24/07/2014 08:03 GMT+7

Phải gặp gỡ, đối thoại với dân

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Lần đầu tiên thực hiện quy định của Luật tiếp công dân, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã dành trọn một ngày làm việc (22-7) để trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với những người khiếu kiện.

Nhận thiếu sót vì để dân vất vả khiếu kiệnThành viên Chính phủ sẽ tiếp dân khiếu kiệnTiếp công dân: chưa rõ trách nhiệm

Theo tường thuật của báo chí, với sáu cuộc làm việc liên tiếp (chưa kể một số nhóm khiếu kiện khác vẫn chờ bên ngoài nhưng không đủ thời gian), hai thành viên Chính phủ cùng đoàn công tác chỉ kịp lót dạ bánh mì trong 20 phút khi đã quá trưa để dành thời gian hoàn thành chương trình buổi chiều.

Với những người đi khiếu kiện mà thời gian đeo đuổi vụ việc đã tính bằng nhiều tháng, nhiều năm, những giờ phút được gặp cán bộ và được lắng nghe chắc không gì quý giá hơn. Như bà Nguyễn Thị Mai (huyện Đan Phượng, Hà Nội) năm nay đã 73 tuổi với hơn 13 năm đi kiện tâm sự: “Tôi xúc động quá! Mong lúc nào cũng được gặp những cán bộ ân cần, niềm nở với dân, giải thích cho dân hiểu vấn đề như thế này. Hơn chục năm đi khiếu kiện, giờ tôi có thể yên tâm về nhà đợi kết quả được rồi”.

Vì sao nhiều năm ròng rã đi kiện mà đến bây giờ bà Mai và nhiều công dân khác cùng cảnh ngộ mới có cảm giác yên tâm? Một trong những nguyên nhân chính nằm ở công tác tiếp dân tại địa phương. Trong nhiều cuộc làm việc gần đây về chủ đề này, thiếu tướng Bùi Mậu Quân (phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Bộ Công an) đã phản ảnh rằng bên cạnh các lý do khách quan khác, nguyên nhân đáng chú ý là có nơi khi xảy ra vụ việc khiếu nại, tố cáo thì cán bộ né tránh, đùn đẩy trong lúc người dân lại muốn được gặp người có trách nhiệm. Ngay như bà Nguyễn Thị Bích Ngà (ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương) trong một cuộc họp cũng đã bức xúc đề nghị cần phải công khai tên các địa phương, chủ tịch UBND địa phương không thực hiện tốt công tác tiếp dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát, ông Vũ Quốc Hùng (nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương) cũng cho rằng: “Theo phân cấp thì phần lớn nội dung khiếu kiện phải được giải quyết ở cấp tỉnh, nếu có lên trung ương cho ý kiến chỉ đạo thì rồi vụ việc cũng đưa về tỉnh triển khai cụ thể. Cho nên muốn hạn chế việc dân cơm đùm cơm nắm lên trung ương khiếu kiện, không có cách nào tốt hơn là đòi hỏi cán bộ ở tỉnh phải chịu gặp gỡ, đối thoại với dân. Nếu ở địa phương giải quyết hợp lý, hợp tình theo đúng quy định pháp luật thì chắc là chẳng có người dân nào tự nhiên lại bỏ nhà bỏ cửa lên trung ương làm gì”.

Tới đây, cứ định kỳ hằng tháng, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và tổng thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công dân. Tại các cuộc làm việc này, bên cạnh giải quyết những vụ việc cụ thể, các thành viên Chính phủ cần chủ động nắm bắt địa phương nào bê trễ, né tránh việc tiếp dân tại cơ sở và công khai theo đề nghị của đại diện Ủy ban Kiểm tra trung ương. Việc công khai, minh bạch sẽ tạo thêm động lực để Luật tiếp công dân được thực hiện nghiêm minh không chỉ riêng tại trụ sở tiếp công dân ở trung ương.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên