Làn sóng nói không với súng cũng đang bùng lên dữ dội tại Mỹ, nhưng...
Dư luận Mỹ kêu gọi thắt chặt luật sở hữu vũ khíLãnh đạo nhiều nước chia buồnThảm sát ở trường tiểu học rúng động nước Mỹ
Phóng to |
Chân dung các học sinh tiểu học thiệt mạng tại Trường Sandy Hook, Newtown - Ảnh: Reuters |
Theo báo New York Times, sáng 17-12 tang lễ của hai trong số 20 học sinh thiệt mạng trong vụ thảm sát tại Trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut đã được tổ chức. Tối 16-12, tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân tại Newtown, Tổng thống Obama khẳng định: “Phải chấm dứt những thảm kịch này”. “Không lời nào có thể diễn tả được sự đau buồn hay chữa lành được trái tim của mọi người” - ông Obama nghẹn ngào.
“Liệu chúng ta có thể nói rằng mình đã thật sự làm đủ để tất cả trẻ em trên đất nước này có cơ hội sống trong hạnh phúc và có ý nghĩa? Tôi tự vấn mình về điều này vài ngày qua. Thành thật mà nói, câu trả lời là chưa đủ” - tổng thống Mỹ nhấn mạnh. Ông dùng nhiều từ như “không thể dung thứ”, “phải thay đổi”. Đây là lần thứ ba trong năm nay ông Obama đã phải lên tiếng chia buồn cùng các cộng đồng là nạn nhân của những vụ xả súng.
Thảm kịch có thể đẫm máu hơn
Trước gia đình các nạn nhân, tổng thống Mỹ cam kết sẽ làm hết sức cùng với các quan chức hành pháp, nhà giáo dục để ngăn chặn những vụ xả súng bừa bãi. “Chúng ta vẫn chưa làm đủ và chúng ta phải thay đổi” - ông Obama cam kết. Thành phố Newtown cũng đang cố gắng gượng dậy. Thống đốc bang Connecticut Dan Malloy nói: “Chúng ta sẽ tìm lại sức mạnh”.
Theo Reuters, lễ rước Giáng sinh ở các nhà thờ tại Newtown sẽ vẫn diễn ra. Các lớp học mở cửa trở lại vào ngày 18-12, trừ Trường Sandy Hook. Các học sinh Sandy Hook sẽ được học tại một trường khác ở Connecticut để tránh việc các em phải trở lại hiện trường vụ thảm sát. Newtown sẽ tổ chức nhiều hoạt động thể thao, giải trí để giúp các em nhỏ. Các giáo viên đang thảo luận vấn đề liệu có nên nói chuyện với học sinh nhỏ tuổi về vụ thảm sát hay không.
Tiếp tục có thêm chi tiết vụ xả súng đẫm máu. Báo Washington Post dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết hung thủ Adam Lanza đã bắn phá cổng trường bằng khẩu súng trường bán tự động Bushmaster AR15 rồi xông vào sát hại các học sinh và giáo viên. Đây là loại súng có khả năng sát thương cao, rất được ưa chuộng ở Mỹ. Hồi tháng 7, hung thủ James Holmes cũng dùng súng này bắn chết 12 người trong một rạp chiếu phim ở Colorado. Tuần trước, hung thủ Jacob Roberts dùng súng AR 15 bắn chết hai người trong một siêu thị ở Portland, bang Oregon, trước khi tự sát.
Khi cảnh sát xông đến Trường Sandy Hook sau 10 phút, Adam Lanza đã tự sát bằng một khẩu súng ngắn. Trước đó, hắn đã bắn mẹ của mình là bà Nancy Lanza bốn phát vào đầu ở nhà. Sĩ quan cảnh sát Paul Vance tiết lộ khi xả súng, Adam Lanza mang theo hàng trăm viên đạn chứa trong nhiều băng đạn, mỗi băng có 30 viên. Chừng đó đủ để giết hại toàn bộ 450 học sinh Trường Sandy Hook. Ngoài ra hắn còn để một khẩu súng khác trong xe. “Hắn có rất nhiều đạn - ông Vance cho biết - Có thể thảm kịch này còn đẫm máu hơn nếu hung thủ không tự sát”.
Nói không với súng đạn
Vụ thảm sát ở Newtown đã thổi bùng lên làn sóng chống bạo lực súng đạn tại Mỹ. Theo Reuters, mới đây thượng nghị sĩ Dianne Feinstein thuộc Đảng Dân chủ, tác giả của đạo luật cấm vũ khí sát thương cao bị hết hiệu lực năm 2004, tuyên bố sẽ trình quốc hội một dự luật kiểm soát súng đạn mới. Nhiều nghị sĩ Dân chủ cũng khẳng định sẽ thảo luận về vấn đề kiểm soát súng đạn.
“Vụ thảm sát này là giọt nước tràn ly. Chúng ta có thể sẽ đạt được một bước tiến mới (trong việc kiểm soát súng đạn)” - thượng nghị sĩ Feinstein nêu rõ. Thống đốc Connecticut Malloy cũng kêu gọi Tổng thống Obama nghiêm túc trong nỗ lực kiểm soát vũ khí. Theo khảo sát mới đây của báo Huffington Post và Hãng YouGov, 50% người Mỹ được hỏi khẳng định luật kiểm soát súng cần được thắt chặt hơn, trong khi 43% cho rằng luật cần được giữ nguyên. Khảo sát hồi tháng 4-2012 chỉ cho kết quả 44% người được hỏi ủng hộ luật kiểm soát súng đạn.
Giới truyền thông Mỹ cũng lên tiếng rất mạnh mẽ. Xã luận báo Washington Post viết: “Chúng ta khóc thương nhưng chúng ta cần giận dữ. Thảm họa kinh hoàng ở Newtown phải khiến chúng ta rũ bỏ sự hèn nhát, nỗi sợ hãi, chủ nghĩa cơ hội đã ngăn chặn hệ thống chính trị hành động nhằm hạn chế bạo lực súng đạn”. Báo Boston Globe nhấn mạnh: “Cần biến đau thương thành hành động”.
Tuy nhiên, báo Le Figaro của Pháp nhận định cuộc tranh luận của nước Mỹ đang diễn ra theo hướng không phải là loại bỏ súng đạn, mà là đưa ra những hạn chế đối với một số cá nhân và một số loại súng. Một trong những trở ngại chính là vai trò của các bang vốn đua nhau để luật pháp hóa việc sở hữu vũ khí. Xu hướng trong những năm qua là đưa ra những đạo luật ngày càng dễ dãi hơn đối với những điều kiện sử dụng súng, các nghị viện địa phương lại chịu tác động của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA). Các nghị sĩ Cộng hòa rất thân cận với các tổ chức vận động hành lang vì súng đạn như NRA chắc chắn sẽ cản trở mọi nỗ lực ở quốc hội liên bang. Bản thân Tổng thống Obama, như báo Le Monde cho biết, ngay trong phát biểu tối 16-12 tại Newtown cũng không công khai ủng hộ một đạo luật cứng rắn nhằm kiểm soát vũ khí, thậm chí ông còn không dùng từ “súng”.
Nhiều nhà quan sát nhận định sẽ không dễ để Chính phủ Mỹ đưa ra một luật mới về kiểm soát súng. Andrew Briggs, chuyên gia về vấn đề này thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nhận định: “Cơ hội để hạ viện vốn do phe Cộng hòa chiếm đa số thông qua những đạo luật kiểm soát chặt chẽ hơn là cực kỳ nhỏ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận