24/05/2014 09:35 GMT+7

Ngày thường giữa bão dông

TẤN VŨ - VIỄN SỰ
TẤN VŨ - VIỄN SỰ

TT - Vượt gần 200 hải lý từ Đà Nẵng, tàu chúng tôi mất gần 24 giờ mới tiếp cận được biên đội kiểm ngư Vùng 4, gồm năm tàu kiểm ngư đang đối diện với các tàu Trung Quốc tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981.

Kỳ 1: Ngày truy cản, đêm uy hiếp Kỳ 2: Cuộc chạm trán sáng 12-5 Kỳ 3: Đưa nhà báo quốc tế ra “điểm nóng” Hoàng Sa

NfFcVuC0.jpg
Một kiểm ngư viên đang bịt cửa sổ tàu 9226 bằng tấm nệm ngủ của mình - Ảnh: Tấn Vũ

Những con tàu này đã kiên cường bám trụ tại đây từ những ngày đầu tiên khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Chia nhau một ít rau xanh

Sự xuất hiện của con tàu 9226 vào giữa biên đội tàu kiểm ngư lúc này làm mọi thứ như ấm lại dù cạnh đó hàng chục tàu Trung Quốc đang hung hăng bủa vây.

16g, mặt trời chếch bóng hẳn về phía tây, từng con tàu trong biên đội ghé chào tàu chúng tôi và chuyển những chỉ huy kiểm ngư lên tàu 9226 làm nhiệm vụ.

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt từng kiểm ngư viên khi gặp người nhà từ đất liền ra đây. Những cái ôm thật chặt giữa biển trời mênh mông như tiếp thêm ý chí cho từng con tàu, từng kiểm ngư viên.

Người đàn ông cao lừng lững, tóc hoa râm, nụ cười tươi luôn trên môi là chỉ huy trưởng biên đội tàu kiểm ngư Vùng 4, tên Vũ Đức Tạo.

Vừa bước chân lên tàu ông Tạo đã chia sẻ: “Ở bên ấy ba ngày mới tắm một lần, thương anh em rất vất vả. Nước hạn chế nên tiết kiệm vì chuyến công tác chưa biết kéo dài bao lâu”.

Nhìn những con tàu nhiều chỗ móp méo, lan can xiêu vẹo, sơn bong tróc, có chiếc rađa, ăngten bị gãy... chúng tôi thấu hiểu những nhọc nhằn các anh vừa nếm trải và mùi vị ác liệt của cuộc đấu tranh này.

Gọi thuyền trưởng tàu 9226 Nguyễn Cao Duy lại, ông Tạo nói: “Chú có nhiều rau xanh, bí đao hay dưa cải gì dưới hầm không, chuyển cho anh em trên mấy tàu nhỏ chút ít. Nhiều ngày rồi bên ấy thiếu rau xanh...”.

Ngay lập tức, lệnh từ thuyền trưởng được truyền xuống nhà bếp. Các anh nuôi tất tả mang bắp cải còn tươi, những quả bí đao lành lặn nhất, những bó rau muống vừa héo lá vì đi xa chia ra từng phần, gói ghém cẩn trọng trong các bao nilông vì sợ rơi xuống nước.

Những tờ báo Tuổi Trẻ với hình ảnh cảnh sát biển, kiểm ngư đấu tranh vì chủ quyền và khí thế sục sôi mới nhất cũng được gói cẩn thận để chuyển sang các tàu kiểm ngư cho anh em theo dõi thời sự trong đất liền...

Thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy tâm sự: “Mình vừa từ đất liền ra không thiếu rau nhưng anh em ở đây lâu ngày cần rau xanh nên chúng tôi sẵn sàng sẻ chia mọi thứ. Trước khi ra tôi cũng dự phòng điều này nên mua kha khá một chút cho các tàu”.

Khoảng 17g, từng con tàu cập mạn và quà được chuyển sang. Đứng giữa thành tàu, ông Tạo nói: “Chừng ấy rau và bí cũng đủ cho một vài bữa cơm canh thôi nhưng anh em sẽ rất vui. Báo chí thì quý lắm. Hôm đi, lệnh lên đường lúc chiều, rau, quả, củ... ngoài chợ đóng cửa sạch mua không được nhiều. Chắc là vài hôm nữa tàu hậu cần sẽ đến”.

Cầm tờ báo trên tay, nhiều kiểm ngư viên đọc ngấu nghiến thông tin từ quê nhà. Thông tin từ cấp trên đến thông tin hậu phương, đặc biệt là tấm lòng từ người dân mọi miền đất nước, như tiếp thêm sức mạnh lúc này.

Bf6kcrr3.jpg
Tàu hải cảnh 21101 của Trung Quốc đang áp sát tàu kiểm ngư 769 của VN - Ảnh: Viễn Sự

Gìn giữ quốc kỳ

Trừ những kiểm ngư viên đi ca lái tàu hoặc trực đêm, những kiểm ngư viên còn lại nằm hẳn xuống sàn tàu ngủ vùi sau một ngày đấu tranh với tàu Trung Quốc.

Những lúc sóng lớn khiến nhiều người va đập vào thành tàu, cạnh giường. Trong khi đó những chiếc nệm lót giường của các anh được tháo ra mang lên áp vào các tấm kính để chắn súng bắn nước từ tàu Trung Quốc.

Thuyền phó tàu 9226 Nguyễn Bưởi cho hay sau trận bị vòi rồng Trung Quốc tấn công vào sáng 12-5, những tấm kính cường lực trên tàu tuy không bể nhưng các góc bị chấn động mạnh nên anh em nghĩ ra cách lấy nệm ngủ để gia cố.

“Nhìn anh em ngủ như vậy cũng xót lắm, nhưng anh biết đấy tàu là nhà. Nếu những tấm kính này vỡ ra, nước tràn vào xuống khoang máy thì rất nguy...” - thuyền phó Bưởi chia sẻ.

Kiểm ngư viên Phạm Đức Minh phải ôm hẳn cái chân ghế ở phòng “câu lạc bộ” để ngủ qua đêm tránh bị sóng dập.

Cũng như các kiểm ngư viên khác trên tàu, Minh từ Hải Phòng ra Hoàng Sa công tác đột xuất nên không kịp tạm biệt vợ và con trai 2 tuổi. Tuy vất vả nhưng Minh chẳng hề nao núng với ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền.

“Tôi đi nhưng chưa kịp nói, mà chắc vợ cũng biết nghề này là vậy, đi là đi nửa đêm hay đứng trưa cũng xuất phát vì đó là nhiệm vụ” - Minh nói.

Nằm dưới sàn tàu cùng chúng tôi là Nguyễn Xuân Tâm, làm anh nuôi trên tàu, dù sóng gió có giật, anh em có say sóng tả tơi nhưng nhiệm vụ của Tâm là phải cơm canh đúng bữa.

“Thương anh em thì phải chăm lo cơm nước cẩn thận. Có nhiều hôm em vừa say sóng vừa loạng choạng cũng phải nấu cơm cho chín, cá kho cho ngon để anh em ấm bụng” - Tâm kể lại.

Tâm cho biết anh rất quý hai kiểm ngư viên trẻ là Đỗ Văn Cành và Nguyễn Văn Chinh, hai người đã có những hành động dũng cảm trong lúc nguy cấp. “Nếu mấy anh ấy bị thương tôi sẽ thay” - Tâm quả quyết.

Thấu hiểu nỗi vất vả của anh em, anh Đinh Kim Thảo, người lớn tuổi của tàu, luôn theo sát và động viên tinh thần các kiểm ngư viên trẻ.

Anh Thảo bảo: “Kẻ địch rất nhiều mưu mẹo, mình phải tỉnh táo, sáng suốt để tránh. Để làm được điều đó trước tiên tinh thần anh em, phải thương yêu nhau, đoàn kết vững vàng thành một khối thì mọi chuyện mới thành”.

Anh Nguyễn Xuân Đường, cán bộ thông tin trên con tàu 9226, tính trầm tư rất ít nói. Nhưng chúng tôi để ý sau một trận quần nhau với tàu Trung Quốc, anh lại leo lên nóc con tàu.

Tự tay anh buộc chặt lá cờ Tổ quốc, trân trọng chỉnh sửa cho chắc chắn, sạch sẽ hơn và vững vàng tung bay trên đỉnh cao nhất của con tàu giữa biển trời Hoàng Sa.

“Lá cờ trên con tàu là hình ảnh Tổ quốc mình, nhất quyết không để cờ tuột và bay. Và không để súng nước của họ làm rách hoặc bẩn cờ mình. Tôi rất cẩn trọng điều này” - anh Đường tâm sự.

Buổi đầu tiên với việc lao vào cách giàn khoan Trung Quốc 3,8 hải lý khiến tàu 9226 mang nhiều thương tích. Ăngten gãy, nhiều thiết bị hỏng hóc... nhưng tinh thần anh em vẫn phấn chấn.

Thuyền trưởng Duy, biên đội trưởng Tạo cùng tập thể chỉ huy tàu đi đến từng mâm cơm để chia sẻ, động viên anh em, bởi ngày mai vẫn có thể là một ngày dài không yên ả.

Đêm đó các nhà báo cùng các kiểm ngư viên bắt nhịp những bài ca hào hùng trên con tàu ầm ào sóng vỗ...

Nhờ người đưa vợ đi sinh con để ra Hoàng Sa

Đó là câu chuyện của kiểm ngư viên Nguyễn Xuân Tâm trên tàu 9226. Ngày vợ Tâm chuyển dạ cũng là ngày các biên đội kiểm ngư được lệnh cấm trại, chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Dù được cơ quan tạo điều kiện cho về Ninh Bình trước đó, nhưng Tâm đã quyết định ở lại Hải Phòng chờ lệnh đi Hoàng Sa, rồi gọi điện về quê ở Ninh Bình nhờ gia đình hai bên giúp vợ mình, với lời nhắn khi nào con gái đầy tháng sẽ trở về. Nhưng lời hứa ấy của Tâm với gia đình bây giờ phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian của chuyến công tác đặc biệt này ở Hoàng Sa. “Trước khi vợ sinh hai tháng tôi cũng chưa có dịp về vì cứ đi biển suốt, vợ tôi đã quen với những lần trễ hẹn rồi nên chuyến này đi công tác đặc biệt ở Hoàng Sa, chắc cô ấy sẽ thông cảm” - Tâm chia sẻ chân thành.

TẤN VŨ - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên