17/12/2017 15:49 GMT+7

Hãy nói nhiều hơn về môi trường

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - "Bây giờ, nhiều bạn nước ngoài và những bạn thích đi du lịch trong nước không ngại ngần nói thẳng với tôi rằng: "Shu à, tớ không đến Sa Pa nữa đâu!".

Hãy nói nhiều hơn về môi trường - Ảnh 1.

Đó là câu chuyện "đau lòng và xót xa" của Tẩn Thị Shu - người sáng lập Công ty du lịch Sapa O’Chau (Cảm ơn Sa Pa), được trao giải bạc giải thưởng Du lịch trách nhiệm thế giới 2016 - khi nói về môi trường du lịch ở Sa Pa hiện nay.

Để phục vụ mục tiêu đón 5,2 triệu lượt khách vào năm 2030, Sa Pa đang bị biến thành đại công trường xây dựng với hàng loạt nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng... mọc lên như nấm sau mưa. Mỗi sớm, Sa Pa oằn mình thức giấc bởi hàng loạt cần cẩu lô nhô xé toạc màn sương và những tiếng máy móc ầm ĩ, tiếng xe cộ huyên náo.

Ô nhiễm môi trường sinh thái nhân danh phát triển du lịch ấy là câu chuyện không chỉ của riêng thị trấn nhỏ Sa Pa. Sa Pa chỉ là một trong những dẫn chứng điển hình nhất cho nhiều điểm du lịch "nên đến trước khi chết" ở Việt Nam như Mù Cang Chải, Sơn Đoòng, Cát Bà, Phú Quốc... đang có nguy cơ trở thành điểm "chết trước khi đến".

Tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm nay, nhiều phóng sự đã phản ánh những nỗi lo cấp bách về môi trường như: phá rừng trái phép tại các tỉnh miền núi phía Bắc, người dân vùng núi Quảng Nam phải rời làng vì lũ lụt, khai thác cát trái phép tại Vĩnh Phúc, xả nước thải ô nhiễm tại Hà Nam, giải pháp nào xử lý những bãi rác đang được chôn lấp hoặc đổ lộ thiên ở khắp nơi...

Hiểm họa về môi trường còn trở thành đề tài bàn luận sôi nổi tại cuộc hội thảo quốc tế về phê bình sinh thái trong văn học Việt Nam mới đây. Câu hỏi lớn được nhiều diễn giả đặt ra là vì sao những thảm họa môi trường ở Việt Nam đang ngày càng đe dọa cấp thiết đến sự sống, nhưng lại ít xuất hiện trong văn học đương đại? Và tại hội thảo, TS Hoàng Tố Mai (Viện Văn học) mạnh mẽ cảnh báo: ô nhiễm môi trường không còn là những câu chuyện xa lạ trên báo đài, mà là sinh mệnh của mỗi người.

Nếu người dân thành phố hằng ngày đang phải đối mặt với khói bụi, kẹt xe, ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng... thì người dân miền núi luôn mang nỗi lo thường trực những cơn lũ cuốn đi tất cả, như câu nói "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt".

Hãy nói, viết, phản ánh nhiều hơn về môi trường, kể cả sự cố, thảm họa. Đọc, xem, nghe có thể sẽ xót, đau, tổn thương, nhưng đó chính là những lời cảnh báo nghiêm khắc nhất để ngay cả những người thờ ơ, những kẻ cố tình giết môi trường cũng phải ngộ ra rằng cứ làm thế là giết chính mình, giết đồng loại.

Hollywood đã làm nhiều bộ phim lấy đề tài là thảm họa môi trường, đó là những cơn đại hồng thủy cuốn trôi tất cả, một Trái đất không còn màu xanh, mà chỉ còn màu vàng của hoang mạc - của sự lụi tàn... Những điều đó không hẳn là hoang tưởng, mà đã đến rất gần dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau.

Vâng, hãy viết, nói, phản ánh tích cực hơn về thảm họa môi trường, đó chính là mở ra con đường sống tốt hơn cho mỗi người chúng ta.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên