01/04/2018 15:01 GMT+7

Ông Tuấn 'môi trường' đặt giỏ rác trên mỗi cánh đồng

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Những cánh đồng của thôn không còn thấy vỏ bao bì hộp thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật... Đó là nhờ ông Võ Anh Tuấn (56 tuổi) - chi hội trưởng nông dân thôn Thạch Bích, xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn, Quảng Nam).

Ông Tuấn môi trường đặt giỏ rác trên mỗi cánh đồng - Ảnh 1.

Ông Tuấn bên giỏ rác “hand made” của mình giữa đồng ruộng - Ảnh: LÊ TRUNG

Nông dân ở đây đặt biệt danh cho ông là Tuấn "môi trường".

Từ tháng 4-2012, ông Tuấn giữ chức chi hội trưởng nông dân thôn Thạch Bích. Ông kể rằng trước đây sau khi phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt mầm, thuốc bảo vệ thực vật, nông dân thường vứt bao bì, vỏ thuốc trên bờ ruộng, kênh mương, bãi cỏ, gây ảnh hưởng đến nguồn thức ăn, nước uống của đàn gia súc, sức khỏe người dân. Nhiều trâu, bò ở thôn liên tục bị dịch bệnh chết.

Thế là ông nghĩ ra việc làm thùng rác trên mỗi cánh đồng của thôn để thu gom các loại rác độc hại đó. Ông đi quanh thôn xin vỏ bao ximăng về nhà hì hục cắt, may lại cho đẹp thành giỏ. Trên mỗi chiếc giỏ, ông ghi dòng chữ "Bỏ rác thải vào giỏ để tránh gây ô nhiễm môi trường". 

Rồi ông lội ruộng, dùng cọc gỗ đóng tại 20 điểm trên các cánh đồng của thôn, gắn giỏ đựng rác lên cọc. Đó là những điểm gần với kênh mương, hồ chứa nước để bà con bỏ bao bì thuốc dùng rồi vào giỏ.

Lòng tốt của ông Tuấn mới đầu đã gặp ngay sự hững hờ của bà con nông dân ở thôn bởi thói quen vứt rác đã có từ xưa. Ông phải xách loa đi quanh thôn, đến từng nhà người dân vận động bà con bỏ rác vào giỏ để bảo vệ môi trường đồng ruộng nhưng không ai hưởng ứng. 

Thế là mỗi ngày ông dành vài giờ để xắn quần, lội ruộng lượm từng vỏ bao bì thuốc bỏ vào giỏ rác. Nhiều người dân hằng ngày nhìn thấy ông chi hội trưởng nông dân làm cái việc không công như vậy, họ thấy thương cảm và dần dà bỏ rác... vào giỏ.

Nhưng cái khó nhất là khâu xử lý rác. Ông Tuấn kể khi đề xuất làm mô hình giỏ đựng rác, lãnh đạo thôn đặt câu hỏi: "Rác thải này ai xử lý?", ông nói "để tui". Thế là khi các giỏ rác đã đầy, tự tay ông kéo xe bò chở rác đem đến một địa điểm xa khu dân cư, đào hố đốt rồi chôn lại. 

Đến năm 2016, khi xã đã có bể rác thải nông nghiệp thì ông không còn phải tự tay tiêu hủy rác nữa mà thu gom bỏ vào bể. Và mỗi năm khi các giỏ rác "hand made" hư hỏng, ông Tuấn lại hì hục làm các giỏ rác khác thay vào.

Ông Trương Vĩnh Long (59 tuổi, nông dân thôn Thạch Bích) nói rằng mới đầu thấy ông Tuấn làm giỏ rác rồi đi lượm và tiêu hủy rác, bà con nông dân ai cũng bĩu môi cho rằng ông làm việc không công. Nhưng sau đó họ mới tự thấy xấu hổ và thay đổi ý thức của mình. Bây giờ bà con sau khi phun thuốc thì tự động bỏ vỏ bao bì vào thùng, không đợi ông nhắc nhở nữa.

"Không có ông Tuấn thì đồng ruộng của thôn bây giờ đã không sạch đẹp, ít ô nhiễm như bây giờ. Chúng tôi thấy quý trọng công sức của ổng lắm" - ông Long nói.

Lương của ông Tuấn mỗi tháng 390.000 đồng. Mỗi tháng ông trích 100.000 đồng mua thuốc diệt chuột đem về phát miễn phí cho nông dân. Trước khi phát, ông giao chỉ tiêu: "Mỗi bà con lấy một gói thuốc thì phải giao lại cho ông từ 2-3 đuôi chuột".

Sau khi bà con đem đuôi chuột lên nộp, ông đem lên xã để đổi mỗi cái đuôi 5.000 đồng rồi mang tiền về giao cho dân. Nhờ vậy, vụ lúa năm nay các cánh đồng ở Thạch Bích đã vắng bóng chuột.

"Ông" hiệu trưởng 28 tuổi của trường mầm non 'Ông' hiệu trưởng 28 tuổi của trường mầm non

TTO - Trong lễ bàn giao nhà tình bạn cho thanh niên khó khăn tại Q.9 (TP.HCM), trước Tết Nguyên đán, MC chương trình giới thiệu "xin mời ông hiệu trưởng, bí thư chi đoàn Trường mầm non Ban Mai lên trao tặng quà cho gia đình".

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên