19/05/2023 10:10 GMT+7

Phải 'chỉn chu' với quy hoạch điện 8

Một nhà đầu tư điện gió từ Thái Lan có dự án mắc kẹt vì không kịp hưởng giá cố định (FIT) và đang phải đàm phán giá chuyển tiếp đã than thở rằng nếu tình trạng này cứ kéo dài, doanh nghiệp phải cân nhắc việc tiếp tục đầu tư ở Việt Nam.

Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện 8 - Ảnh: TÂM AN

Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện 8 - Ảnh: TÂM AN

Trong tâm trạng đó, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện 8) được Chính phủ phê duyệt mang đến không ít cảm xúc cho nhà đầu tư.

Bởi trong bối cảnh nhiều dự án và cả ngành năng lượng tái tạo bị thanh tra, kiểm toán và cũng có những sai phạm được chỉ ra, rồi hàng loạt dự án đắp chiếu chờ cơ chế giá mới, thì định hướng chiến lược phát triển điện lực giai đoạn tới khẳng định sẽ thúc đẩy năng lượng sạch với tỉ trọng ngày càng lớn khiến nhà đầu tư vừa khấp khởi hy vọng nhưng cũng đầy lo lắng.

Mừng là vì Việt Nam đã trở thành hình mẫu trong phát triển năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á khi chiếm tỉ trọng 27% về công suất nguồn và khoảng hơn 15% về sản lượng điện. Với cam kết không phát thải carbon (net zero), yêu cầu phát triển điện sạch mà quy hoạch điện 8 đưa ra càng khẳng định xu thế này.

Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để có một hành lang pháp lý chuẩn mực để nhà đầu tư yên tâm rót vốn, với tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro". Đó là nhà đầu tư được tham gia trong một môi trường đầu tư minh bạch, có được mức giá phù hợp để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Đặc biệt là phải tránh những rủi ro pháp lý phát sinh do cơ chế thay đổi liên tục.

Lo là vì chúng ta đang là hình mẫu phát triển năng lượng sạch nhưng sự phát triển "nóng" không đi kèm với quản lý bài bản đã để lại hệ lụy cho cả nhà đầu tư lẫn xã hội. Với nhà đầu tư, đó là dự án điện ngàn tỉ nhưng không thể phát điện hoặc đấu nối truyền tải. Với xã hội là tiền đổ vào nhiều nhưng lại nơm nớp lo thiếu điện. Những tồn tại trong phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua giờ đây phải mất nhiều thời gian để xử lý.

Triển khai quy hoạch điện 8 không thể đi vào vết xe của điện 7. Hay nói cách khác là sau quá trình triển khai quy hoạch điện 8, kết quả phải là "thành công, hiệu quả" cho cả các bên, Nhà nước - người tiêu dùng và nhà đầu tư, thay vì phải ngồi lại giải quyết tồn tại do trước đó làm chưa bài bản, chệch choạc.

Đặt trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực cũng đang chạy đua thu hút vào năng lượng sạch, cùng với Thái Lan, mới đây Philippines được xem là thị trường mới nổi khi mở cơ chế đấu thầu đã tạo thêm sức ép với Việt Nam trong việc tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh để giữ chân nhà đầu tư, qua đó thực hiện trọn vẹn quy hoạch điện 8 hơn.

Quy hoạch điện 8 có nhiều mục tiêu lớn nhưng với người dân, người tiêu dùng, đó là không phải nỗi lo thiếu điện và cắt điện, mà là được xài điện "sạch" với giá tiền ở mức vừa phải, chấp nhận được.

Để làm được điều này, cần phải tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, một hành lang pháp lý đồng bộ, một hành lang "sạch", nhất quán không chỉ giúp thu hút đầu tư mà còn ngăn chặn lợi ích nhóm, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. Những lệch pha như đầu tư không đồng bộ giữa hệ thống nguồn điện và lưới truyền tải điện, dự án đắp chiếu... cần không được lặp lại.

Thực trạng thiếu điện diện rộng trong mùa khô đang hiện hữu chính là lời cảnh báo phải "chỉn chu" khi thực hiện quy hoạch điện 8.

Quy hoạch điện 8: Thủ tướng yêu cầu không chạy theo lợi ích nhómQuy hoạch điện 8: Thủ tướng yêu cầu không chạy theo lợi ích nhóm

TTO - Sáng 11-8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã kiến nghị Thủ tướng sớm phê chuẩn Quy hoạch điện 8. Tuy nhiên Thủ tướng đề nghị phải làm rõ về giá của năng lượng tái tạo, “chưa rõ thì chưa duyệt”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên