22/05/2014 10:41 GMT+7

Cuộc chạm trán sáng 12-5

TẤN VŨ - VIỄN SỰ
TẤN VŨ - VIỄN SỰ

TT - Khi con tàu 9926 của lực lượng kiểm ngư Việt Nam xuất hiện tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, ngay lập tức tám tàu hải cảnh Trung Quốc xoay mũi nhọn hướng về tàu 9926.

Kỳ 1: Ngày truy cản, đêm uy hiếp

apt1t8Wv.jpgPhóng to
Chỉ huy tàu 9926 và chỉ huy biên đội kiểm ngư căng mình trước sự tấn công hung hăng của các tàu Trung Quốc sáng 12-5 - Ảnh: Tấn Vũ

Chưa dừng lại ở đó, số tàu được điều động đến đây tăng lên từng giờ, có lúc đến hơn 20 tàu hải cảnh, vây quanh biên đội gồm năm tàu kiểm ngư Việt Nam ngay trong chiều đầu tiên các nhà báo có mặt.

Trong vòng vây

Đêm đầu tiên chúng tôi nằm cách giàn khoan Hải Dương 981 gần 10 hải lý. Sáng 12-5, biên đội tàu kiểm ngư xoay mũi hướng tiến vào giàn khoan theo đội hình chữ A viết ngược.

Bên trái là hai tàu kiểm ngư, bên phải ba tàu, mỗi tàu cách nhau từ 0,2-0,4 hải lý, và sau cùng là tàu 9926.

Thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy từ buồng lái phát lệnh: “Toàn tàu đóng kín cửa. Ngành 5 báo cáo tình trạng máy. Anh em mang áo phao tập trung cabin. Tăng cường quan sát mạn trái và phía trước”.

Qua Icom, giọng chỉ huy Tạo vẫn ôn tồn: “Các nhà chú ý! Cơ động chậm tiến về G”.

Ngay lập tức năm chiếc tàu Trung Quốc to lừng lững xuất hiện. Với ưu thế to lớn, tốc độ cao, những chiếc tàu này chạy phăng phăng trên mặt biển để lại những con sóng lớn rẽ quạt ra hai bên nhằm thị uy.

Chưa hết, khoảng 10 tàu Trung Quốc khác tạo thành một hành lang thứ hai bên trong, chuẩn bị vây ráp các tàu Việt Nam.

Kiểm ngư viên lớn tuổi Đinh Kim Thảo hạ lệnh cho các tàu kiểm ngư trong biên đội mở loa tuyên truyền. Tất cả các tàu mở loa hướng về tàu Trung Quốc: “Đây là vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Luật biển Việt Nam và Công ước quốc tế về luật biển năm 1982. Mọi hoạt động của quý vị tại khu vực này là trái phép, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về luật biển năm 1982...”.

Bất chấp mọi yêu cầu từ phía ta, chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc to lớn mang số hiệu 2401 bất ngờ tăng tốc lao thẳng vào mạn phải tàu 9926, rồi đổi hướng đột ngột và quay ra phía sau quan sát.

Tiếp đó một tàu hậu cần Trung Quốc hụ còi inh ỏi, phun vòi rồng dữ dội vào tàu kiểm ngư số hiệu KN 768.

Sau khi trinh sát xong trận địa, tàu 2401 vòng qua phía trái tàu 9926, tàu hậu cần Trung Quốc bọc sau đuôi, tiếp theo đó là tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 21101 cùng nhau lao vào phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư 9926.

“Hai máy 900. Hướng 130 độ thẳng tiến!” - thuyền trưởng Duy hạ lệnh.

Con tàu 9926 rướn mình lao về phía trước với tốc độ gần 11 hải lý/giờ. Súng bắn nước vẫn phun xối xả vào tàu chúng tôi. Trên cabin tàu một mảng bọt trắng xóa. Nước tràn vào bên trong tàu. Các kiểm ngư viên phải lấy áo quần nhét những chỗ xì nước vào bên trong.

Trên đỉnh tàu tiếng ầm ầm, reng réc, tiếng gãy đổ... Bên ngoài, những chiếc trực thăng Trung Quốc bay vòng trên không theo dõi, những chiếc tiêm kích khác gầm rú trên bầu trời thị uy.

Bất ngờ chiếc hải cảnh số 21101 tăng tốc lao thẳng về trước mũi tàu 9926 rồi dừng lại đột ngột. Lập tức Duy lệnh: “Lùi máy rẽ trái, tránh đâm va!”. Chiếc 9926 lập tức lách sát phía sau đuôi tàu 21101 tránh một cú đâm mạn trái vào tàu hải cảnh 21101.

Hai chiếc, rồi ba chiếc tàu Trung Quốc khác liên tục bám đuổi tàu chúng tôi. Chúng tấn công bằng súng bắn nước và chạy cắt mặt, cố tình để cho tàu 9926 đâm vào mạn trái.

Trước áp lực đó, biên đội trưởng Tạo cho thực hiện những biện pháp tự vệ. Các tàu Trung Quốc bắt đầu né ra xa hơn. Tàu 9926 liên tục đổi hướng, xoay vòng, tiến lùi trong phạm vi hẹp...

NaXEYNkz.jpgPhóng to
Một tàu kiểm ngư Việt Nam bị hư hại nặng sau cú đâm của tàu Trung Quốc - Ảnh: Thuận Thắng
IPAYBapG.jpgPhóng to
Một tàu hải cảnh Trung Quốc lao vào tàu VN - Ảnh: Thuận Thắng

Cố tình đâm mạn phải...

Sau hơn một giờ quần thảo với các tàu Trung Quốc, trên rađa hiện rõ khoảng cách từ tàu 9926 đến giàn khoan là 3,8 hải lý - khu vực gần nhất mà con tàu chúng tôi tiếp cận.

Từ đây các nhà báo chụp được rất nhiều hình ảnh rõ nét về giàn khoan Hải Dương 981.

Liên tục chỉ đạo biên đội, chỉ huy các tàu, biên đội trưởng Vũ Đức Tạo cho hay: “Các tàu của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hôm nay”.

Quẹt mồ hôi trán, thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy phân tích: “Anh có thấy tất cả tàu Việt Nam ta ra đây bị đâm thường là bị bên phải. Trong khi đó các tàu Trung Quốc thì đưa mạn trái ra cho mình đâm va vào. Theo Luật hàng hải quốc tế, nếu đâm bên phải thì không sao nhưng đâm va bên trái thì rõ ràng người đâm phải chịu trách nhiệm. Đây là một chiêu bài của họ!”.

Anh Duy cho biết nếu thuyền trưởng không tinh mắt, không bình tĩnh, không phân tích và xử lý tình huống tốt thì mọi việc sẽ rối tung ngay lập tức.

Việc phân công rõ ràng, làm việc theo nhóm chính là sức mạnh của con tàu. Và tàu 9926 đã thể hiện được điều đó qua hơn một giờ quần thảo.

“Nếu ngành máy không dừng và lùi kịp thời theo lệnh, hoặc anh em không quan sát trên boong tốt thì cú đâm vào tàu hải cảnh 21101 dừng trước mũi sẽ rất mạnh. Khả năng đổ vỡ, chìm là có. Khi đó địch buộc ta gây rối, hung hăng và mắc mưu ngay” - anh Duy phân tích.

Thuyền trưởng Duy còn cho hay để tạo chứng cứ giả là nạn nhân bị đâm, các tàu Trung Quốc thường có ưu thế về tốc độ do đó sẽ chạy lùi và húc vào mũi các tàu Việt Nam. “Nếu nhìn qua video từ góc quay của tàu Trung Quốc rõ ràng tàu ta đang tấn công. Vì vậy thuyền trưởng phải điều khiển con tàu né tránh những cú đâm như vậy” - Duy nói.

Duy còn cho biết đặc điểm rất nham hiểm của các tàu hải cảnh Trung Quốc khi tấn công tàu Việt Nam là nhằm vào các điểm trọng yếu của con tàu như rađa, ăngten, các thiết bị điện tử để làm tê liệt hệ thống thông tin con tàu. Bắn nước vào các cửa kính gây đổ vỡ, gây thương tích, cháy nổ. Bắn nước vào các ống khói để gây chết máy, làm hỏng hóc máy tàu để con tàu mất khả năng đi biển.

“Ở đây mỗi ngày ra khơi là một ngày trên thực địa tranh đấu. Cuộc đấu tranh với một đối tượng như vậy đòi hỏi phải can trường và đầy quả cảm. Chúng tôi nguyện hết lòng, hết sức đấu tranh đẩy đuổi bằng được buộc chúng phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” - thuyền trưởng Duy quả quyết.

_____________________

Kỳ tới:Đưa “điểm nóng” ra thế giới

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Việt Nam - Philippines chia sẻ về tình hình biển ĐôngIndonesia phản bác quan điểm của Trung Quốc về biển ĐôngTrung Quốc tăng cường tàu kéo, điều máy bay chụp ảnh tàu VNToàn cảnh vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển VN

TẤN VŨ - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên