kết quả của hơn sáu năm anh rong ruổi ấy là hai cuộc triển lãm “Cuộc sống vẫn tiếp diễn 1” (tháng 11-2005) và “Cuộc sống vẫn tiếp diễn 2” (tháng 11-2008) diễn ra tại Hà Nội.

Bộ ảnh đời thường của hơn 15 số phận nhiễm HIV khắp các tỉnh trên cả nước đã gây được sự xúc động nơi người xem. Đó là Khải “siđa” (Cà Mau) hằng ngày trên chiếc xe lôi chở hàng kiếm sống. Nhìn nụ cười tươi đôn hậu của Khải ít ai biết được anh từng tuyệt vọng khi vợ mất vì AIDS, hàng xóm sợ hãi đến mức lén đốt luôn căn nhà của anh. Đó là ông chủ trại chăn nuôi vui tính tên Cường (Thái Nguyên), là chị Phạm Thị Huệ nhỏ nhắn ngày nào nay đã trở thành Anh hùng châu Á, tất bật trong các hoạt động xã hội...

Trong ngày khai mạc triển lãm “Cuộc sống vẫn tiếp diễn 1”, người ta thấy Hoài Thanh xúc động đứng cạnh những “người mẫu” của mình. Anh nói: “Thành công của buổi triển lãm ngày hôm nay xin được dành tặng tất cả các bạn - những người sống chung với HIV mà tôi đã gặp. Đó là phép cộng của niềm tin, của nghị lực, của tình yêu thương và sự cảm thông để cuộc sống này cần tiếp diễn”.

Anh giải thích giản dị cho việc làm của mình: “Tôi nhận ra mấu chốt của vấn đề HIV đó là sự kỳ thị. Sự kỳ thị có thể làm người ta héo mòn đến chết. Sự kỳ thị làm người ta giấu giếm không dám sống thật với cuộc sống của mình. Mà khi càng giấu giếm thì HIV càng lan truyền. Phải làm sao để bình thường hóa vấn đề HIV trong xã hội, để những người nhiễm HIV được sống bình thường như bao người khác”.

E5tLwqT8.jpgPhóng to
Phạm Thị Huệ, người mà nhiếp ảnh gia Hoài Thanh cho biết “đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi” - Ảnh: Hoài Thanh

Nỗ lực để bình thường hóa HIV

Sau hai cuộc triển lãm của Hoài Thanh, những nhân vật của anh có người sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho hoạt động cộng đồng. Người có HIV dám thừa nhận mình ngày càng nhiều hơn. Mọi người nhận ra HIV với một thế giới khác không phải sự chết chóc, đó là thế giới của những người lao động đời thường, khỏe mạnh.

Riêng Hoài Thanh vẫn lặng lẽ dõi theo con đường của những người bạn mình đã gắn bó: “Cường vừa làm kinh tế, vừa nhận giúp bạn bè cai nghiện ngay tại nhà mình ở TP Thái Nguyên. Sau triển lãm, Khải đã bỏ nghề chạy xe lôi để hết mình cho hoạt động hỗ trợ người có HIV. Khải là người đầu tiên thành lập nhóm tự lực mà xin được con dấu, lập cả chục dự án xóa đói giảm nghèo cho anh em có HIV cải thiện cuộc sống. Thế mà buồn quá, Khải mới mất tháng 8 vừa rồi!”.

Anh Ong Văn Tùng (điều phối viên mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội) - người sát cánh với Phạm Hoài Thanh trong những hoạt động dành cho người nhiễm HIV - xúc động chia sẻ: “Thanh lúc nào cũng nói ít, làm nhiều. Anh là nhiếp ảnh gia đầu tiên của VN miệt mài với đề tài HIV. Anh tham gia hoạt động và làm cố vấn cho các chương trình của chúng tôi, với tất cả sự nhiệt tâm của mình mà không chút tính toán, vụ lợi”.

Cùng với anh Tùng, Hoài Thanh là một trong những người đưa ra ý tưởng về “Dấu cộng duyên dáng” - cuộc thi hoa hậu HIV đầu tiên dành cho những phụ nữ nhiễm HIV ở VN. Những ngày nước rút của cuộc thi, Hoài Thanh tất bật lo toàn bộ phần hình ảnh cho các thí sinh, thức trắng mấy đêm ròng để ghép nối, xử lý bộ ảnh. Anh huy động toàn bộ nhân lực của công ty mình để lo phần thiết kế và trang trí sân khấu trong đêm chung kết. Anh làm tất cả hoàn toàn miễn phí, bằng công sức của mình với tâm niệm ngày nào vẫn giữ: “Mong làm được điều gì đó để bình thường hóa vấn đề HIV”.

Khi HIV đang dần được bình thường hóa trong cái nhìn của mọi người, Hoài Thanh lại trăn trở với những cống hiến của những người có HIV. “Khi ảnh không đủ để chuyển tải đến người đọc tâm tư, tình cảm của những người sống chung với HIV, tôi dự định nhờ các nhà báo viết những câu chuyện về họ để tập hợp trong một cuốn sách xuất bản vào năm sau. Hiệu quả từ hoạt động tuyên truyền của họ dành cho cộng đồng trong công cuộc phòng chống HIV thật lớn lao nhưng không ai ghi nhận”.

Thời gian này lại thấy Hoài Thanh tất bật chuẩn bị cho cuộc triển lãm ảnh về vấn đề thuốc phiện, ma túy. Trăn trở nhiều như thế bởi anh luôn tự nhận mình là một nghệ sĩ nửa mùa, một nhiếp ảnh gia không chuyên đã được nhiều nhất khi tham gia các hoạt động dành cho người có HIV: “Câu chuyện của nhiều người có HIV cho tôi cảm giác lạc quan, bởi họ đã vượt qua dông bão của cuộc đời để vươn lên khẳng định mình. Mà điều đó có khi những người bình thường không làm được”.

Đồng tác giả một cuốn sách lịch sử

Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh sinh năm 1963 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1985. Anh tham gia công tác tại Hội Mỹ thuật Hà Nội, phụ trách mỹ thuật tại một số công ty quảng cáo, báo và tạp chí, hiện làm việc tại Công ty truyền thông Ngày Mới.

Năm 2003, Phạm Hoài Thanh đoạt giải ba cuộc thi phòng chống ma túy do Bộ Y tế tổ chức. Năm 2005 và 2008, anh tổ chức triển lãm “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” 1 và 2. Tháng 9-2010, Phạm Hoài Thanh cùng năm tác giả của Công ty truyền thông Ngày Mới xuất bản cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử - hồi ức Điện Biên Phủ 1954- 2009 - cuốn sách lịch sử được thực hiện theo hình thức mới mẻ đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

Nhiếp ảnh gia PHẠM HOÀI THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên