26/03/2017 11:53 GMT+7

Ông vua thương lượng đã thất bại

GS TIMOTHY UNVERZAGT GODDARD (từ Mỹ) M.Trung chuyển ngữ
GS TIMOTHY UNVERZAGT GODDARD (từ Mỹ) M.Trung chuyển ngữ

TTO - Thất bại lớn thứ hai trong hai tháng lãnh đạo của Tổng thống Trump khiến mọi người bàn tán không dứt về kỹ năng điều hành của ông.

Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 24-3 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 24-3 - Ảnh: Reuters

 

Quyền lực của tổng thống là quyền lực thuyết phục

Richard Neustadt (cựu GS ĐH Harvard, viết trong cuốn sách Quyền lực tổng thống và các tổng thống hiện đại: Các chính sách lãnh đạo)

“Repeal and replace Obamacare” (Xóa bỏ và thay thế Obamacare). Trong gần bảy năm qua, gần như đó là câu khẩu hiệu quy tụ các thành viên bảo thủ của Đảng Cộng hòa.

Trong suốt 18 tháng vận động tranh cử, Donald Trump cũng đã hứa hẹn điều đó và nhiều lần lặp lại điều đó. Người ta tính rằng ông đã nhắc điều đó 68 lần trong các buổi nói chuyện và 435 lần trên Twitter.

“Chúng tôi sẽ lập tức hủy bỏ và thay thế Obamacare và không ai có thể làm được điều này tốt hơn tôi” - ứng viên Trump từng mạnh miệng hứa hẹn điều đó vào giữa năm 2016. Và ngay trước ngày bầu cử tổng thống, ông còn nhắc lại: “Đạo luật đầu tiên tôi sẽ đặt bút ký là đạo luật để thay thế Obamacare”.

Nhưng từ khi đặt chân vào Nhà Trắng, ông Trump cùng những chính khách Cộng hòa đã phải đầu hàng chỉ trong 18 ngày tính từ khi dự luật được trình ra ngày 7-3.

Cộng hòa trở cờ

430 thành viên Hạ viện (193 bên Dân chủ và 237 Cộng hòa) lẽ ra đã phải bỏ phiếu hủy chính sách Obamacare. Nhưng hơn 30 nghị sĩ Cộng hòa nhóm trung dung và bảo thủ đã cho biết sẽ bỏ phiếu nói không.

Quyết định của nhóm này cùng với nhóm Dân chủ đã khiến bên Cộng hòa buộc phải hủy cuộc bỏ phiếu quan trọng bởi họ biết chắc sẽ thất bại khi không lấy được 216 phiếu thuận cần thiết.

“Chúng ta đã đạt gần được” - ông Trump gắng gượng tuyên bố từ Phòng Bầu dục dù cũng phải buông lời nhận xét của kẻ thua cuộc là thấy “thất vọng” và “hơi bị bất ngờ”.

Có thể nói đây là một thất bại cay đắng bởi Tổng thống Donald Trump, người thường tự hào với khả năng đàm phán của mình, đã khá tự tin khi tiết lộ trước đó rằng ông đã nói chuyện trực tiếp với không dưới 120 nghị sĩ để giải thích về tính ưu việt của dự luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) mà nhóm Cộng hòa bảo trợ.

Thậm chí ngay sát giờ bỏ phiếu, khi có dấu hiệu “phản kháng” của các hạ nghị sĩ, tác giả của cuốn sách lừng danh Nghệ thuật đàm phán còn tung ra con bài tẩy: các vị phải bỏ phiếu vào ngày 24-3 nếu không thì không bàn đến chuyện này nữa.

Vị tổng thống tỉ phú tin rằng các nghị sĩ Đảng Cộng hòa không dám làm thất vọng cử tri với chính sách lớn của chính quyền Cộng hòa trong nhiệm kỳ đầu tiên và cũng không dám làm trái ý ông.

Thế rồi đến cuối giờ sáng 24-3, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan - lãnh đạo phe đa số Cộng hòa - buộc phải đến Nhà Trắng thông báo sự thật phũ phàng: ông đã không hoàn thành được nhiệm vụ của người lãnh đạo Cộng hòa.

Đây là một thất bại khó tả bởi chưa bao giờ bên Cộng hòa có được thế đa số như lúc này tính từ năm 1928.

Bên Cộng hòa ráng giữ chút thể diện khi Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan khẳng định “mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt”. Còn ông Trump, trong một phát ngôn từ Nhà Trắng, tuyên bố đầy vẻ giận dỗi: “Nói theo ngôn từ chính trị thì chuyện tốt nhất để làm lúc này là cứ để Obamacare nổ tung”.

Khó có thể trái ý dân

Nhưng theo giới phân tích thì xem như chính sách AHCA sẽ bị xếp vào ngăn tủ. Thất bại thứ hai này (sau thất bại thứ nhất là chính sách nhập cư) hẳn cũng là bài học lớn để ông Trump thấy rằng lãnh đạo một đất nước không hề giống lãnh đạo doanh nghiệp.

Vai trò của tổng thống là đạt được đồng thuận, là khéo léo hướng người khác đồng tình với tầm nhìn của mình. Ở Mỹ, người ta xây dựng đất nước hiệu quả bằng những sự tưởng thưởng chứ không bằng sự đe dọa.

Ngay cả việc xây dựng chính sách mới cũng cho thấy giữa nói và làm là cả một khoảng cách. Đến đầu tháng 3, thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul còn phải gây áp lực để được xem bản dự thảo thay thế đó.

Ông từng không giấu được chút ít thất vọng khi phát biểu trước giới truyền thông: “Tất cả đã được thảo luận trong bí mật. Nhưng cái thứ mà họ đang cố giấu giếm dường như chỉ là một bản Obamacare lược bớt?”.

Thực tế là bản dự thảo Trumpcare chưa tạo được đột phá. Nó vẫn còn giữ lại một số điều khoản của Obamacare nhưng bỏ đi phần cốt lõi của dự luật của chính quyền tiền nhiệm, theo đó buộc mọi người dân Mỹ phải đăng ký bảo hiểm y tế.

Chính thức mà nói thì dự thảo mới nhằm loại bỏ những thâm hụt ngân sách do Obamacare tạo ra. Nhưng bản báo cáo của Văn phòng Ngân sách thuộc Hạ viện Mỹ đã phải phát đi cảnh báo cho biết theo dự thảo mới thì hơn 20 triệu dân Mỹ sẽ không có được bảo hiểm y tế.

Những người cao tuổi sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên với phần chi phí tăng gấp 7 lần đối với những người về hưu có thu nhập hằng năm dưới 26.000 USD trước đó.

Các cuộc biểu tình cấp địa phương đã nổ ra, bên Dân chủ khích động cử tri “hỏi han” những vị dân cử và sự ủng hộ của người dân với dự thảo mới sụt nhanh chóng, xuống chỉ còn 17%, theo một thăm dò của ĐH Quinnipiac.

Đương nhiên bên Dân chủ quá đỗi vui mừng với vụ hoãn Trumpcare. “Hôm nay là một thắng lợi của 24 triệu người suýt bị mất bảo hiểm y tế” - bà Hillary Clinton viết trên Twitter. Nhưng dường như bà cựu ngoại trưởng sớm quên rằng bà cũng từng gây ra một vụ việc tương tự.

Năm 1993, Bill Clinton từng khởi đầu nhiệm kỳ của mình cũng khá tệ hại với kế hoạch cải tổ hệ thống y tế. Khi đó bà Hillary Clinton cùng một số cố vấn đã bí mật soạn thảo bộ văn bản đó để trình ra Quốc hội.

Kết quả là một “thảm họa chính trị” khiến Đảng Cộng hòa sau đó chiếm thế thượng phong tại Hạ viện.

Giờ đây ông Donald Trump đã đe dọa rằng cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào năm 2018 sẽ là “một cuộc tắm máu” với những thành viên Cộng hòa không chịu đứng vào hàng ngũ. Chắc đành phải chờ xem lần nữa giữa nói và làm

GS TIMOTHY UNVERZAGT GODDARD (từ Mỹ) M.Trung chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên