"Xem bắn pháo hoa họ bày rất nhiều thức ăn, xả rác rồi thoải mái ra về, phó thác việc dọn dẹp cho công nhân vệ sinh. Tôi thấy rất xót xa cho họ vì nó thuộc ý thức, hành vi văn hóa". Đó là lời của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp tổng kết công tác chăm lo Tết Mậu Tuất cho người dân hôm 22-2.
Người đứng đầu chính quyền TP xót xa vì hành vi xả rác cứ lặp đi lặp lại, trở thành chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", thành bệnh kinh niên có thuốc mà không thể chữa được.
Chuyện TP ngập rác sau một hoạt động văn hóa, thể thao; Đà Lạt ngập rác sau một mùa tết; Bờ hồ Hà Nội ngập rác sau đêm giao thừa; các khu di tích lịch sử, danh thắng ngập rác sau mùa lễ hội... khiến cho không ít người cảm thấy ngao ngán.
Chính vì vậy, lâu lâu những dòng tin kiểu như cổ động viên Việt Nam sau trận chung kết U-23 châu Á ở Thường Châu (Trung Quốc) ở lại nhặt rác; hoặc công ty du lịch nọ cứ định kỳ hằng tuần ra Bờ hồ tình nguyện nhặt rác... lại thu hút người đọc, người xem.
Một chuyện vô lý (xả rác) đã trở thành bình thường, quen thuộc; một chuyện bình thường (nhặt rác) ở Việt Nam đã trở thành phi thường, lạ lẫm!
Tại nhiều nước, xả rác là hành vi đáng xấu hổ và bị phạt rất nặng. Ở Singapore, theo luật có từ năm 1968, người vi phạm sẽ phải nộp phạt 1.000 đôla Singapore (hơn 750 USD) và phải lao động công ích (quét đường). Tái phạm, ngoài việc bị phạt nặng hơn thì còn phải chịu một hình phạt nhiều khi nặng hơn cả tiền: phải mặc chiếc áo có dòng chữ đại ý "Tôi là kẻ xả rác bừa bãi".
Philippines còn khắc nghiệt hơn, theo một sắc lệnh của tổng thống năm 1975, người xả rác ở nơi công cộng (đường phố, kênh rạch, công viên...) ngoài việc bị phạt tiền còn bị phạt tù từ 5 ngày tới 1 năm hoặc cả hai.
Mỹ thì có cả một quy định chi tiết hình phạt cho hành vi xả rác, tùy theo từng bang mà số tiền phạt có thể từ 20 USD lên đến 30.000 USD (bang Maryland), kèm theo hình phạt tù từ 10 ngày tới 6 năm...
Việt Nam cũng đã có hẳn một nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó quy định rất chi tiết các mức xử phạt đối với hành vi xả rác.
Cụ thể, theo nghị định 155/2016/NĐ-CP, từ tháng 2-2017 mức xử phạt đối với các hành vi vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại là từ 3 đến 5 triệu đồng; vứt tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định: từ 500.000 đến 1 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước: từ 5 đến 7 triệu đồng...
Rõ ràng là pháp luật không phải là không có nhưng cớ sao vẫn phải "xót xa" vì rác? Phải chăng do việc thực thi luật không nghiêm, không đến nơi đến chốn, thiếu lực lượng thực thi pháp luật, hay vì quá nhiều vi phạm và không thể có lực lượng nào phạt cho nổi?
Tuy nhiên, pháp lý dù có hoàn hảo đến mấy chăng nữa thì cũng không thể điều chỉnh hết mọi hành vi trong xã hội mà phải cần tới đạo lý.
Làm sao để hình thành và duy trì được nhận thức không xả rác nơi công cộng, đường phố, công viên, sông suối; làm sao để khi ai đó mỗi khi chuẩn bị xả rác thì lương tri, con người trong họ lên tiếng cảnh tỉnh, nhắc nhở, răn đe họ không được xả ra.
Để có được đạo lý đó, ngoài vai trò của nhà nước, pháp luật, giáo dục, cần sự chung sức của mọi người, trong đó quan trọng là thái độ quyết liệt, rõ ràng của xã hội lên án việc xả rác, coi việc xả rác là hành vi phạm tội, người xả rác là "người ngoài hành tinh" thì tự khắc mỗi cá nhân sẽ điều chỉnh hành vi của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận