Mỹ: thảm sát ở trường tiểu học, 28 người chết
Phóng to |
Dù một nghị sĩ là bà Gabrielle Giffords suýt mất mạng trong một vụ tấn công bằng súng, cách các chính khách phản ứng về những vụ xả súng như sau: bày tỏ kinh hoàng và đau lòng, nhưng khẳng định đây không phải là lúc để bàn về chính trị. Một số nghị sĩ gợi lại chuyện thay đổi luật sở hữu súng nhưng vụ việc cũng chìm dần.
Tuy nhiên, nạn nhân trong vụ xả súng ngày 14-12 phần lớn là trẻ em khiến cả nước không khỏi bàng hoàng và giận dữ.
Đảng Dân chủ quyết liệt
Ngay sau vụ tấn công hàng loạt ở Trường Sandy Hook, Tổng thống Obama đã xuất hiện trên truyền hình và tỏ thái độ cứng rắn để giải quyết triệt để những vụ xả súng, “Đất nước chúng ta đã trải qua những bi kịch thế này quá nhiều lần".
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama từng xảy ra một số vụ giết người hàng loạt. Vụ án gây thương vong lớn gần đây là thảm sát tại rạp chiếu phim ở bang Colorado khiến 12 người thiệt mạng.
Sau vụ xả súng ở đền thờ đạo Sikh hồi mùa hè này, Nhà Trắng bác bỏ đề xuất về một luật kiểm soát súng đạn mới. Quan điểm của ông Obama khi đó là chính quyền sẽ áp dụng mọi biện pháp để ngăn tội phạm và những cá nhân không ổn định tiếp xúc với vũ khí, trong khi vẫn bảo đảm quyền được ghi nhận trong hiến pháp về việc sở hữu súng của người dân Mỹ.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ của bang California, bà Dianne Feinstein nói cuộc xả súng lần này là nguyên nhân để bắt đầu một cuộc tranh luận thấu đáo về luật súng ống trong phiên họp quốc hội sắp tới. “Khi những họng súng vô tình đã tìm đến tận các trường tiểu học và mẫu giáo của chúng ta thì phải đặt ngay câu hỏi điều gì đã xảy ra cho nước Mỹ”.
Hạ nghị sĩ Dân chủ bang New York Jerrold Nadler nói: “Nếu không tổ chức ngay một cuộc thảo luận nghiêm túc về kiểm soát súng và nạn xả súng ám ảnh xã hội chúng ta thì tôi không biết sẽ đến lúc nào. Một người trong tình trạng bất ổn vẫn được tiếp cận với vũ khí và gây ra tội ác chống lại trẻ em. Chúng ta không thể chấp nhận đây là một quy trình của xã hội Mỹ hiện đại. Tôi kêu gọi Tổng thống Obama, quốc hội và người dân hãy hành động vì sự phẫn nộ của chúng ta”.
Hạ nghị sĩ Dân chủ của bang New York, bà Carolyn McCarthy khẳng định “sẽ không để vụ việc lại rơi vào quên lãng”. Chồng bà cũng là nạn nhân trong một vụ xả súng.
Một liên minh các thị trưởng, trong đó gồm Thị trưởng thành phố Boston Thomas Menino và Thị trưởng New York Michael Bloomberg, đồng loạt kêu gọi hành động. “Đây là lúc cần có một chính sách quốc gia để loại bỏ những kẽ hở pháp luật về súng đạn” - Thị trưởng Menino nói.
Truyền thông Mỹ cũng vào cuộc. “Ngày hôm nay không phải để bàn về chính trị. Liệu vụ thảm sát có phải là điểm bước ngoặt?” - trưởng văn phòng tại Washington của báo USA Today Susan Page nói. Còn phát thanh viên Alex Wagner của kênh MSNBC khẳng định: “Cần phải có một sự thay đổi đáng kể”.
Bên ngoài Nhà Trắng có hàng chục người tuần hành yêu cầu chính quyền phải đưa ra hành động về luật sở hữu súng.
Phóng to |
Người dân kêu gọi thắt chặt quản lý sở hữu súng tuần hành bên ngoài Nhà Trắng - Ảnh: Reuters |
Đảng Cộng hòa phản đối
Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi luật. Đến nay các nghị sĩ Đảng Cộng hòa luôn bác mọi cải cách luật sở hữu súng liên bang, gồm cả việc áp dụng lại lệnh cấm vũ khí sát thương đã được cựu tổng thống Bill Clinton ban hành năm 1994 và hết hiệu lực vào năm 2004 dưới thời cựu tổng thống George W.Bush.
Những người ủng hộ Tu chính án thứ hai (quy định việc sở hữu súng) không dao động. Họ cho rằng việc hạn chế các loại vũ khí bán tự động không phải là giải pháp.
“Sở hữu súng cũng có những mặt tích cực và không được quên điều này. Ở trong trường học khi đó không ai có súng để bảo vệ học sinh mình. Tôi tin chắc kẻ đã gây ra tội ác này biết rằng y có thể thực hiện thành công ý đồ vì trong trường chẳng ai có vũ khí để ngăn cản y” - một người dân tên Alan Gottlieb nói.
Còn chủ tịch Hiệp hội Súng ống Mỹ Wayne LaPierre thì cáo buộc giới truyền thông sử dụng những bi kịch làm cớ để khơi dậy các tranh luận về kiểm soát vũ khí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận