25/05/2014 08:08 GMT+7

Phải kiện Trung Quốc

THANH TUẤN ghi
THANH TUẤN ghi

TT - Diễn đàn chủ nhật tuần này đặt ra câu hỏi: Bước tiếp theo của Việt Nam là nên làm gì để đấu tranh với Trung Quốc về việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển nước ta? Các chuyên gia đều trả lời: phải kiện!

* Trung Quốc phản ứng mạnh hơn, 3 kiểm ngư viên bị thương

Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ khởi kiện Trung QuốcBác bỏ luận điệu sai trái của Trung QuốcNgười Việt khắp thế giới hướng về biển Đông

zAsImsbN.jpg
TS Trần Công Trục - Ảnh: V.D.

Bước tiếp theo Việt Nam nên làm gì để giải quyết việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép ở vùng biển Việt Nam. Các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng phải kiện.

Học từ Philippines để kiện Trung Quốc

TSTRẦN CÔNG TRỤC (nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ)

4 cách kiện Trung Quốc

Khi xảy ra tranh chấp, các bên được quyền tự do lựa chọn một hoặc các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) theo phụ lục VI, Tòa án công lý quốc tế (ICJ), Hội đồng trọng tài thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS hoặc Hội đồng trọng tài đặc biệt theo phụ lục VIII (điều 287 UNCLOS). Điều này đồng nghĩa với việc có thể vừa kiện Trung Quốc ra ITLOS, vừa kiện ra Hội đồng trọng tài theo phụ lục VII hoặc tiếp tục khởi kiện ra ICJ hoặc Hội đồng trọng tài đặc biệt.

Việc kiện Trung Quốc ra tòa là một trong những phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong quan hệ quốc tế. Về nguyên tắc, Việt Nam cũng sẽ vận dụng giải pháp này như từng đề cập trong các nội dung tuyên bố chính thức của mình. Tuy nhiên, vấn đề không dễ dàng vì không phải bất kỳ vụ việc nào cũng có thể đơn phương đệ đơn kiện và đều thuộc thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế. Chúng ta không thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hay tranh chấp trong việc phân định vùng biển chồng lấn được, vì tòa này đòi hỏi hai bên phải thỏa thuận cùng đưa vụ việc ra tòa và cam kết thi hành án thì tòa mới xét xử.

Trung Quốc không bao giờ cam kết như vậy. Vì thế Philippines phải đưa ra trước Tòa án trọng tài quốc tế về việc Trung Quốc giải thích và áp dụng sai Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Như vậy, Tòa án trọng tài mới có thẩm quyền thụ lý hồ sơ và sẽ tiến hành xét xử. Tuy nhiên, vấn đề thi hành án sẽ gặp khó khăn vì khi Trung Quốc không chịu thi hành, bên thắng kiện phải nhờ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc can thiệp. Nhưng tại đây Trung Quốc có quyền phủ quyết.

Năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từ năm 1945, năm thành lập Liên Hiệp Quốc, đến năm 2012 đã có tất cả 269 lần phủ quyết, trong đó Nga 128 lần, Hoa Kỳ 89, Anh 32, Pháp 18 và Trung Quốc 9... Đó là một thực tế cần được tính toán kỹ trước khi khởi kiện.

Những điều luật có thể vận dụng

Philippines đã sử dụng các quy định của UNCLOS để khởi động vụ kiện phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với các khu vực trên biển Đông và các vùng biển mà Trung Quốc không có quyền theo UNCLOS, nhưng đó lại là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Hướng tới mục tiêu tôn trọng đàm phán và thỏa thuận giữa các quốc gia có tranh chấp, UNCLOS quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình, tuân thủ nghĩa vụ tham vấn lẫn nhau và nỗ lực thương lượng để giải quyết tranh chấp (điều 279, điều 283, điều 284 UNCLOS). Cơ chế tài phán được đặt ra chỉ khi những nỗ lực đàm phán không thành (phần XV, mục 2, UNCLOS).

Trong vụ tranh chấp của Philippines, mặc dù bị đơn Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS, nhưng họ tuyên bố viện dẫn các ngoại lệ để loại bỏ thẩm quyền thụ lý vụ án của các cơ quan tài phán trên đối với các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển, không liên quan đến vịnh, các hoạt động quân sự và các hoạt động khác của Hội đồng Bảo an (điều 298 UNCLOS).

Trong bối cảnh này, nguyên đơn là Philippines buộc phải chứng minh được vùng biển Đông tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tài phán tại UNCLOS và các viện dẫn của Trung Quốc không phải là ngoại lệ loại trừ thẩm quyền tài phán của các cơ quan này.

Thực tế, Philippines đã tuân thủ chặt chẽ UNCLOS bằng nỗ lực tham vấn với Trung Quốc một cách rộng rãi nhằm giải quyết tranh chấp trên cơ sở thương lượng. Khi nỗ lực không kết quả với một nước lớn áp đặt như hành xử của Trung Quốc, ngày 22-1-2013 Philippines đã chủ động khởi kiện vụ việc yêu cầu Hội đồng trọng tài theo phụ lục VII UNCLOS phân xử và cũng trong năm 2013, Philippines đồng thời yêu cầu ITLOS giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục luận điểm “tránh quốc tế hóa vụ việc” mà ưu tiên giải quyết các tranh chấp này thông qua đàm phán song phương và tìm cách bác bỏ thẩm quyền tài phán của Hội đồng trọng tài theo phụ lục VII hay bất kỳ cơ quan tài phán nào theo cơ chế UNCLOS.

Đồng thời, Trung Quốc đã viện dẫn Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông cho rằng đơn kiện của Philippines đã vi phạm các nguyên tắc trong tuyên bố và đang làm phức tạp hơn các xung đột trong khu vực. Theo điều 5 của tuyên bố này, các nước thành viên được yêu cầu giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hòa bình mà không cần đến các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán của các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan. Đây có lẽ là cách Trung Quốc lẩn tránh ràng buộc pháp lý đối với phán quyết của Hội đồng trọng tài và/hoặc ITLOS có thể gây bất lợi cho mình.

Philippines đã kiện Trung Quốc thế nào?

Động thái đơn phương khởi kiện của Philippines là giải pháp tối ưu hóa và hợp pháp hóa theo chuẩn mực quốc tế sau khi nỗ lực thương lượng hòa bình không thành công. Nội dung đơn kiện của Philippines là các vấn đề thuộc về phân định biển được quy định tại phần XV của UNCLOS. Đây là cơ sở để Philippines tự tin tiếp tục vụ kiện nhằm phủ định lập luận của Trung Quốc cho rằng UNCLOS không thể quyết định về các vấn đề lãnh thổ của quốc gia ven biển. Trong vụ kiện này, một Hội đồng trọng tài được thành lập bao gồm năm thành viên, hiện do trọng tài viên quốc tịch Ghana làm chủ tịch.

Quy trình tố tụng trọng tài quốc tế vẫn tiếp tục khi Philippines đệ trình đầy đủ hồ sơ vụ kiện lên Hội đồng trọng tài mà không bị tác động bởi việc Trung Quốc có tham gia tố tụng hoặc có đệ trình phản tố hay không (điều 9 phụ lục VII UNCLOS). Cụ thể, điều 9 quy định sự vắng mặt hay không thực hiện quyền phản tố của một bên không ảnh hưởng đến thủ tục tố tụng và phán quyết của Hội đồng trọng tài. Về kỹ thuật, Trung Quốc có thể sẽ phản đối về thẩm quyền tài phán của Hội đồng trọng tài bằng việc vận dụng quy định tại điều 298 của UNCLOS như phân tích ở trên một khi phán quyết bất lợi cho họ. Như vậy, một trong các trở ngại pháp lý lớn nhất là khả năng thi hành phán quyết của Hội đồng trọng tài nếu Trung Quốc không tự nguyện thực thi. Cần lưu ý cả Philippines và Trung Quốc đều bị ràng buộc bởi phán quyết của Hội đồng trọng tài khi họ là thành viên công ước này (khoản 5, điều 287 UNCLOS). Thông thường nếu bên có tranh chấp không đưa ra được các căn cứ phản tố vững chắc về mặt nội dung, họ sẽ tập trung vào hình thức tố tụng vụ kiện.

Theo thời hạn ấn định của Hội đồng trọng tài, vào ngày 30-3-2014 nguyên đơn Philippines đã nộp bổ sung luận cứ đầy đủ 4.000 trang cho toàn bộ vụ kiện của mình, bao gồm các yêu cầu tuyên bố chủ quyền, khẳng định thẩm quyền tài phán của trọng tài và các yêu cầu bồi thường khác.

Thời gian để đưa ra một phán quyết mang tính nhạy cảm, phức tạp như trên có thể kéo dài vài năm, nhất là khi một trong các bên tranh chấp tuyên bố không tuân thủ phán quyết của trọng tài liên quan đến thẩm quyền tài phán. Tuy nhiên, phán quyết từ chế định trọng tài như của ITLOS hoặc Hội đồng trọng tài theo phụ lục VII UNCLOS vẫn là các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng có ý nghĩa xác định các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển. Là nước lớn, nếu Trung Quốc bất tuân thủ phán quyết, họ sẽ chịu điểm trừ trầm trọng về hình ảnh quốc gia và bị công luận quốc tế lên án.

Đưa hành vi xâm phạm của Trung Quốc ra tòa là phù hợp

Việt Nam có thể tiến hành vụ kiện Trung Quốc ra ITLOS, Tòa án công lý (ICJ) hoặc Hội đồng trọng tài theo phụ lục VII của công ước để đáp trả các hành động “leo thang” xâm phạm trực tiếp vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Trong khuôn khổ một vụ kiện quốc tế như vậy, chúng ta có thể đồng thời yêu cầu Hội đồng trọng tài, tòa án quốc tế áp dụng các biện pháp khẩn cấp ngăn chặn các hành vi xâm chiếm, tấn công, phá hoại tài sản hợp pháp của công dân và các cơ quan chấp pháp đang thực thi công vụ trên phần vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đối với Việt Nam, đưa hành vi xâm phạm của Trung Quốc ra tòa án công lý, trọng tài quốc tế cũng là một biện pháp phù hợp và nhất quán với chính sách ngoại giao hòa bình của Việt Nam và luật pháp quốc tế... và có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên triển khai mặt trận đấu tranh pháp lý mạnh mẽ hơn, thiết thực, cụ thể hơn, bằng cách trước hết phải huy động được đội ngũ luật gia, luật sư Việt Nam có trình độ, có kinh nghiệm ở trong và ngoài nước. Tranh thủ sự giúp đỡ của các luật sư người nước ngoài, để cùng xúc tiến hoàn thiện quá trình kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế theo đúng thủ tục và nội dung mà Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 đã quy định.

QW7kOhWw.jpg

Ông Jay Batongbacal

Ông JAY BATONGBACAL (giám đốc Viện Nghiên cứu Luật biển và đại dương của Philippines):

Ngư dân có thể kiện

Việt Nam có thể sử dụng biện pháp pháp lý (để đối phó với Trung Quốc). Các hành vi của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) rõ ràng vi phạm pháp luật trong nước của Việt Nam khi tiến hành mà không hề xin phép cơ quan chức năng của Việt Nam, trong khi hành động bảo vệ CNOOC của Trung Quốc rõ ràng vi phạm luật quốc tế khi Bắc Kinh bảo vệ hành vi sai trái của một công ty Trung Quốc và cố tình gây nguy hiểm cho các tàu và thủy thủ đoàn của Việt Nam. Hành vi này vi phạm luật quốc tế và thông lệ về di chuyển hàng hải an toàn cho tàu, và có thể được quy là hành vi đe dọa sử dụng vũ lực, vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc

Lúc này Việt Nam có vài giải pháp. Việt Nam có thể nêu vấn đề ra trước Liên Hiệp Quốc vì đây là hành động gây nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh. Có thể nêu ra tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hoặc Hội đồng Bảo an. Đề xuất này chắc chắn sẽ bị Trung Quốc phủ quyết tại Hội đồng Bảo an nhưng chỉ cần vấn đề được nêu là đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Việt Nam có thể đề xuất một nghị quyết mà ít nhất thể hiện sự không ủng hộ của cộng đồng quốc tế với hành vi của Trung Quốc. Một khi các biện pháp tại Liên Hiệp Quốc đã được sử dụng, Việt Nam có thể tiến hành vụ kiện chống CNOOC và/hoặc Trung Quốc. Các vụ kiện này có thể được tiến hành riêng rẽ hoặc cùng lúc.

Ngư dân kiện CNOOC hay vụ kiện quốc tế của nhà nước?

Trung Quốc có thể trả đũa

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trả đũa các vụ kiện bằng các biện pháp kinh tế. Việt Nam nên có các biện pháp bảo vệ mình khi Trung Quốc tìm cách giảm giao thương hay rút các doanh nghiệp khỏi Việt Nam.

Ngư dân Việt Nam có thể kiện đòi bồi thường tổn thất đối với CNOOC tại tòa Việt Nam vì các ngư dân bị tước mất kế sinh nhai và bị gây tổn thương. Đây là trong trường hợp CNOOC có hoạt động kinh tế tại Việt Nam - chịu luật pháp của Việt Nam và có thể bị kiện tại tòa trong nước. CNOOC cũng có thể bị kiện ra tòa trọng tài thương mại quốc tế nhưng cũng tùy thuộc theo luật này vận dụng thế nào tại Việt Nam. Nếu thắng, Việt Nam có thể thu và bán tài sản của CNOOC ở Việt Nam để chi trả cho phần thiệt hại và đền bù.

Việt Nam có thể cùng lúc (hoặc có lẽ là sau khi vụ kiện trong nước thắng) kiện Trung Quốc vì hành vi chỉ đạo hay cho phép và bảo vệ các hành vi phạm pháp, gây thương vong này. Việt Nam có thể yêu cầu dàn hòa bắt buộc theo phần XV và phụ lục VI của UNCLOS (Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển). Đây là các biện pháp không mang tính ràng buộc nhưng có thể giúp đưa báo cáo, trong đó liệt kê các quyền của các bên ra cộng đồng quốc tế. Trung Quốc không thể tránh các biện pháp hòa giải bắt buộc này.

Sau khi tiến hành biện pháp này mà Trung Quốc vẫn không chịu thay đổi chính sách của mình, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc theo mục XV và phụ lục VII vì hành động đơn phương trong vùng biển đang tranh chấp và vì không tuân thủ UNCLOS khi dùng tàu một cách nguy hiểm chống lại tàu Việt Nam. Việt Nam cũng có thể kiện đòi đền bù. Những vụ kiện như thế này hoàn toàn khác biệt và độc lập với vụ kiện của Philippines.

Cục diện biển Đông thay đổi sau vụ kiện

Thay đổi lớn nhất là về chính trị và pháp lý. Nó sẽ quốc tế hóa tranh chấp và các hành vi của Trung Quốc lúc này sẽ bị quốc tế giám sát nhiều hơn dựa trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế. Vụ kiện cũng sẽ cho thấy hành vi và chính sách của Trung Quốc không đúng với những thỏa thuận (họ đã ký) và không chấp nhận được đối với cộng đồng quốc tế. Vụ kiện cũng có thể trở thành chuẩn mực về cách các nước hành xử trong các tranh chấp (cả trên bộ và trên biển). Vụ kiện có thể định hình hơn nữa cái gọi là “sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực” trong bối cảnh hiện đại khi các quốc gia không chỉ dùng lực lượng vũ trang mà cả lực lượng dân sự trên biển.

Nếu Việt Nam thắng kiện, Việt Nam có thể dùng chiến thắng này làm con bài trong các chiến lược đối ngoại tương lai với Trung Quốc và các nước khác. Ví dụ, một tuyên bố rằng hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp hay CNOOC phải chịu trách nhiệm dân sự với các ngư dân đang chịu tổn hại có thể dùng trong đàm phán với Trung Quốc trong tương lai. Hoặc Việt Nam có thể dùng để vận động sự ủng hộ từ các nước/các bên liên quan để đối phó với các chiến thuật của Trung Quốc.

du8iWl3z.jpgPhóng to

Thiếu tướng Lê Văn Cương - Ảnh: V.V.Thành

Thiếu tướngLÊ VĂN CƯƠNG (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an):

Cần có công hàm của Chủ tịch nước gửi Trung Quốc

Thông thường trên thế giới có bốn phương thức giải quyết tranh chấp quốc tế: một là thương lượng tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; nếu không được thì nhờ bên thứ ba làm trung gian hòa giải (ví dụ như CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc không ngồi được với nhau nên mới có đàm phán sáu bên); thứ ba là kéo nhau ra các cơ quan tài phán quốc tế; thứ tư mới là đánh nhau.

Tại Hội nghị cấp cao Asean lần thứ 24 ở Myanmar và trong trả lời phỏng vấn tại Manila (Philippines) vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rõ ràng Việt Nam kiên trì theo phương thức đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế - tức là phương thức thứ nhất, nhưng không từ bỏ phương thức nào cả. Chẳng hạn, năm 1979 khi Trung Quốc tấn công chúng ta thì chúng ta đáp trả.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần chuẩn bị cả bốn phương thức, nhưng lúc này phương thức đàm phán song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế để tìm giải pháp hòa bình vẫn còn dư địa, chưa khai thác hết. Với tư cách là người nghiên cứu khoa học, tôi nhận thấy dư địa rất rộng rãi, cần thúc đẩy mở rộng và nâng cao lên nữa.

Chúng ta cần phân biệt rõ: tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại các diễn đàn vừa qua là tuyên bố ở cấp diễn đàn quốc tế nhưng không phải là một công hàm chính thức. Khi họ đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam là họ đã dùng cả Bộ Chính trị và Quốc vụ viện để quyết chứ không phải là CNOOC (Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc). Họ xuất tướng mà ta mới dùng xe. Theo tôi, cần có một công hàm chính thức của Nhà nước, đại diện là Chủ tịch nước Việt Nam ký, gửi Chủ tịch nước Trung Quốc. Công hàm này cần nói rõ hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC), ba tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2011 đến nay... Thứ hai là công hàm đó cần nêu lên sự phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thứ ba là đề nghị cần có cuộc gặp cấp cao để thương thảo về vấn đề này. Sau khi gửi công hàm đi, ta có thể dịch ra các thứ tiếng khác nhau để đưa lên mạng.

Về phương án kiện, theo tôi, chúng ta rất nên chuẩn bị hồ sơ nhưng đợi lúc thuận lợi nhất. Nếu làm hết cách rồi mà Trung Quốc vẫn lảng tránh thì chúng ta làm tiếp. Chúng ta phải làm hết biện pháp theo phương thức đầu để không chỉ lãnh đạo Trung Quốc mà cả 1,3 tỉ người dân Trung Quốc và toàn thể thế giới cũng sẽ hiểu rằng Việt Nam đã thiện chí đến mức ấy rồi.

Hiện nay, Quốc hội nước ta mong muốn nghị viện, nghị sĩ các nước vì công lý, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới ủng hộ lập trường của Việt Nam và phê phán hành động sai trái của Trung Quốc, có tiếng nói yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Ông Phúc cho biết hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang củng cố hồ sơ làm cơ sở khởi kiện các nội dung có liên quan ra tòa án quốc tế.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Ngày thường giữa bão dông“Lòng tin chiến lược” và “hữu nghị viển vông”Tàu cảnh sát biển VN tiến vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981 134 tàu Trung Quốc rải dày đặc quanh giàn khoan 981 Trước tháp Eiffel, nói “không” với giàn khoan 981Giàn khoan Trung Quốc hoạt động tại biển VN là bất hợp pháp Nhiều tàu cá Trung Quốc bảo vệ giàn khoan 981

THANH TUẤN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên